Ông Nhữ Đình Hòa

Ông Nhữ Đình Hòa

BVSC vững bước tuổi 13

(ĐTCK) Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, ngày Chuyên đề CTCK này ra mắt bạn đọc cũng là ngày CTCK Bảo Việt (BVSC) tròn 13 tuổi.

Là CTCK đầu tiên được UBCK cấp phép tại Việt Nam, BVSC tự hào vẫn có một lượng lớn khách hàng trung thành, đã và đang song hành cùng sàn Bảo Việt. Tổng giám đốc BVSC, ông Nhữ Đình Hòa chia sẻ, chính khách hàng đã đem đến cho Công ty niềm tin vào con đường đã chọn và để đáp lại, BVSC luôn thực hiện phương châm trao “niềm tin vững chắc” bằng các “cam kết vững bền”.

Là Tổng giám đốc CTCK Bảo Việt - CTCK lớn, ra đời đầu tiên tại Việt Nam, xin hỏi ông, nếu ở vị trí nhà đầu tư, ông sẽ chọn CTCK như thế nào để mở tài khoản lúc này?

Việc lựa chọn CTCK nào cung cấp dịch vụ phụ thuộc vào quan điểm của cá nhân mỗi người và cũng bị chi phối nhất định trong những bối cảnh thị trường khác nhau. Giai đoạn trước đây, khách hàng có xu hướng chọn lựa các CTCK cung cấp đòn bẩy tài chính cao với các hình thức linh hoạt, thủ tục đơn giản để nhanh chóng có lợi nhuận, các vấn đề về quản trị rủi ro, tính minh bạch trong tổ chức và hoạt động ít được đề cao. Tuy nhiên, sau một giai đoạn tăng trưởng nóng với những hệ quả để lại cho thị trường rất lớn, đến nay quan điểm chọn lựa của nhà đầu tư cũng đã thay đổi nhiều. Theo tôi, đây là một sự chuyển biến hết sức tự nhiên. Các công ty nào càng linh hoạt, dễ dãi thì càng lộ rõ công tác quản trị rủi ro là có vấn đề và nhà đầu tư cần cảnh giác. Ở góc độ nhà đầu tư, cá nhân tôi luôn giữ quan điểm lựa chọn các công ty có hệ số an toàn vốn lớn, thiết lập hệ thống và có công cụ quản trị rủi ro tốt, hoạt động minh bạch.  

 

Theo thông tin từ Trung tâm Lưu ký chứng khoán, có khoảng 10 CTCK luôn thực hiện nghiêm túc và an toàn hoạt động thanh toán giao dịch, chưa từng phải sử dụng đến sự hỗ trợ của Quỹ Hỗ trợ thanh toán, trong đó có BVSC. Xin ông cho biết, những yếu tố nào đã giúp BVSC giữ được kỷ luật thanh toán như vậy?

Tuân thủ các quy định về quản lý tách bạch tiền của nhà đầu tư là điều bắt buộc. Đây là tôn chỉ trong hoạt động của BVSC và giúp Công ty không phải sử dụng đến Quỹ Hỗ trợ thanh toán. Các công ty tuân thủ điều này thì hiếm khi nào xảy ra việc phải sử dụng Quỹ Hỗ trợ thanh toán.

Chúng tôi hiểu rằng, việc sử dụng Quỹ Hỗ trợ thanh toán có tính ứng cứu nếu xảy ra lỗi trong quá trình thực hiện giao dịch. Thực tế thì khó có thể nói là trong quá trình nhận lệnh giao dịch của khách hàng mà không có nhầm lẫn hoặc sai sót phát sinh, dẫn đến phải chuyển sang giao dịch tự doanh. Với điều kiện của BVSC, chúng tôi luôn có phương án phòng sẵn trong trường hợp phát sinh này, vì thế mà chưa bao giờ phải sử dụng đến Quỹ Hỗ trợ thanh toán.

 

CTCK Bảo Việt (BVSC) là CTCK đầu tiên tại Việt Nam, đồng thời là thành viên của Tập đoàn Tài chính bảo hiểm Bảo Việt, chính thức hoạt động từ ngày 26/11/1999.

Trong 13 năm phát triển và đồng hành cùng TTCK Việt Nam, BVSC luôn được đánh giá là CTCK hàng đầu trong các mảng nghiệp vụ chính như môi giới, tư vấn tài chính doanh nghiệp, bảo lãnh phát hành. Trong hoạt động môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, BVSC trong TOP 10 CTCK có thị phần lớn nhất trên cả HSX và HNX. Riêng hoạt động giao dịch trái phiếu, BVSC thường xuyên nằm trong TOP 3 CTCK dẫn đầu.

Năm 2008, BVSC được Tạp chí FINANCE ASIA bình chọn là “Công ty Tư vấn tốt nhất Việt Nam ”. Hai năm 2011 và 2012, BVSC được bình chọn là “Nhà tư vấn M&A tiêu biểu” tại Diễn đàn M&A thường niên, các thương vụ M&A do BVSC tư vấn liên tục được bình chọn là tiêu biểu nhất trên TTCK Việt Nam.

Với lợi thế tự nhiên của CTCK đầu tiên tại Việt Nam và uy tín của Tập đoàn mẹ - Tập đoàn Bảo Việt, khi thị trường mới hoạt động, BVSC là sàn đông nhà đầu tư nhất và cho đến lúc này, rất nhiều nhà đầu tư vẫn nhớ thời kỳ “xếp gạch”  từ 3-4h sáng để chờ được đặt lệnh. Xin hỏi, lớp nhà đầu tư đầu tiên đó có còn nhiều người ở lại với BVSC không?

Cho đến hiện nay, vẫn có khá nhiều khách hàng cũ giao dịch tại BVSC. Họ có thể cũng đã từng có lúc giao dịch tại các CTCK khác, nhưng với “chữ tín” của mình, BVSC đã duy trì được việc phục vụ khách hàng tốt, đặc biệt là khâu quản lý tài khoản tiền và chứng khoán được tuân thủ, đảm bảo an toàn tài sản cho nhà đầu tư và làm tăng thêm uy tín cho Công ty.

Từng có giai đoạn một số CTCK có nhiều “chiêu, trò” hấp dẫn để thu hút khách hàng đến với họ, BVSC cũng phải đối mặt với quá trình cạnh tranh vô cùng gay gắt trong một thời gian dài, nhưng chúng tôi hiểu lợi thế cạnh tranh của mình nằm ở đâu. Trong một thị trường biến động nhanh như TTCK, dịch vụ chuyên nghiệp phải đi kèm với quản trị rủi ro, đây là tiêu chí chúng tôi đề cao. Có lẽ vì thế mà đến nay, tròn 13 năm nhìn lại, chúng tôi vẫn tự hào có một lượng khách hàng trung thành từ những ngày đầu tiên, thậm chí có khách hàng đã ra đi và quay trở lại. Có thể họ không phải là những khách hàng đem lại doanh thu cao nhất cho BVSC, nhưng họ đem đến cho chúng tôi niềm tin vào con đường đã chọn để định hướng hoạt động của mình. Để đáp lại, chúng tôi luôn thực hiện phương châm trao “niềm tin vững chắc” cho khách hàng bằng các “cam kết vững bền”.

 

Như ông từng nói, việc đầu tiên ông tập trung làm khi nhận vị trí Tổng giám đốc BVSC là củng cố và hoàn chỉnh lại hệ thống quản trị rủi ro. Ông cảm nhận như thế nào về chất lượng quản trị rủi ro của BVSC và các CTCK trong ngành nếu so với quy chuẩn về quản trị rủi ro mà UBCK mới đưa ra trong dự thảo Quy chế về quản trị rủi ro của CTCK?

Trong kinh doanh, rủi ro chỉ có thể hạn chế chứ không thể loại trừ. Chứng khoán rõ ràng là một hoạt động kinh doanh có tính rủi ro cao, vì thế cần phải có một hệ thống quản trị rủi ro tốt. Hoạt động quản trị rủi ro phải là một hệ thống được thiết lập đồng bộ từ cơ cấu tổ chức nhân sự, chức năng nhiệm vụ, quy trình triển khai và công cụ thực hiện.

Tại BVSC, chúng tôi có một phòng chức năng riêng dành cho hoạt động này. Đối với mỗi dịch vụ cung cấp, chúng tôi đều có sự nghiên cứu nhận diện và đánh giá tính chất, mức độ rủi ro riêng, từ đó thiết lập quy trình kiểm soát chặt chẽ. Tuy nhiên, tôi cho rằng, điều tiên quyết để xây dựng được một hệ thống quản trị rủi ro tốt chính là tính nhất quán, kiên định trong công tác này từ trên xuống dưới. Ở BVSC, ngoài bộ phận chuyên trách, chúng tôi còn có Ủy ban Quản lý rủi ro (RMC- Risk Management Committee), được tổ chức họp định kỳ để thực hiện rà soát, đánh giá rủi ro và đưa ra các kế hoạch hành động.

Tôi cho rằng, các CTCK, tùy theo định hướng và trọng tâm hoạt động của mình sẽ xây dựng hệ thống quản trị rủi ro cho phù hợp. Khó có một khuôn mẫu hay quy chuẩn chung vừa với tất cả DN.

 

Năm 2011, BVSC ghi nhận khoản lỗ đáng kể và với nhận định năm 2012 còn nhiều khó khăn, ĐHCĐ BVSC đã chỉ đưa ra kế hoạch năm nay không lỗ, hoặc lãi ở mức thấp. Tuy nhiên, điều bất ngờ là 9 tháng đầu năm nay, BVSC ghi nhận khoản lãi khá lớn, gấp nhiều lần mục tiêu ĐHCĐ đặt ra. Vì sao lại có kết quả này và nếu TTCK còn khó khăn tiếp kéo dài sang năm 2013 thì BVSC có duy trì được phong độ kinh doanh như hiện nay không?

Có được kết quả như 9 tháng vừa qua là cả một quá trình thực hiện tái cơ cấu hoạt động và tái cơ cấu đầu tư. Quá trình này không phải chỉ bắt đầu từ năm 2012 mà từ trước đó. Ban lãnh đạo Công ty đã có đánh giá, dự đoán trước về điều kiện thị trường, môi trường kinh doanh và bối cảnh thực tại của BVSC để tìm ra một định hướng thích hợp.

Nhìn lại một quá trình kể từ lúc BVSC có thay đổi lớn vào năm 2010 đến nay, kết quả đạt được trong 9 tháng đầu năm 2012 là thành quả của cả tập thể lãnh đạo và cán bộ nhân viên BVSC. Ngoài kết quả thể hiện bằng con số, chúng tôi cũng đã hoàn thành cơ bản hệ thống core mới với nhiều chức năng, tiện ích cho khách hàng. Cơ cấu đầu tư đã được thay đổi một cách căn bản và đây là tiền đề tốt cho các năm tiếp theo.

Để đạt được những kết quả đó, bên cạnh những quyết sách sáng suốt của HĐQT, Ban điều hành thì tôi cho rằng, tinh thần đoàn kết, gắn bó cùng “đồng cam cộng khổ” của toàn bộ đội ngũ BVSC là bí quyết tạo nên thành công của Công ty. Tại BVSC, chúng tôi trân trọng và tự hào về điều đó.

Năm 2013 được nhận định là năm sẽ có rất nhiều khó khăn. Bức tranh kinh tế chưa thực sự sáng sủa là một thách thức trong việc lập kế hoạch kinh doanh cho năm 2013. Bối cảnh này không có nhiều điều kiện thuận lợi để xác định được một kế hoạch kinh doanh tham vọng. Kế hoạch 2013 của BVSC đang được HĐQT xem xét để trình cổ đông thông qua trong đại hội thường niên năm tới. Mặc dù không phải là một kế hoạch tham vọng, nhưng cá nhân tôi có thể khẳng định BVSC vẫn tiếp tục phát huy tốt thế và lực của mình, dựa trên những nền tảng đã được xây dựng của 13 năm qua.

 

“Tôi chọn CTCK theo tiêu chí tin tưởng và thuận tiện”

Ông Đặng Anh Tuấn, Số TK 001C100067 mở tại BVSC năm 2000

 

Tôi chính thức tham gia TTCK từ năm 2000 và nơi đầu tiên tôi lựa chọn là BVSC. Khi đó, thị trường còn sơ khai, các quy định còn cứng nhắc chứ không như bây giờ, tuy nhiên lúc, đó ngoài BVSC còn có nhiều CTCK khác như SSI, BSC… Tôi chọn BVSC vì đây là CTCK đầu tiên được thành lập. Tôi tin rằng, vì là công ty đầu tiên nên chắc chắn đã có sự nghiên cứu, chuẩn bị, đầu tư kỹ lưỡng, việc thẩm định, đánh giá của các cơ quan quản lý nhà nước trước khi cấp phép cũng rất cẩn trọng. Và tôi đã gắn bó với BVSC từ đó tới nay, cũng sắp tròn 13 năm rồi.

Quan điểm cá nhân tôi khi chọn lựa nơi mình giao dịch trước hết phải là nơi khiến mình có cảm giác tin cậy, an toàn, tiếp theo mới là tiêu chí về thuận tiện. Mình để tiền bạc, tài sản ở đó, thì rất cần một nơi tin cậy để quản lý và tư vấn khi cần thiết. Các yếu tố về thủ tục giao dịch giản đơn hay tiện ích công nghệ hiện đại.... thì tôi thấy về cơ bản, các công ty chứng khoán đều đáp ứng được, nhưng việc đem lại niềm tin thì không phải công ty nào cũng đáp ứng được.

Trong 13 năm qua, tôi cũng đã nhận được nhiều lời mời gọi từ các CTCK khác với những điều kiện hấp dẫn, từ chính sách phí thấp đến ưu đãi cho vay, thủ tục “vô cùng thuận tiện”, nhưng cũng như khi thực hiện đầu tư chứng khoán, tôi thấu hiểu nguyên tắc lợi nhuận bao giờ cũng song hành với rủi ro. Cái gì cũng có “giá” của nó, điều này giúp tôi “tỉnh táo” hơn khi quyết định chọn lựa. Tiêu chí số 1 của tôi là tính an toàn cùng niềm tin và ở BVSC tôi tìm thấy điều đó.