Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra 4 đề xuất với Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản

0:00 / 0:00
0:00
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng mong muốn Sáng kiến sẽ tập trung sâu hơn vào vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong vấn đề nguồn nhân lực.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại hội thảo sáng 7/3/2023

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại hội thảo sáng 7/3/2023

Khởi xướng từ tháng 4/2003, Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản là sự hợp tác đặc biệt giữa Chính phủ hai nước. Trải qua 20 năm triển khai và đi tới giai đoạn số 8, có 497/594 hạng mục trong Sáng kiến đã được hoàn thành tốt và đúng tiến độ, chiếm 84% tổng số hạng mục hai bên thực hiện.

“Sáng kiến chung là một trong những kênh đối thoại hiệu quả, góp phần tích cực vào cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Từ đó tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản yên tâm đầu tư và mở rộng đầu tư tại Việt Nam”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chia sẻ tại Hội thảo kinh tế cấp cao nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam - Nhật Bản, tổ chức sáng 7/3/2023.

Để phát huy hơn nữa vai trò của Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đưa ra bốn đề xuất như sau:

Một là, với mục tiêu trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2030, Việt Nam đang chú trọng tới việc ứng dụng khoa học và công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế trí thức. Trong hành trình đó, Việt Nam mong muốn nhận được sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật Bản có tiềm năng và phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ Việt Nam.

Hai là, trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Sáng kiến chung Việt Nam – Nhật Bản không chỉ là kênh đối thoại giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản, mà thông qua đó, phía Nhật Bản sẽ tham gia sâu hơn vào quá trình tham mưu, đề xuất việc xây dựng chính sách của Việt Nam, tập trung vào các nhóm vấn đề chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo....

Ba là, trong 8 giai đoạn vừa qua, đã có nhóm công tác tập trung phát triển năng lực cho doanh nghiệp Việt Nam như nhóm công tác về lao động hay công nghiệp hỗ trợ. Vì vậy, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị trong các giai đoạn tới, phía Nhật Bản sẽ cần có giải pháp cụ thể hơn nữa và bổ sung nguồn lực để tăng cường kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực và sức cạnh tranh, tham gia sâu vào chuỗi giá trị, gia tăng hiệu quả hợp tác đầu tư thông qua các đề án, chương trình cụ thể. Bộ KHĐT kiến nghị xây dựng Chương trình doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tập trung vào 3 lĩnh vực: (1) chuyển đổi số; (2) phát triển công nghiệp hỗ trợ; (3) đào tạo nhân lực.

Bốn là, bên cạnh việc tham gia vào quá trình xây dựng, hoạch định chính sách, phía Nhật Bản sẽ tăng cường và tham gia sâu vào quá trình triển khai các cơ chế chính sách; đề nghị các nhóm công tác phía Nhật Bản phối hợp với các bộ ngành liên quan của Việt Nam và các địa phương nghiên cứu triển khai, có thể thông qua việc đề nghị Chính phủ Nhật Bản đưa ra các gói hỗ trợ phù hợp (gói viện trợ không hoàn lại) để có chương trình hành động và đề án cụ thể nhằm hiện thực hóa các ý tưởng và kế hoạch đề ra. Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị các nhóm kỹ thuật phía Việt Nam và Nhật Bản tiếp tục trao đổi, thống nhất để báo cáo lãnh đạo hai bên xem xét nội dung của giai đoạn tiếp theo.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng các Bộ ngành sẽ tiếp tục đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản trong quá trình đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đem lại hiệu quả hợp tác đầu tư cho cả hai bên, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, làm sâu sắc hơn mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản, vì sự thịnh vượng chung của hai dân tộc”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Ngày 21/9/1973, Việt Nam và Nhật Bản đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trải qua 50 năm với nhiều thăng trầm, thay đổi của tình hình thế giới, mối quan hệ giữa hai nước không ngừng được củng cố và phát triển trên nhiều lĩnh vực. Nhật Bản trở thành quốc gia viện trợ ODA hàng đầu của Việt Nam, đồng thời đứng thứ 3/141 trong số các nước và vùng lãnh thổ rót vốn FDI vào Việt Nam.

Về thương mại, mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hai nước năm 2022 đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam; trong đó: Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản đạt gần 25 tỷ USD, nhập khẩu đạt gần 24 tỷ USD.

Tin bài liên quan