Thật đẹp những giấc mơ thôn quê, nhưng chỉ mơ mộng thôi chưa đủ

Thật đẹp những giấc mơ thôn quê, nhưng chỉ mơ mộng thôi chưa đủ

Bỏ phố về rừng...

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau...”, là câu nói cửa miệng của nhiều bạn trẻ khi đối mặt với những áp lực trong công việc và sự xô bồ của phố thị. Thế nhưng, cuộc sống nhiều khi không giống với những mộng mơ...

Nếu như trước đây, khái niệm “bỏ phố về quê” thường dành cho những người về hưu, muốn hưởng thụ cuộc sống nhàn rỗi, thì nay nó đã trở thành trào lưu, là lựa chọn của không ít người trẻ.

Nhiều người trẻ sẵn sàng bỏ lại tất cả công việc, tiền đồ ở phố thị để về quê với một suy nghĩ “không làm ngay từ bây giờ thì khi nào mới có thể thực hiện giấc mơ tự do cuộc sống”. Câu chuyện của Mai Hương, sinh năm 1991, là một đại diện điển hình cho xu hướng đó.

Năm 2017, Hương tốt nghiệp ngành tài chính tại một trường đại học tại TP.HCM, sau đó được nhận vào làm việc với đúng chuyên ngành trong công ty chuyên về tài chính. Công việc được coi là ổn định và thu nhập mỗi tháng khoảng 15 triệu đồng.

Thế nhưng, sau khoảng 3 năm làm việc, cô thường xuyên thiếu ngủ trong những lần phải chạy deadline, thậm chí có lúc còn quên ăn, quên uống, quên cả việc chăm chút cho bản thân… cộng thêm với sự đông đúc, ồn ào của phố thị khiến cô nhen nhóm ý định trở lại quê nhà.

Thật trùng hợp là lúc đó lại đang rất thịnh hành bài hát có lời tựa: “…đừng để đời chỉ là những chuỗi ngày được chấm công (that's right). Miệng cười như nắng hạ, nhưng trong lòng thì chớm đông. Nếu mà mệt quá giữa thành phố sống chồng lên nhau. Cùng lắm thì mình về quê, mình nuôi cá và trồng thêm rau…”.

Kết quả là sau khoảng thời gian hơn 10 năm học tập và làm việc tại TP.HCM, Hương quyết định bỏ phố để về quê ở Đắk Lắk sinh sống và làm vườn.

Về nhà chưa được bao lâu thì cô quyết định lập gia đình, hai vợ chồng được ba mẹ xây cho căn nhà cấp bốn gần nương rẫy và 5 sào cà phê già. Hiện nay, vợ chồng cô phải mượn thêm 1,5 ha đất để trồng luân phiên hai vụ ngô, một vụ khoai. Năm sào cà phê sau khi thu hoạch đã phá đi vì cây già cỗi cho thu nhập kém.

Những tháng ngày “bỏ phố về rừng” không vốn, không kinh nghiệm cùng với con nhỏ đã khiến Hương nhận ra: “Làm nông ban đầu những tưởng thú vị, nhưng không, mệt đến chán chường, tôi từng muốn bỏ cuộc nhiều lần. Từ việc phải đối mặt với nỗi lo tài chính cho gia đình, đến băn khoăn con còn nhỏ làm sao đưa đi làm rẫy cùng. Trời mưa cũng phải lên rẫy, cây trồng phụ thuộc rất nhiều yếu tố để ra thành phẩm, chứ không phải cứ đặt xuống đất là xong”.

Để thuận tiện cho việc chăm sóc cây cối và thu hoạch khi vào mùa vụ, vợ chồng Hương dựng lán tạm bợ bằng gỗ dưới chân đồi keo. Lán không điện, không wi-fi, mùa mưa vẫn phải chở từng can nước về dùng, món ăn đa phần tự kiếm như bẻ măng, câu cá, hái nấm, rau rừng. Vào mùa vụ, cô phải ở lán suốt 2 - 3 tháng, chủ yếu vào mùa mưa và đường rất khó đi.

Bên cạnh đó, nhiều điều trong thực tế cũng khác xa viễn cảnh thơ mộng về làm nông mà cô từng nghĩ tới. Hiện tại, vợ chồng Hương vẫn chủ yếu làm rẫy, chăn nuôi và thêm một vài công việc phụ trong khả năng để có thu nhập nuôi gia đình.

Cũng chọn “bỏ phố về rừng”, nhưng anh Nguyễn Quang, hiện là phó tổng giám đốc của một doanh nghiệp bất động sản lớn có trụ sở tại TP.HCM, lại chọn hướng đi khác. Cụ thể, năm 2017, trong một lần đi công tác tại Đà Lạt, ngắm cảnh mây trời và núi non hùng vĩ, anh quyết định dành toàn bộ số tiền tiết kiệm mua mảnh đất 520 m2 trên núi để làm “ngôi nhà thứ hai” của mình.

Bỏ phố về rừng” đã trở thành trào lưu và sẽ diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới. Tuy nhiên, đây không phải là cuộc chơi dành cho những kẻ mộng mơ.

“Những ngày đầu bỏ phố lên rừng cũng không hề dễ dàng khi tất cả mọi việc đều phải tự tay làm. Thậm chí, sau khi nhà xây xong, tôi còn sắp đặt, decor lại mọi thứ…, tôi muốn căn nhà thứ hai này phải thể hiện được rõ tính cách của mình”, anh Quang nói và cho biết thêm, sau khi ngôi nhà hoàn thiện, anh đã tự tạo page (trang) riêng trên facebook, tự chụp ảnh quảng bá homestay, tự nấu ăn, dọn dẹp phòng. Dần dần, mọi thứ đã ổn và hiện nay, cứ mỗi cuối tuần, căn nhà của anh lại chật cứng khách đặt phòng.

Chia sẻ về cuộc sống hiện tại, anh Quang bộc bạch: “Hiện tại, cuộc sống của tôi hạnh phúc. Xung quanh nơi tôi ở có rất nhiều người trẻ từ TP.HCM lên đây mua đất, xây nhà vừa để ở, vừa để kinh doanh homestay nên có hẳn một cộng đồng hỗ trợ nhau. Thỉnh thoảng, bố mẹ tôi cũng lên chơi và họ đều thích không khí trong lành và cảnh đẹp ở nơi đây. Quan trọng nhất là sức khỏe của cả gia đình tôi đều tốt”, anh Quang nói.

Cũng như anh Quang, những năm 2020 - 2021, đã có không ít nhà đầu tư chọn cách “bỏ phố về rừng” để làm ngôi nhà thứ hai, kinh doanh homestay hoặc làm trang trại. Nhiều tổ chức nghiên cứu thị trường dự báo rằng, xu hướng này sẽ còn diễn ra mạnh mẽ trong thời gian tới, nhất là khi dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Thế nhưng, việc bỏ phố về rừng lập nghiệp chắc chắn không phải cuộc chơi cho những kẻ mộng mơ. Để có thể sống được với sự mạo hiểm của mình, cần có kế hoạch dự trù khả thi, dự phòng tài chính thực sự “khỏe”, nhất là đối với những bạn trẻ.

Tin bài liên quan