Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Để GDP năm 2023 tăng 6% thì GDP quý IV/2023 phải tăng 10,6%

(ĐTCK) Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh như vậy tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng nay (30/9), khi nói về áp lực điều hành kinh tế vĩ mô những tháng cuối năm.

Kinh tế phục hồi khả quan

Sáng 30/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đến điểm cầu 63 địa phương.

Báo cáo tình hình kinh tế xã hội 9 tháng đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định, mặc dù bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước còn nhiều khó khăn nhưng kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi khả quan, tháng sau cao hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước.

Cụ thể, GDP quý III/2023 ước tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước; đã cải thiện so với tăng trưởng GDP quý I là 3,28%, quý II là 4,05%.

Trong đó, khu vực nông nghiệp và dịch vụ lần lượt tăng 3,72% và 6,24%, tiếp tục là động lực thúc đẩy tăng trưởng chính của nền kinh tế; khu vực công nghiệp - xây dựng đã có mức tăng trưởng tích cực, quý III tăng 5,19%, trong khi giảm 0,4% trong quý I và quý II chỉ tăng 2,1%.

“Các địa phương đầu tàu có xu hướng phục hồi hoặc tiếp tục duy trì đà tăng khá”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Nhìn chung, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 3,66% so với cùng kỳ năm trước, bình quân 9 tháng tăng 3,16%. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định; mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm.

Kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu tháng 9 lần lượt tăng 3,6%; 4,6% và 2,6% so với cùng kỳ năm trước; 9 tháng ước xuất siêu 21,68 tỷ USD (cùng kỳ năm trước là 6,9 tỷ USD). Nợ công, nợ Chính phủ, bội chi được kiểm soát trong chỉ tiêu kế hoạch.

Cùng với đó, vốn đầu tư toàn xã hội tiếp tục được cải thiện, quý III tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước (quý I tăng 3,7%, quý II tăng 5,5%).

Tổng vốn FDI đăng ký của 9 tháng đầu năm đạt 20,21 tỷ USD; tăng 7,7% so với cùng kỳ trong đó FDI tăng 43,6% và vốn thực hiện tăng 2,2%.

Giải ngân vốn đầu tư công ước đạt 51,38% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ cả về số tương đối (46,7%) và tuyệt đối (cao hơn khoảng 110.000 tỷ đồng).

“Tuy kết quả đạt được chưa như kỳ vọng nhưng đã chuyển biến tích cực hơn qua từng tháng, từng quý”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 9 tăng 7,5%; 9 tháng tăng 9,7%; tổng lượng khách quốc tế 9 tháng ước đạt gần 8,9 triệu lượt người, vượt mục tiêu cả năm là 8 triệu lượt khách; giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý III tăng 4,57% so với cùng kỳ, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,61% (trong khi quý I giảm 0,49% và quý II chỉ tăng 0,6%…

9 tháng đầu năm 2023, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 8,9 triệu lượt người, vượt mục tiêu cả năm là 8 triệu lượt người.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng

Tại khu vực doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và tái gia nhập thị trường tháng 9 đạt gần 18,5 nghìn doanh nghiệp, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 9 tháng đạt trên 165.200 doanh nghiệp, tăng 1,2%...

Khó khăn còn lớn, điều hành vĩ mô chịu áp lực lớn

Bên cạnh những điểm tích cực nói trên, theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nền kinh tế Việt Nam cũng đang đối mặt với hàng loạt khó khăn thách thức, đặt áp lực lớn lên điều hành vĩ mô của Chính phủ.

Cụ thể là, tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra: 9 tháng đầu năm, tăng trưởng GDP là 4,24%; trong khi đó, kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP là 6,3%.

Trong đó, sản xuất công nghiệp tuy phục hồi nhưng còn chậm, giá trị tăng thêm 9 tháng tăng 1,65%, trong khi cùng kỳ năm 2022 tăng 10,2%. Khu vực ngoài nhà nước tăng thấp, quý III tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, tính chung 9 tháng tăng 2,3%.

Một số chỉ số khác cũng phản ánh sự khó khăn trong 9 tháng đầu năm như: xuất khẩu giảm 8,2%, nhập khẩu giảm 13,8%, nhập khẩu tư liệu sản xuất giảm 13,9% so với cùng kỳ, xuất khẩu nhiều nhóm hàng chủ lực tiếp tục giảm…

Quy mô vốn đăng ký của doanh nghiệp thành lập mới có xu hướng giảm. Điều này phản ánh những khó khăn của nền kinh tế trong ngắn hạn, đồng thời đặt ra thách thức trong việc thúc đẩy sản lượng, gia tăng năng lực sản xuất mới, tạo đà cho tăng trưởng kinh tế nhanh, mạnh hơn trong trung và dài hạn.

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 tại đầu cầu Chính phủ tại Hà Nội

Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2023 tại đầu cầu Chính phủ tại Hà Nội

Đáng lưu ý, thu ngân sách nhà nước 9 tháng đã giảm 8,3% so cùng kỳ; tỷ lệ nợ xấu cao hơn mục tiêu kiểm soát đề ra, chỉ số lạm phát cơ bản vẫn ở mức cao, giá xăng dầu và giá sản xuất dịch vụ quý III vẫn cao...

"Thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, tiềm ẩn nhiều rủi ro cần được theo dõi chặt chẽ, sẵn sàng ứng phó trong những trường hợp cần thiết và sau những vụ phá sản của một số doanh nghiệp bất động sản lớn ở Trung Quốc đã ảnh hưởng lớn đến niềm tin, tâm lý của doanh nghiệp, nhà đầu tư", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trong bối cảnh ấy, thị trường trong nước chưa được thúc đẩy phát triển hiệu quả. Tiêu dùng phục hồi chậm, tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục ở mức cao. Tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp, người dân còn hạn chế, khó khăn; dư nợ tín dụng đến ngày 21/9 chỉ tăng 5,61% (cùng kỳ tăng 10,83%); khối lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đến 15/9 vẫn giảm 60,4% so với cùng kỳ năm trước…

“Những khó khăn của doanh nghiệp, nền kinh tế đã tác động trực tiếp, làm gia tăng áp lực điều hành kinh tế vĩ mô”, ông Dũng nói thêm.

Trong khi đó, ùn tắc giao thông, quy định về phòng cháy chữa cháy tiếp tục là những thách thức trong phát triển đô thị, còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ công chức.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, những vấn đề này đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận diện, tập trung chỉ đạo, quyết liệt tháo gỡ, nhưng khó chuyển biến nhanh trong ngắn hạn.

“Do đó, cần tiếp tục chỉ đạo, điều hành quyết liệt, chủ động, nhịp nhàng, chặt chẽ, đồng bộ các chính sách, cả ngắn hạn và dài hạn, tranh thủ thời gian, tận dụng mọi cơ hội để tạo bứt phá ngay trong nội tại nền kinh tế, thúc đẩy các động lực mới về kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn... nhằm phục hồi tăng trưởng nhanh và bền vững”, Bộ trưởng nói.

Cập nhật 3 kịch bản kinh tế quý IV/2023 và cả năm 2023

Kịch bản 1: GDP năm 2023 tăng 5%; quý IV/2023 phải tăng 7%

Kịch bản 2: GDP năm 2023 tăng 5,5%; quý IV/2023 phải tăng 8,8%

Kịch bản 3: GDP năm 2023 tăng 6%; quý IV/2023 phải tăng 10,6%

Trước đó, tăng trưởng GDP năm 2022 là 8,02%; trong đó quý IV/2022 tăng 5,92.

Tin bài liên quan