Cắt bỏ điều kiện kinh doanh: Hành động và tư duy kiến tạo

Cắt bỏ điều kiện kinh doanh: Hành động và tư duy kiến tạo

Các bộ, ngành, địa phương phải đề xuất bãi bỏ ít nhất 1/3 đến 1/2 số điều kiện kinh doanh hiện hành trong lĩnh vực quản lý. Thời gian hoàn tất và trình Thủ tướng Chính phủ là trong tháng 12/2017.

Nhiệm vụ này đã được khẳng định trong Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TW của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Như vậy, cờ lệnh trong “cuộc chiến đấu” với ma trận những điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, một lần nữa được Chính phủ, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ phất cao, báo hiệu bước đi mới nhằm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Nhưng, cùng với Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện 2 nghị quyết 11-NQ-TW và 12-NQ/TW được Thủ tướng Chính phủ ký ban hành đúng 4 tháng sau khi Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 5, khóa XII đưa ra các nghị quyết nói trên, các bộ, ngành và địa phương đang có một núi công việc phải hoàn tất với mục tiêu định lượng và thời hạn rõ ràng.    

Khá nhiều nhiệm vụ sẽ phải báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ngay trong quý IV/2017.

Dẫu vậy, phải thẳng thắn rằng, các đầu mục công việc chưa phải là điều mà cộng đồng kinh doanh trông chờ nhất. Điều mà họ cần và Chương trình hành động cũng đã nhấn mạnh, là các nhiệm vụ này phải thể hiện được vai trò kiến tạo, điều phối của Chính phủ theo tinh thần đồng hành cùng doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.

Nếu không thực thi các nhiệm vụ với tư duy rạch ròi giữa trách nhiệm của Nhà nước và công việc của thị trường, thì rất có thể, những đề xuất bãi bỏ điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính sẽ được trình kèm với những điều kiện, thủ tục mới thay thế.

Bởi lẽ, trong các nhiệm vụ chủ yếu, khá nhiều công việc đã và đang được thực hiện, như Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020; Nghị quyết 27/2017/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế… Có vô vàn công việc cụ thể đã được quy định kèm trong những văn bản này, cùng với đầu mục, địa chỉ và thời hạn rõ ràng.

Song nhìn lại, nhiều việc đã không hoàn thành đúng như yêu cầu. Thậm chí, nhiều văn bản được yêu cầu sửa đổi, bổ sung rất cụ thể, nhưng các dự thảo cho đến nay vẫn không thể hiện được. Nhiều cuộc đối thoại tìm giải pháp giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp về điều kiện kinh doanh vẫn bế tắc.

Phải nhắc lại đối sách mà Ngân hàng Thế giới (WB) vừa khuyến nghị dành cho Việt Nam trước các thách thức hiện hữu trong Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á - Thái Bình Dương công bố giữa tuần này. Đó là nỗ lực tiếp tục đẩy nhanh tái cơ cấukinh tế, đặc biệt là cải cách doanh nghiệp nhà nước, cải thiện môi trường kinh doanh, vận hành tốt thị trường yếu tố sản xuất (như thị trường quyền sử dụng đất, thị trường vốn…) sẽ giúp Việt Nam xóa bỏ các rào cản chủ yếu trong quá trình cải thiện hiệu quả và tăng năng suất lao động.

Không có gì mới trong khuyến nghị nêu trên, nhưng WB cũng hàm ý rằng, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một thách thức vô cùng lớn, vô cùng khó khăn. Đó là cải cách tư duy của từng công chức khi thực thi công vụ.

Tin bài liên quan