Bứt phá khỏi vùng tích lũy

Bứt phá khỏi vùng tích lũy

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự trỗi dậy của nhóm ngân hàng đã nâng đỡ tâm lý thị trường, đưa VN-Index vượt qua vùng tích lũy 1.240 - 1.270 điểm, hướng tới ngưỡng 1.300 điểm.

VN-Index: Nâng ngưỡng kháng cự

Tuần qua, VN-Index đóng cửa tại 1.281,98 điểm, ghi nhận mức tăng 1,23%. Mức tăng tương đối hạn chế, nhưng diễn biến trong tuần nhìn chung là tích cực khi chỉ số tạo đáy ngắn hạn thành công và trở lại với xu hướng tăng, tiến tới vùng kháng cự 1.285 - 1.300 điểm.

Với áp lực bán gia tăng mạnh phiên đầu tuần, VN-Index đã kiểm nghiệm lại vùng đáy ngắn hạn 1.240 điểm khi sắc đỏ xuất hiện trên diện rộng. Tuy vậy, với diễn biến điều chỉnh trước thị trường chung, nhóm ngành ngân hàng đã quay trở lại với những đầu tàu nổi bật như BID, CTG, TCB, VCB. Sự trỗi dậy của nhóm ngân hàng giúp nâng đỡ tâm lý thị trường, đưa VN-Index vượt qua vùng tích lũy 1.240 - 1.270 điểm.

Cùng với đà tăng lan tỏa từ nhóm ngành ngân hàng, VN-Index được kỳ vọng tiếp diễn đà tăng, tiến tới vùng kháng cự 1.285 - 1.300 điểm. Mặt khác, yếu tố thanh khoản duy trì tích cực, lan tỏa và nâng đỡ trong những nhịp điều chỉnh là yếu tố then chốt giúp thị trường chung tiếp tục xu hướng tăng trưởng.

Nhưng trong bối cảnh rủi ro vẫn hiện hữu khi giới đầu tư trở nên lo ngại về vấn đề tỷ giá cùng với thị trường đã có xu hướng tăng trong thời gian dài, thì đến gần vùng kháng cự, áp lực chốt lời dự kiến sẽ gia tăng. Ngược lại, nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào kết quả kinh doanh quý I/2024 sẽ dần được công bố trong 3 tuần tiếp theo và mùa đại hội cổ đông trong tháng 4. Theo đó, ngưỡng kháng cự mục tiêu cho VN-Index là 1.300 điểm, ngưỡng hỗ trợ cho giai đoạn hiện tại là 1.240 điểm.

Kết quả kinh doanh quý I/2024: Kỳ vọng phục hồi

Theo thống kê của FiinGroup, trong năm 2023, tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp được cải thiện tốt trong giai đoạn nửa cuối năm, nhưng mặt bằng kết quả kinh doanh chung vẫn suy giảm và 2 phân nhóm ngành lớn có sự phân hóa đáng kể. Tổng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết giảm 6,7%.

Trong đó, lợi nhuận của khối phi tài chính giảm 18,9%, nguyên nhân chính là do lợi nhuận giảm mạnh ở các ngành liên quan đến nhu cầu tiêu dùng yếu như thép, thực phẩm, xây dựng và vật liệu. Ngược lại, khối tài chính chứng kiến sự tăng trưởng với lợi nhuận sau thuế tăng 5,6%, riêng nhóm ngân hàng tăng 3,5%.

Kinh tế Việt Nam năm 2023 đã chứng kiến nhiều ảnh hưởng từ các yếu tố vĩ mô, sức mua yếu và tốc độ phục hồi kinh tế thế giới chậm, dù các chính phủ nỗ lực ban hành chính sách kích thích. Ngành bất động sản dường như chịu ảnh hưởng mạnh nhất khi thị trường gần như đóng băng, số lượng dự án và thanh khoản sụt giảm. Các ngành có độ mở lớn như thủy sản, dệt may, gỗ, đá cũng bị ảnh hưởng bởi sức mua suy yếu từ các thị trường tiêu thụ lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc.

Tuy nhiên, sau 4 quý liên tiếp giảm thì lợi nhuận thị trường đã tăng trưởng trở lại trong quý IV/2023. Nhóm phi tài chính có mức tăng mạnh nhất từ mức nền thấp, khối phi tài chính (ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn) có mức tăng thấp hơn. Khả năng cao là kết quả kinh doanh quý I/2024 của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục ghi nhận sự cải thiện tích cực, bởi mức nền của cùng kỳ năm ngoái tương đối thấp.

Một số nhóm ngành có thể kỳ vọng mức phục hồi vượt trội so với mặt bằng chung là thép, vật liệu xây dựng, chứng khoán, cao su, bất động sản công nghiệp.

Tin bài liên quan