Ảnh minh họa: Internet

Ảnh minh họa: Internet

Kết quả nào sau 1,5 tháng kiểm soát trọng tải xe?

(ĐTCK) Sau gần một tháng rưỡi cả nước đồng loạt ra quân kiểm soát tải trọng xe trên toàn quốc, theo thống kê mới nhất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đã có 63/63 tỉnh, thành phố  triển khai cân xe, trong đó, nhiều địa phương đã duy trì hoạt động kiểm tra liên tục 24/24 giờ.
Trong những ngày qua, sau khi các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát tải trọng xe trên đường bộ, đã xảy ra tình trạng một số chủ xe tránh né những điểm cân lưu động hoặc không ký kết các hợp đồng vận chuyển, sẵn sàng cho xe “đắp chiếu” để vừa nghe ngóng, theo dõi động thái, vừa gây sức ép buộc các cơ quan chức năng phải “hạ nhiệt” hoạt động kiểm soát tải trọng.

Đặc biệt là, một số hiệp hội, ngành hàng, hoặc vì lợi ích cục bộ hoặc chưa quán triệt đầy đủ chủ trương kiểm soát tải trọng xe của Chính phủ nên đã có những động thái gây sức ép bằng việc điều chỉnh giá hàng hóa, thay vì lên kế hoạch tìm những phương thức vận tải khác để thay thế.

Các tín hiệu trên từ những cung đường cho thấy, đây đang là giai đoạn mang tính bước ngoặt đối với hoạt động kiểm soát tải trọng xe - chủ trương nhất quán của Chính phủ nhằm từng bước thiết lập trật tự an toàn giao thông, nâng cao ý thức giữ gìn hệ thống đường bộ, góp phần đưa giá cước vận tải về đúng giá trị thật.

Cần phải khẳng định rằng, các DN vận tải chân chính đều muốn làm ăn lâu dài, ổn định, nên nếu cơ quan chức năng làm không đến nơi đến chốn sẽ khiến các DN này thiệt thòi, khó cạnh tranh. Đó là chưa kể đến chuyện lợi ích nhỏ từ việc chở quá tải (mà một nhóm nhỏ cá nhân, tổ chức được hưởng lợi) không bù lại được tổn thất to lớn mà cả xã hội đang phải gánh chịu khi những tuyến đường được đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng sớm xuống cấp.

Lâu nay, cước vận tải bị “bóp méo” do phải gánh một tỷ lệ chi phí khá lớn cho “giá đen bôi trơn” rải khắp các cung đường từ Bắc chí Nam, DN vận tải buộc phải bù lại bằng cách chở vượt tải trọng. Do tình trạng chở quá tải diễn ra quá lâu và ăn sâu trong tư duy của người làm vận tải, lại liên quan nhiều đối tượng, tạo  thành vòng luẩn quẩn, vì thế, sẽ không dễ dàng thay đổi trong một sớm, một chiều.

Chính vì vậy, mỗi địa phương và các bộ, ngành liên quan cần xác định đây là “cuộc chiến” lâu dài và phải thật sự quyết liệt, triệt để, không hời hợt nửa vời. Có như vậy mới phát huy hiệu quả thật sự.

Để chủ trương này có tác động tích cực, làm thay đổi tư duy và góp phần trả giá cước vận tải về đúng bản chất, Bộ Giao thông - Vận tải cần kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương triển khai sớm việc cân tải trọng xe đồng loạt trên các tuyến đường trọng điểm, bố trí nhân lực làm việc liên tục 24/24 giờ và làm mạnh mẽ, quyết liệt, lâu dài cho đến khi tình trạng chở quá tải được kiểm soát tốt.

Ảnh hưởng ban đầu có thể làm xáo trộn về giá cước vận tải, giảm lợi nhuận của DN, nhưng về lâu dài, thị trường vận tải sẽ minh bạch, cước vận tải trở về đúng giá trị thật, các DN có phân khúc thị trường rõ ràng.

Về lâu dài, Bộ Giao thông - Vận tải cần sớm thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm tăng cường tính kết nối giữa phương thức vận tải có sức chở lớn, chi phí thấp mà Việt Nam có lợi thế, nhưng mới chỉ sử dụng chưa đầy 50% năng lực như: đường sắt, vận tải thủy nội địa, vận tải biển. Đây mới là giải pháp lâu dài để giải quyết tình trạng dồn gánh nặng quá mức lên các cung đường bộ, gây mất an toàn giao thông, gia tăng chi phí như hiện nay.

Tin bài liên quan