Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB) báo lỗ 5,8 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023

Bọc ống Dầu khí Việt Nam (PVB) báo lỗ 5,8 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Bọc ống Dầu khí Việt Nam - PV Coating (mã PVB - sàn HNX) mới công bố BCTC quý II và luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023. Do không còn khoản hoàn nhập dự phòng bảo hành công trình, PVB lỗ sau thuế hơn 5,8 tỷ đồng nửa đầu năm. 

Trong quý II, doanh thu thuần doanh nghiệp đạt hơn 52,3 tỷ đồng, gấp 11,1 lần cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu hoạt động bọc ống đạt gần 35 tỷ đồng và doanh thu hoạt động thương mại, dịch vụ đạt 17,3 tỷ đồng. Giá vốn cũng tăng 261%, lên hơn 49 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp doanh nghiệp đạt hơn 3,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm hơn 8,8 tỷ đồng.

Kỳ này, doanh thu hoạt động tài chính đạt gần 3 tỷ đồng, tăng hơn 36% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do lãi tiền gửi, tiền cho vay tăng. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp của PVB giảm được hơn 3%, xuống còn 5,7 tỷ đồng. Kết quả, Công ty lãi sau thuế hơn 1,3 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ tương đương là 1,3 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, Bọc ống Dầu khí Việt Nam ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 53 tỷ đồng (riêng doanh thu thuần quý II chiếm đến 99%), gấp 6 lần cùng kỳ. Tuy nhiên, do doanh nghiệp kinh doanh dưới giá vốn (55,2 tỷ đồng) nên dù doanh thu tài chính có cải thiện 38,6% (đạt 6,1 tỷ đồng) và chi phí quản lý doanh nghiệp tiết giảm được 25% (xuống 10,5 tỷ đồng) thì PVB vẫn lỗ sau thuế hơn 5,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 2,9 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trong nửa đầu năm 2022, PVB có khoản thu nhập khác giá trị hơn 30 tỷ đồng đến từ hoàn nhập dự phòng bảo hành công trình, trong khi kỳ này không có nên kết quả đi xuống thấy rõ.

Năm 2023, PVB đặt kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu đạt 190 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc nửa đầu năm, PVB mới hoàn thành hơn 27,8% kế hoạch doanh thu nhưng còn cách xa kế hoạch lợi nhuận năm.

Tính đến cuối quý II, tổng tài sản doanh nghiệp đạt 394,2 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm. Trong đó, PVB còn hơn 43,4 tỷ đồng đang gửi ngân hàng. Đầu tư tài chính ngắn hạn giảm 37,5%, xuống còn 100 tỷ đồng; các khoản phải thu ngắn hạn tăng 190%, lên 68,5 tỷ đồng. Công ty cũng còn hơn 116,5 tỷ đồng hàng tồn kho, giảm 4,7% phần lớn là nguyên liệu, vật liệu và chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.

Về nợ phải trả, PVB còn gần 34 tỷ đồng nợ, tăng nhẹ so với đầu năm; biến động chủ yếu đến từ phải trả người bán ngắn hạn tăng 195%, lên 12,4 tỷ đồng. PVB không có nợ vay tài chính.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/7, cổ phiếu PVB tăng 0,42%, lên 23.900 đồng/CP.

Tin bài liên quan