Bloomberg: Thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới, đang thách thức quyết định đầu tư của người dân Việt Nam

Bloomberg: Thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới, đang thách thức quyết định đầu tư của người dân Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam với mức sụt giảm lớn nhất trên thế giới đang thử thách quyết tâm đầu tư của đông đảo người dân Việt Nam.

VN-Index giảm 36% trong năm nay – đây là mức sụt giảm mạnh nhất trên thế giới trong năm nay ngoài Sri Lanka. Trong khi một số nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy cơ hội mua vào, thì cuộc khủng hoảng này đang thách thức quyết định đầu tư của người dân Việt Nam.

“Tôi rất buồn”, Nguyễn Biên, huấn luyện viên bơi lội 33 tuổi cho biết giấc mơ mua một căn hộ ở Hà Nội của anh đang tan thành mây khói sau khi khoản đầu tư ban đầu khoảng 43.000 USD của anh giảm khoảng 40%. “Thị trường tiếp tục giảm và giảm như thể nó sẽ không bao giờ dừng lại, vì vậy tôi quyết định tạm dừng đầu tư”, ông cho biết.

Các nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 85% giá trị giao dịch trên sàn. Tuy nhiên, tâm lý của nhà đầu tư đã và đang trở nên tồi tệ hơn sau khi liên tiếp chứng kiến những vụ bắt bớ các lãnh đạo công ty, bên cạnh đó, các hoạt động huy động vốn của các công ty bất động sản đang bị siết chặt..., đã gây thêm áp lực cho một nền kinh tế đang vật lộn để kiểm soát lạm phát và gánh nặng nợ ngày càng tăng.

Hà Hải Đăng, môi giới chứng khoán 26 tuổi, quản lý gần 200 tài khoản nhà đầu tư cá nhân tại một công ty chứng khoán tại Hà Nội cho biết, khoảng 80-90% khách hàng của anh đang bị thua lỗ.

“Một hoặc hai năm trước, tôi thậm chí không cần mời mọi người mở tài khoản giao dịch, nhưng bây giờ tình thế đã xoay chuyển. Trong tháng 10, có 96.290 tài khoản giao dịch được mở mới bởi các nhà đầu tư cá nhân trong nước, giảm tháng thứ 5 liên tiếp sau khi đạt mức cao nhất hơn 476.000 vào tháng 5. Đây là số lượng tài khoản mở mới ít nhất của các nhà đầu tư cá nhân trong nước kể từ tháng 2/2021”, môi giới này cho biết.

Nhiều người Việt Nam mới tham gia thị trường đang đứng ngoài hoặc từ bỏ thị trường khiến mức thanh khoản đang giảm mạnh. Giá trị giao dịch trung bình trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đạt 436 triệu USD mỗi ngày từ ngày 1/11 đến ngày 21/11, giảm mạnh so với con số khoảng 761 triệu USD mỗi ngày trong năm nay theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Ông Phùng Trung Kiên, người sáng lập công ty quản lý tài sản Vietnam Holdings Inc cho biết, sự suy giảm của thị trường cũng đã gây ra áp lực bán mạnh do tình trạng margin call khiến những người ở lại chịu tổn thất nặng nề hơn.

Trong một báo cáo vào tuần trước, Fitch Ratings đã ủng hộ những nỗ lực của cơ quan quản lý Việt Nam nhằm “kiềm chế những rủi ro tiềm ẩn” trong lĩnh vực bất động sản là “tích cực vừa phải”. Tuy nhiên, Fitch Ratings cho biết, những động thái đó “có thể dẫn đến sự biến động của hệ thống tài chính trong ngắn hạn”.

Trong khi các nhà đầu tư trong nước rơi vào tình trạng hỗn loạn, một số nhà đầu tư nước ngoài nhìn thấy cơ hội mua vào khi chỉ số VN-Index giao dịch ở mức P/E 8,3 lần, mức thấp nhất kể từ ít nhất là tháng 12/2012.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 315 triệu USD trong tháng 11 sau khi bán ròng vào tháng 10 và tháng 9, đây cũng là mức mua ròng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 6/2020.

“Nhìn chung, tôi chia sẻ quan điểm tích cực về tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để tích lũy các công ty tốt với giá chiết khấu”, Jiyun Chung, Giám đốc đầu tư cổ phiếu tại Manulife IM Việt Nam cho biết.

Tuy nhiên, sự thay đổi đó đã không xoay chuyển thị trường và tâm lý nhà đầu tư cá nhân trong nước vẫn có triển vọng ảm đạm. Do đó, theo ông Hà Hải Đăng: “Kỳ vọng của nhà đầu tư hiện nay là giảm lỗ chứ không phải làm giàu như những năm trước”.

Tin bài liên quan