Bộ Công thương đề xuất chính sách đặc thù đẩy nhanh tiến độ các dự án điện

0:00 / 0:00
0:00
Kiến nghị Quốc hội cho phép ngành điện thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có luật điều chỉnh để đẩy nhanh tiến độ các dự án điện.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo tại phiên giải trình - (Ảnh CT)

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo tại phiên giải trình - (Ảnh CT)

Sáng 7/9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về thực trạng, giải pháp phát triển điện lực đến năm 2030 nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Tại đây, lãnh đạo Bộ Công thương sẽ cùng đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam (TKV) Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội.

Phiên giải trình là cơ hội để các đại biểu Quốc hội đối thoại trực tiếp với cơ quan quản lý nhà nước có liên quan đến phát triển ngành điện, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu khai mạc phiên giải trình.

Huy động vốn cho các dự án điện gặp nhiều khó khăn

Báo cáo tại phiên giải trình, khẳng định thời gian qua ngành điện đảm bảo cung cấp đủ điện an toàn, song Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng nêu không ít hạn chế từ quy hoạch đến đầu tư các dự án điện.

Đó là, nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cung ứng điện trong thời gian tới. Tổng công suất các nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành trong giai đoạn 2016-2020 chỉ đạt gần 60%. Đây là nguyên nhân cơ bản dẫn đến nguy cơ thiếu điện 2020- 2025, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hạn chế tiếp theo là mất cân đối nguồn cung điện giữa các vùng miền. Ở miền Bắc và miền Trung xảy ra tình trạng thừa cung, trong khi đó, ở miền Nam nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu.

Nguồn điện từ năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải điện để giải tỏa công suất phát triển chưa đồng bộ. Một số dự án điện (chủ yếu điện mặt trời) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, với tổng công suất khoảng 690 MW đã phải hạn chế một phần công suất phát. Đến cuối năm 2020, khi các công trình lưới điện truyền tải đang thi công tại khu vực này được đưa vào vận hành thì tình trạng này mới được giải quyết, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Một hạn chế nữa được Bộ trưởng đề cập là việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Việt Nam đã phải nhập khẩu than và tới đây sẽ phải nhập khẩu LNG cho sản xuất điện. Ước tính cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030. Việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp với khối lượng lớn nếu không có chiến lược phù hợp có thể tiềm ẩn rủi ro cho an ninh năng lượng.

Huy động vốn cho các dự án điện gặp nhiều khó khăn, cũng là một hạn chế. Cụ thể, trung bình mỗi năm nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện khoảng 8-10 tỷ USD. Các tập đoàn nhà nước đều gặp khó khăn về tài chính nên việc huy động vốn cho các dự án của họ cũng gặp khó khăn. Các dự án nguồn điện do tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn do yêu cầu cao từ các bên cho vay (bảo lãnh Chính phủ, chuyển đổi ngoại tệ …)

Những tồn tại, hạn chế nêu trên do nhiều nguyên nhân nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, Bộ trưởng khẳng định.

Về cân đối cung cầu điện giai đoạn 2021 - 2030, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhu cầu phụ tải trong giai đoạn tới về cơ bản sẽ thấp hơn so với các kết quả dự báo trước đây. Nhu cầu điện thương phẩm sẽ duy trì mức tăng khoảng 8% trong giai đoạn 2021-2030. Năm 2025 dự kiến đạt khoảng 337,5 tỷ kWh và năm 2030 dự kiến đạt khoảng 478,1 tỷ kWh.

Công suất nguồn điện năm 2030 dự kiến khoảng 138.000 MW, trong đó nhiệt điện than chiếm 27%, nhiệt điện dầu và khí chiếm 19%, thủy điện chiếm 18%, điện gió và mặt trời chiếm 28%, nhập khẩu 5%, còn lại là các nguồn khác.

Phần giải pháp, Bộ trưởng cho biết, Quy hoạch điện VIII dự kiến được Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 10/2020 và dự kiến được phê duyệt trong năm nay.

Một trong những giải pháp về chính sách tài chính là tăng cường thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào phát triển các dự án điện. Xem xét tiếp tục chấp thuận bảo lãnh Chính phủ hợp lý cho các dự án nguồn điện đầu tư theo hình thức BOT.

Thêm quyền cho Thủ tướng Chính phủ

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc đầu tư phát triển ngành điện, đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, Bộ Công thương kiến nghị Quốc hội xem xét ban hành một Nghị quyết cho phép ngành điện thực hiện thí điểm một số chính sách chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của luật hiện hành để hỗ trợ các chủ đầu tư dự án điện đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Hiện tại, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư xây dựng nhóm A có tổng mức đầu tư dưới 5.000 tỷ đồng là UBND cấp tỉnh nơi đặt trụ sở của đơn vị thực hiện dự án hoặc nơi có dự án lưới điện truyền tải đi qua. Quy định này sẽ khó khăn đối với việc quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đường dây truyền tải điện đi qua nhiều tỉnh/thành.

Bộ Công thương kiến nghị quy định thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A có tổng mức đầu tư từ 2.300 tỷ đồng đến dưới 5.000 tỷ đồng sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước làm chủ đầu tư, thuộc về Thủ tướng.

Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình điện nhóm A đã có trong quy hoạch phát triển điện lực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kiến nghị của Bộ là cho phép chủ đầu tư không phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi mà được lập ngay Báo cáo nghiên cứu khả thi để quyết định đầu tư dự án.

Kiến nghị tiếp theo là cho phép áp dụng cơ chế Nhà nước cho vay với lãi suất vay tín dụng đầu tư ưu đãi từ nguồn tín dụng đầu tư của Nhà nước hoặc được cấp bảo lãnh Chính phủ về vốn vay theo quy định của pháp luật về quản lý nợ công đối với đầu tư phát triển dự án công nghiệp điện.

Đối với các dự án điện phải lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, Bộ trưởng đề nghị cho phép chủ đầu tư cam kết đảm bảo về bảo vệ môi trường (không phải thực hiện lập, trình phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường). Việc lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường sẽ được thực hiện trong giai đoạn lập Báo cáo nghiên cứu khả thi.

Kiến nghị thứ 5 từ Bộ trưởng là cho phép các dự án điện thuộc trường hợp là công trình được xây dựng theo lệnh khẩn cấp hoặc các công trình điện xây dựng nhằm đảm bảo an ninh cung cấp điện thì chỉ phải xin chủ trương điều chỉnh quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ mà không phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh quy hoạch.

Cuối cùng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đề nghị xem xét ủy quyền cho các Bộ quản lý ngành một số nội dung công việc trong quá trình triển khai xây dựng và điều chỉnh các quy hoạch ngành.

Tin bài liên quan