Blockchain: Ứng dụng và cơ hội trong ngành tài chính

Blockchain: Ứng dụng và cơ hội trong ngành tài chính

(ĐTCK) Chia sẻ về câu chuyện tương lai của blockchain (công nghệ chuỗi khối), cũng như tiền kỹ thuật số, TS. Đặng Minh Tuấn, Trưởng Lab Blockchain, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC cho rằng, những yếu tố mới xuất hiện với mục tiêu giúp xã hội phát triển, phù hợp với lợi ích của số đông thì sớm muộn cũng sẽ đi vào cuộc sống, còn những lĩnh vực truyền thống hoặc phải chuyển đổi mình (chuyển đổi số) để phù hợp với xu thế mới, hoặc là dừng cuộc chơi…

Hiện nay, blockchain đã được ứng dụng trong nhiều ngành nghề, nhưng tư tưởng ban đầu của blockchain là nhằm ứng dụng cho ngành tài chính, theo ông?

Ðúng vậy, blockchain khi được Satoshi Nakamoto (một nhân vật hoặc tổ chức ẩn danh) phát minh ra là để phục vụ ngành tài chính. Ứng dụng đầu tiên của blockchain chính là tiền kỹ thuật số, ra đời năm 2008 trong bối cảnh diễn ra khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu.

Satoshi Nakamoto muốn phát triển một đồng tiền không bị thao túng bởi bất kỳ một tổ chức nào, giảm thiểu sự can thiệp của con người… nên nghĩ ra hệ thống blockchain.

Thực tế cho thấy, khi con người can thiệp vào hệ thống tài chính, bên cạnh sự tích cực, cũng sẽ đưa đến những tác động tiêu cực. Do đó, một hệ thống chạy hoàn toàn tự động, phục vụ cho lợi ích số đông là điều cần thiết và đây cũng là triết lý của blockchain.

Vì giảm thiểu sự can thiệp của con người, nên blockchain cân bằng và minh bạch hơn.

Từ giai đoạn khởi phát năm 2008 đến nay, blockchain đã phát triển mạnh mẽ đến giai đoạn thứ hai, đó là các hợp đồng thông minh (smart contract).

Ðây tiếp tục là nền tảng phục vụ nhiều ngành kinh tế, bao gồm cả tài chính - ngân hàng.

Thực tế, các giao dịch tài chính, thương mại đều thông qua các hợp đồng truyền thống nhằm đảm bảo tính pháp lý theo các bộ luật hiện hành.

Nhưng với hợp đồng thông minh, dựa trên nền tảng blockchain thì không cần một bên thứ ba phân xử khi có tranh chấp về lợi ích, điều khoản trong hợp đồng. Với cơ chế đảm bảo sự minh bạch, không có can thiệp của con người, các hợp đồng đều hoạt động tự động.

Theo đó, các hoạt động của tài chính - ngân hàng cũng được tự động. Nhờ đó, năng suất các giao dịch của lĩnh vực tài chính - ngân hàng được nâng lên, được tin tưởng hơn và đảm bảo hơn.

Tiếp theo là giai đoạn thứ ba, phát triển từ nền tảng hợp đồng thông minh, nhưng được xây dựng thành một hệ sinh thái mới và hoàn chỉnh, mà vẫn đảm bảo được tính minh bạch, an toàn, không có sự can thiệp tiêu cực của con người, chẳng hạn các ứng dụng gọi xe Grab, Uber…

Trải qua 3 giai đoạn phát triển, blockchain đã cho thấy có nhiều ứng dụng trong ngành, phục vụ rất tốt ngành này đúng như mục tiêu ban đầu.

Ví dụ, ngoài ứng dụng là tiền có thể tạo thành huyết mạch của nền kinh tế là dòng tiền, blockchain đã mở ra những dịch vụ mới, ngành mới trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, đồng thời cải thiện, nâng cao hiệu quả, cũng như giảm thiểu giá thành của các dịch vụ truyền thống như chuyển tiền qua biên giới…

Bên cạnh đó, việc cấp tín dụng cũng sẽ dễ dàng, minh bạch hơn với những ứng dụng gọi vốn, những giao dịch tài chính - ngân hàng thông qua hợp đồng thông minh (smart contract) cũng hỗ trợ tốt hơn hoạt động ngành này.

Tóm lại, chuyển đổi số không phải xu thế của riêng ngành ngân hàng, mà là xu thế của mọi ngành nghề.

Bản chất của chuyển đổi số là biến tất cả các thông tin phải xử lý thành dữ liệu số, đồng thời áp dụng công nghệ để xử lý dữ liệu số đó và đầu ra cũng là các dữ liệu số.

Nói cách khác, đó là chuyển đổi mọi thứ thành số, rồi chuyển đổi từ số về các giá trị thông thường.

Mục tiêu là như vậy, nhưng thực tế hơn 10 năm qua, đồng tiền ban đầu được thiết kế nhằm làm đồng tiền của thế giới vẫn chưa thể hiện được vai trò như kỳ vọng?

TS. Đặng Minh Tuấn, Trưởng Lab Blockchain, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng công nghệ CMC.

Có rất nhiều lý do, trong đó có một lý do lớn, đó là từ các chính sách tiền tệ của các quốc gia.

Ví dụ, trong nhiều đồng tiền điện tử hiện nay, đồng Libra của Facebook được đánh giá là có tính khả thi cao nhất, bởi Facebook là một nền tảng lớn, có số lượng người dùng lớn nhất hiện nay với khoảng 2,7 tỷ người dùng, ban đầu có 28 tổ chức tài chính, doanh nghiệp lớn  tham gia hỗ trợ.

Tuy nhiên, Libra bị phản đối mạnh mẽ từ các chính phủ, ngân hàng trung ương do lo ngại việc mất kiểm soát dòng tiền, thậm chí là nằm ngoài vòng quản lý nhà nước về chính sách tiền tệ.

Tóm lại, tiền kỹ thuật số chưa đi vào thực tế không phải bởi thiếu tính khả thi về mặt kỹ thuật, mà chủ yếu do sự cản trở liên quan đến các chính sách tiền tệ của các quốc gia.

Vậy tương lai nào cho tiền kỹ thuật số, theo ông?

Thực tế, bất kỳ cuộc cách mạng nào cũng có lực cản, đây là quy luật. Khi xuất hiện một hình thức mới thì “lực quán tính” của hệ thống cũ vẫn xuất hiện, vấn đề chỉ là nhanh hay chậm. Trước đây, khi công nghệ thông tin chưa phát triển, việc truyền gửi thông tin thường khó khăn, tốn thời gian và chi phí.

Ngày nay, với sự bùng nổ về công nghệ thông tin và Internet, chúng ta có thể gửi thông tin một cách dễ dàng, xuyên biên giới và gần như không tốn kém chi phí.

Tương tự, trong chia sẻ giá trị là tiền, dần dần chúng ta sẽ hướng đến xu thế chuyển tiền cho nhau không mất phí và nhanh chóng, dễ dàng như gửi tin nhắn.

Một ví dụ khác, trao đổi thông tin tài chính là điều các quốc gia thường rất thận trọng do lo ngại không kiểm soát được những luồng thông tin xấu, độc hại. Với chia sẻ tiền cũng vậy, có sự lo ngại về việc không kiểm soát được dòng tiền, giá trị dòng tiền.

Song, đến một thời điểm nào đó, chúng ta sẽ kiểm soát được. Ðó là quy luật về những lợi ích nhận thấy, đó là quyền của con người. Cái gì tiện lợi, đem lại tiện ích cho mọi người sẽ thắng thế, bằng cách này hay cách khác sẽ phát triển và thay thế những cái cũ, lạc hậu.

Ông muốn cảnh báo gì về blockchain, cũng như cách ứng xử với công nghệ mới này?

Tấm huy chương bao giờ cũng có 2 mặt và gần như không có vấn đề nào là không có mặt trái. Vấn đề của chúng ta là đối mặt, tiếp cận như thế nào để đưa ra hướng giải quyết phù hợp.

Với blockchain, rủi ro trực tiếp là không có ai kiểm soát dòng tiền, điều này dẫn đến hệ lụy là thị trường dễ bị thao túng, hoặc tiền được sử dụng vào mục đích xấu.

Chẳng hạn, với tính năng gửi nặc danh, kẻ xấu có thể chuyển tiền để tài trợ khủng bố mà khó bị phát hiện.

Hay với đồng Bitcoin, do không có sự kiểm soát nên đồng tiền này dễ bị các “cá mập” thao túng, đẩy giá tăng giảm bất thường để hưởng chênh lệch…

Về rủi ro gián tiếp, đó là sự thiếu ổn định, bởi công nghệ luôn phát triển, việc đầu tư vào những lĩnh vực chưa ổn định tiềm ẩn rủi ro là ngày hôm nay dùng được, nhưng ngày mai có thể bị thay thế bởi công nghệ khác.

Bên cạnh đó, blockchain là công nghệ mới, phức tạp, nếu không am hiểu sẽ dễ bị mắc lừa. Thực tế, đã có những vụ lừa đảo lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng ở Việt Nam liên quan tới công nghệ blockchain.

Ở góc độ tâm lý, vì không hiểu nên e ngại, vì e ngại nên không đầu tư, thậm chí cấm cản để tránh rủi ro hay chịu trách nhiệm.

Bởi vậy, khi muốn ứng dụng blockchain, điều quan trọng nhất là phải hiểu thật rõ bản chất, ưu nhược điểm, triết lý của công nghệ mới này, để từ đó có thể hạn chế những mặt trái, cũng như tận dụng được các ưu thế mà blockchain mang lại.

Trong bối cảnh cách mạng 4.0 bùng nổ, chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của taxi công nghệ gây sức ép lớn lên taxi truyền thống. Những điều mới, phù hợp và đem lại lợi ích cho số đông sẽ dần đi vào cuộc sống - đó là quy luật.

Những ngành nghề, lĩnh vực truyền thống hoặc phải chuyển đổi mình (chuyển đổi số), thay đổi phương thức hoạt động, áp dụng các công nghệ mới để phù hợp với thời đại mới, xu thế mới, hoặc là chấm dứt cuộc chơi.

TS. Đặng Minh Tuấn nguyên là Đại tá, Phó giám đốc Trung tâm An toàn thông tin, Cục Công nghệ thông tin, Bộ Quốc phòng; Phó giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về an toàn thông tin. Ông hiện là Trưởng Lab Blockchain, Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông, Trưởng Tiểu ban kỹ thuật tại Tiểu ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia TCVN/JTC1/SC 35, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Vietfintec (Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam). Ngoài ra, ông còn được biết đến như là tác giả của phần mềm Vietkey.

Tin bài liên quan