Bộ Nông nghiệp đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện kinh doanh

Trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện.
Sáng nay (25/10), Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng làm Tổ trưởng tổ chức họp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ.

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho biết, để thực hiện các chỉ đạo, nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, nhất là cải cách hành chính, với trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu kiểm tra chuyên ngành nông sản hàng hóa xuất nhập khẩu trong các lĩnh vực quản lý được phân công, Bộ NN&PTNT xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, được chỉ đạo thường xuyên, có nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức thực hiện từng nhiệm vụ cụ thể phù hợp với từng thời điểm; đồng thời phân công Thứ trưởng Thường trực Hà Công Tuấn chỉ đạo tổ chức thực hiện.

Tạo thuận lợi, thúc đẩy sản xuất kinh doanh

Nông nghiệp nông thôn là lĩnh vực đa ngành với 65,49% dân số và 67,95% lao động cư trú trong khu vực nông thôn, trong đó 41,87% sản xuất nông nghiệp vào năm 2016. Trong thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã nỗ lực, phối hợp các Bộ ngành, địa phương tái cơ cấu, tiếp tục đổi mới thể chế chính sách, tạo môi trường thuận lợi hơn phát triển sản xuất kinh doanh, năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp.

Trong 10 tháng đầu năm 2017, Bộ đã hoàn thành 41 văn bản; còn 8 văn bản, Bộ đang xây dựng tích hợp còn 4 văn bản để sửa đổi, thay thế 8 văn bản này. Bộ cũng đã tiến hành rà soát, đề xuất phương án cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh; đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC); và cắt giảm danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành (KTCN).

Bộ Nông nghiệp đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện kinh doanh ảnh 1

 Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng dẫn đầu đoàn công tác của Thủ tướng kiểm tra thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT.

Trong tổng số 345 điều kiện đầu tư, kinh doanh, Bộ đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (chiếm 34,2%), trong đó bãi bỏ 65 điều kiện, sửa đổi theo hướng rút gọn 53 điều kiện. Để thực hiện cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, Bộ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện việc cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa TTHC thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ.

Theo đó, Bộ đề xuất sửa đổi, bổ sung 4 Nghị định, sẽ hoàn thành vào Quý II/2018. Đối với 2 Pháp lệnh, 3 Nghị định có quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh sẽ được sửa đổi, bổ sung theo tiến độ của chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội.

Trong năm 2017, Bộ tiếp tục tổ chức rà soát sâu hơn đối với 508 TTHC còn hiệu lực và đề xuất bãi bỏ, đơn giản hóa 287 TTHC (chiếm 56,5%), gồm: bãi bỏ 81 TTHC, đơn giản hóa 205 TTHC. Để cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, Bộ dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung 13 văn bản do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT ban hành, trong đó sẽ hoàn thành việc xây dựng 10 văn bản trong Quý I/2018. Riêng đối với 3 văn bản liên quan đến lâm nghiệp, thủy sản sẽ hoàn thành vào Quý III/2018 theo tiến độ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản.

Thời gian qua, Bộ đã chỉ đạo quán triệt từ khâu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, nhất là quy định rõ về thời gian, hồ sơ, trình tự, thủ tục theo hướng tinh gọn, giảm thiểu chi phí, thời gian thực hiện. Về cơ bản, các TTHC liên quan KTCN từng bước được hoàn thiện đáp ứng yêu cầu thực tiễn và phù hợp thông lệ quốc tế.

Đối với kiểm tra lô hàng thủy sản xuất khẩu, việc chuyển sang phương thức kiểm tra ngay trong quá trình sản xuất và cấp Giấy chứng nhận khi doanh nghiệp có yêu cầu, rút ngắn thời gian từ 5-7 ngày làm việc xuống còn 8 giờ/1 lô hàng; thực tế nhiều lô hàng được cấp Giấy chứng nhận trong 2-3 giờ, tiết kiệm cho doanh nghiệp từ 15-20% chi phí.

Đối với kiểm dịch thực vật, theo quy định của Luật bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, thời gian giải quyết là 24 giờ kể từ khi bắt đầu kiểm dịch; thực tế đã rút ngắn xuống còn không quá 4 giờ đối với hàng hóa vận chuyển đường bộ, đường hàng không và không quá 10 giờ đối với đường biển.

Hiện nay, các cơ quan thuộc Bộ thực hiện 40 TTHC kiểm tra chuyên ngành gồm 32 TTHC liên quan đến hàng hóa nhập khẩu và 08 TTHC liên quan đến hàng hóa xuất khẩu. Để tiếp tục đơn giản hóa các TTHC, giảm thiểu KTCN, Bộ đã rà soát, đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa 18/40 TTHC kiểm tra chuyên ngành (đạt tỉ lệ 45%).

Bộ NN&PTNT đề nghị cắt giảm danh mục hàng hóa phải KTCN theo nguyên tắc: Cắt giảm tối đa việc KTCN đối với hàng hóa xuất khẩu; chỉ thực hiện khi có yêu cầu của nước nhập khẩu hoặc của chủ hàng, hoặc quy định tại các Công ước quốc tế một cách linh hoạt, phù hợp; Quán triệt nguyên tắc quản lý rủi ro, kiểm tra giảm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng chế độ doanh nghiệp ưu tiên.

Bên cạnh việc giảm thiểu thủ tục, thời gian, chi phí, vẫn cần duy trì KTCN đối với nông sản hàng hóa nhập khẩu như công cụ điều tiết quan hệ thương mại quốc tế trong những trường hợp cụ thể theo thông lệ quốc tế và WTO.

Trên quan điểm này, Bộ NN&PTNT dự kiến việc cắt giảm Danh mục hàng hóa nhóm 2 như sau:

-  3 nhóm hàng không KTCN về hàng hóa khi nhập khẩu nhưng nhà nhập khẩu chỉ thực hiện việc khai báo nguồn gốc xuất xứ, gồm: giống cây trồng nông nghiệp, giống cây trồng lâm nghiệp, giống vật nuôi trên cạn.

- Cắt giảm 5 loại hàng hóa không có nguy cơ cao gây mất an toàn (chiếm 23,8%) ra khỏi Danh mục hàng hóa phải KTCN khi nhập khẩu, gồm: phụ gia, hóa chất dùng trong lâm nghiệp; dụng cụ đánh bắt thủy sản; công trình thủy lợi, công trình đê điều; máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp.

- Cắt giảm hàng hóa phải kiểm dịch thực vật ít nguy cơ chứa đối tượng kiểm dịch, gồm dăm gỗ, gỗ dán, gỗ xẻ có độ dày nhỏ hơn 6mm…, các sản phẩm đã qua chế biến sâu (chè, cà phê bột, cà phê rang xay, rau quả chế biến đóng hộp, rau quả ngâm muối, tẩm đường….).

- Cắt giảm hàng hóa phải kiểm dịch sản phẩm động vật trên cạn gồm 04 nhóm sản phẩm; cắt giảm hàng hóa phải kiểm dịch sản phẩm thủy sản gồm 09 nhóm sản phẩm.

Bộ NN&PTNT cũng đề xuất và dự kiến các giải pháp khắc phục đối với nhóm hàng có chồng chéo kiểm tra chuyên ngành. Cụ thể, đối với 7 loại hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 Bộ, đề nghị Chính phủ xem xét giao một Bộ đầu mối chủ trì, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện theo hướng một cơ quan kiểm tra chuyên ngành có lực lượng, điều kiện tại cửa khẩu, nên giao cả kiểm tra về kiểm dịch và an toàn thực phẩm. Đối với 6 nhóm hàng chịu sự kiểm tra chuyên ngành của 2 đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT, Bộ kiên quyết bố trí hợp lý trong Quý IV/2017.

Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, về cơ bản, hiện nay, các loại phí, lệ phí chi cho hoạt động KTCN đã được rà soát, cắt giảm. Thực hiện Luật Phí, lệ phí 2015, phí, lệ phí KTCN nông nghiệp hiện chỉ còn 06 loại phí và lệ phí. Thời gian tới, Bộ tiếp tục rà soát để xem xét cắt bỏ 01 lệ phí: lệ phí cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật (tiết kiệm chi phí khoảng 9,5 tỷ đồng).

80% thủ tục giải quyết theo Cơ chế một cửa quốc gia

Trong 9 tháng đầu năm, các đơn vị thuộc Bộ đã  tiếp nhận qua Cổng một cửa quốc gia tổng số 107.070 hồ sơ; xử lý, giải quyết 101.656 hồ sơ (đạt tỉ lệ 95%); đang tiếp tục xử lý 5.414 hồ sơ. Mục tiêu Bộ NN&PTNT đặt ra là, đến năm 2018 cơ bản các TTHC liên quan đến xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, quá cảnh hàng hóa và khoảng 80% hồ sơ thuộc lĩnh vực Bộ NN&PTNT quản lý sẽ thực hiện theo Cơ chế một cửa quốc gia. Tại cuộc họp, Bộ NN&PTNT đề nghị Tổ Công tác của Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, bố trí đủ kinh phí cho việc triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN của Bộ NN&PTNT giai đoạn 2018-2020.

Bộ cũng kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ, tạo điều kiện để Bộ đẩy mạnh xã hội hóa trong các hoạt động kiểm nghiệm kiểm chứng phục vụ hoạt động KTCN; nhưng cũng cần cơ cấu lại để tổ chức một trung tâm PSC quốc gia đa lĩnh vực, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế; Cho ý kiến định hướng về xây dựng, ban hành Nghị định của Chính phủ sửa đổi các Nghị định để thực hiện cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và đơn giản hóa TTHC theo trình tự, thủ tục rút gọn để nhanh chóng đưa các đề xuất trên của Bộ Nông nghiệp và PTNT được triển khai thực hiện trong thực tiễn.

Tin bài liên quan