Bước đầu tiên xây nên những bộ chỉ số lớn

Bước đầu tiên xây nên những bộ chỉ số lớn

(ĐTCK) Thành công của VN30 là bước đệm quan trọng để Sở GDCK TP. HCM (HOSE) triển khai các chỉ số tiếp theo, tạo nền tảng để phát triển quỹ đầu tư chỉ số và các sản phẩm phái sinh, hướng tới một TTCK chuyên nghiệp trong tương lai.

Từ VN30

Đồng hành cùng TTCK Việt Nam từ ngày đầu thành lập, VN-Index là một chỉ báo quan trọng thể hiện nhịp đập của thị trường. Trong một thời gian dài, VN-Index là chỉ số tổng hợp duy nhất trên HOSE, đại diện cho tất cả các cổ phiếu đang niêm yết, với phương pháp tính toán dựa trên giá trị vốn hóa thị trường của các cổ phiếu.

Tuy nhiên, cùng với quá trình phát triển của thị trường, VN-Index đã dần bộc lộ những điểm hạn chế. Sự tồn tại duy nhất một chỉ số để phản ánh thông tin tổng hợp của hơn 300 cổ phiếu là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thông tin chi tiết và đa dạng của thị trường theo ngành, lĩnh vực và quy mô vốn hóa. Phương pháp tính chỉ số đơn thuần chỉ dựa trên giá trị vốn hóa thị trường mà chưa tính đến lượng cổ phiếu thực sự tự do chuyển nhượng, cũng như chưa hạn chế được sự ảnh hưởng quá mức của những cổ phiếu có tỷ trọng quá cao trong chỉ số là những nguyên nhân dẫn đến việc VN-Index được cho là bị “dẫn dắt” khá dễ dàng bởi một số cổ phiếu lớn trên thị trường.

Bước đầu tiên xây nên những bộ chỉ số lớn ảnh 1

Lãnh đạo Bộ Tài chính, UBCK, HOSE cùng các thành viên Hội đồng cắt băng ra mắt chỉ số VN30 ngày 3/2/2012

Vì thế, các thành viên thị trường cần thêm nhiều chỉ báo phản ánh chính xác hơn diễn biến, thể hiện chính xác hơn cơ hội đầu tư và có thể dễ dàng mô phỏng để thực hiện giao dịch. Đề án xây dựng bộ chỉ số mới đã được HOSE khởi động từ đầu năm 2011 xuất phát từ nhu cầu cấp thiết đó. Nghiên cứu thông lệ quốc tế, lấy ý kiến các thành viên thị trường chủ chốt để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn thị trường Việt Nam, bộ chỉ số HOSE-Index mà Sở dự kiến xây dựng sẽ bao gồm các chỉ số phản ánh toàn diện quy mô vốn hóa của thị trường và các ngành nghề, với phương pháp tính toán thay đổi phù hợp hơn với chuẩn mực thế giới.

VN30 là chỉ số large-cap (cổ phiếu vốn hóa lớn) đầu tiên trong bộ chỉ số HOSE-Index được Sở triển khai vào đầu năm 2012. Được lựa chọn dựa trên các tiêu chí về giá trị vốn hóa, tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng (free-float) và thanh khoản, tính toán chỉ số theo giá trị vốn hóa có điều chỉnh tỷ lệ free-float và hạn chế mức trần tỷ trọng của các cổ phiếu thành phần, sự ra đời của VN30 được xem là giải pháp dung hòa giữa yêu cầu cấp thiết của thị trường về một chỉ số phản ánh chính xác hơn biến động giá cả chứng khoán, đồng thời còn là tiền đề cho lộ trình phát triển các sản phẩm mới của Sở như quỹ đầu tư chỉ số và chứng khoán phái sinh.

Gần 2 năm vận hành an toàn và liên tục, VN30 qua các kỳ luôn duy trì mức đại diện về vốn hóa và giá trị giao dịch, với xấp xỉ 80% giá trị vốn hóa và 60% giá trị giao dịch toàn thị trường. Không dừng lại ở mức độ là một chỉ báo đối với diễn biến giá của các cổ phiếu blue-chip, VN30 đã gián tiếp là một bộ lọc để sàng lọc những cổ phiếu thực sự chất lượng vào danh mục đầu tư. Tăng trưởng lợi nhuận, tỷ suất sinh lời trên vốn và tài sản khá cao so với mức bình quân các công ty trên thị trường trong tình hình nền kinh tế còn nhiều khó khăn là những điểm cộng cho các DN thuộc rổ VN30. 6 tháng đầu năm 2013, tỷ suất sinh lời trên vốn của VN30 đạt 9,45%. Lợi suất cổ tức và P/E của VN30 tính đến 30/8/2013 lần lượt là 5,54% và 11,8 lần.

Sự biến động giá và tình hình giao dịch hàng ngày của các cổ phiếu thuộc VN30 có ảnh hưởng khá lớn đến thanh khoản của toàn thị trường, nhất là khi phần lớn cổ phiếu thuộc VN30 cũng thuộc danh mục đầu tư của các quỹ ETF nước ngoài. Tại kỳ xem xét danh mục vào tháng 9/2013 vừa qua, 12/25 mã cổ phiếu của chỉ số Market Vector Vietnam và 19/22 mã cổ phiếu của chỉ số FTSE Vietnam đều thuộc rổ VN30. Điều này cũng cho thấy, VN30 không những quen thuộc với NĐT trong nước, mức độ quan tâm của NĐT nước ngoài đối với cổ phiếu trong VN30 cũng đang được cải thiện.

Được chọn vào danh mục VN30 cũng được xem là giá trị thương hiệu vô hình đối với DN, nhất là Top 15 DN trong VN30 sẽ gánh trọng trách quảng bá về hình ảnh của TTCK Việt Nam đối với NĐT quốc tế, khi thông tin về 15 DN này được chuyển tải trên trang web chung của các Sở GDCK trong khuôn khổ tham gia liên kết ASEAN và sẽ được đưa vào chỉ số chung của khối. Đó là cơ sở để các DN thuộc VN30 ý thức hơn về nghĩa vụ công bố thông tin, minh bạch, phấn đấu trong hoạt động sản xuất - kinh doanh để giữ vững vị thế của mình.

Những thành công của VN30 bước đầu đã tạo được sự thuận lợi cho việc sử dụng VN30 làm tài sản cơ sở cho các sản phẩm tài chính như quỹ chỉ số, hoặc các sản phẩm phái sinh khác. Một số công ty quản lý quỹ đã dựa vào VN30 để xây dựng quỹ mở và dự kiến vào quý I/2014, quỹ ETF đầu tiên dựa trên chỉ số VN30 sẽ lên niêm yết.

 

… đến Bộ chỉ số HOSE-Index

Mặc dù vai trò của VN30 trong thời gian qua đã được phát huy khá tốt trên nhóm cổ phiếu large-cap, nhưng thị trường cần tiếp tục được phản ánh toàn diện hơn trên những phân khúc khác như nhóm công ty có quy mô vốn hóa nhỏ và trung bình, nhóm công ty có cùng ngành nghề. Cần có thêm những chỉ báo chính thống từ Sở để hỗ trợ cho NĐT trong việc xây dựng danh mục và phân bổ tỷ trọng đầu tư dựa trên mức độ vốn hóa, từ đó đa dạng hóa rủi ro, kích thích thanh khoản thị trường. Đó là lý do khiến HOSE triển khai thêm các chỉ số VNMidcap, VNSmallcap, VN100, VNAllshare và các chỉ số ngành.

Bộ chỉ số HOSE-Index theo quy mô vốn hóa và ngành mà HOSE dự kiến triển khai vào đầu năm 2014 hứa hẹn mang lại luồng gió mới cho TTCK, giúp NĐT có cái nhìn toàn cảnh về thị trường. Với việc cùng một lúc vận hành nhiều chỉ số, “Quy tắc chỉ số VN30” trước đây sẽ được điều chỉnh thành “Quy tắc bộ chỉ số HOSE-Index” để phản ánh một phương pháp luận thống nhất trong việc sàng lọc, sắp xếp các cổ phiếu vào từng chỉ số.

Để tham gia bộ chỉ số HOSE-Index, tất cả các cổ phiếu niêm yết trên HOSE sẽ phải trải qua các bước sàng lọc chung, thỏa mãn điều kiện về tư cách tham gia, free float và tính thanh khoản. Cổ phiếu đủ tư cách tham gia bộ chỉ số phải đáp ứng các điều kiện như: không thuộc diện bị cảnh báo do vi phạm công bố thông tin, bị kiểm soát, bị tạm ngưng giao dịch trong vòng 3 tháng; có thời gian niêm yết và giao dịch từ 6 tháng trở lên (riêng cổ phiếu thuộc Top 5 về vốn hóa thì thời gian là 3 tháng). Sau bước sàng lọc về tư cách tham gia, các cổ phiếu phải đáp ứng về điều kiện free-float lớn hơn 10% (riêng cổ phiếu thuộc Top 10 về vốn hóa có thể có free-float dưới 10%, nhưng không thấp hơn 5%). Tập hợp cổ phiếu còn lại sẽ tiếp tục được sàng lọc về thanh khoản với tỷ suất quay vòng chứng khoán (turnover ratio) tối thiểu đạt 0,05% (cổ phiếu đã thuộc thành phần rổ kỳ trước, mức tối thiểu là 0,04%). Tiêu chí turnover ratio được tính bằng tỷ lệ giữa giá trị giao dịch hàng ngày bình quân so với giá trị vốn hóa hàng ngày bình quân sau điều chỉnh free-float trong kỳ xem xét của cổ phiếu, nhằm loại trừ những cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhưng không đảm bảo thanh khoản.

Tập hợp các cổ phiếu thỏa mãn điều kiện sàng lọc trên sẽ là thành phần của VNAllshare, sau đó được sắp xếp vào 3 chỉ số VN30, VNMidcap, VNSmallcap và cũng là cơ sở để phân thành các chỉ số ngành. Để lựa chọn ra chỉ số VN30 vẫn dựa trên Top 50 cổ phiếu hàng đầu về giá trị vốn hóa chưa điều chỉnh free-float, sau đó lấy Top 30 cổ phiếu về giá trị giao dịch. Các cổ phiếu còn lại sắp xếp theo thứ tự giảm dần về giá trị vốn hóa, lấy Top 70 cổ phiếu để đưa vào VNMidcap. Các cổ phiếu còn lại là VNSmallcap. Chỉ số VN100 là 100 cổ phiếu thuộc VN30 và VNMidcap.

Như vậy, so với quy tắc chỉ số hiện hành, các tiêu chí sàng lọc trong quy tắc chỉ số mới được cải tiến và nâng cao. Tỷ lệ free-float tối thiểu để tham gia bộ chỉ số được nâng từ mức 5% lên 10% và bước tỷ lệ quay vòng chứng khoán tối thiểu 0,05% đã được bổ sung vào các bước sàng lọc để nâng cao thanh khoản cho các cổ phiếu. Các giá trị tối thiểu này là xấp xỉ với chuẩn mực chung của các Sở GDCK trong khu vực và các tổ chức cung cấp chỉ số khi xây dựng chỉ số cho các thị trường mới nổi.

Có thể nói, thành công của VN30 là bước đệm quan trọng để HOSE mạnh dạn triển khai các chỉ số tiếp theo nhằm thỏa mãn nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường. Đây là bước đi thiết thực và có ý nghĩa đáp ứng, tạo nền tảng để phát triển thị trường ETF, quỹ đầu tư chỉ số và các sản phẩm phái sinh, hướng tới một TTCK chuyên nghiệp trong tương lai.