Các công ty quản lý quỹ mới chỉ "le lói" hy vọng!

Các công ty quản lý quỹ mới chỉ "le lói" hy vọng!

(ĐTCK) Những chuyển động tích cực nối tiếp diễn ra trong ngành quản lý quỹ thời gian gần đây!

Đầu tuần này, Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Dai-ichi Việt Nam đã được cấp giấy phép thành lập công ty quản lý quỹ tại Việt Nam, trở thành công ty bảo hiểm sở hữu nước ngoài thứ hai được thành lập công ty quản lý quỹ tại thị trường trong nước. Hơn ba tháng trước đó, ACE Life Vietnam được cấp phép tương tự thành lập Công ty Quản lý quỹ ACE Life FMC.

Giới quan sát cho rằng, hai hãng bảo hiểm ngoại này muốn nhắm đến thị trường quỹ hưu trí, khi mà khung pháp lý cho loại quỹ đầy tiềm năng này đang được các cơ quan quản lý hoàn thiện. Thông cáo báo chí ngày 29/10/2013 của ACE Life dẫn lời ông Lâm Hải Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc ACE Life Vietnam tự tin viết: “Chúng tôi tin tưởng rằng, ACE Life FMC sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư dài hạn cả trong và ngoài nước đang hoạt động tại Việt Nam những dịch vụ chất lượng thông qua việc thành lập và quản lý các loại quỹ khác nhau, trong đó có quỹ mở và quỹ hưu trí”.

Cách đây không lâu, một tổ chức nước ngoài khác là Vietnam Asset Management (VAM) - công ty quản lý quỹ thành lập tại Anh - cũng chính thức đổi tên một công ty quản lý nội địa do mình tiếp quản thành Quản lý quỹ VAM Việt Nam. Thực tế, VAM đã tiếp quản lại công ty nội địa VIPC từ hồi năm 2012, nhưng sang đến năm 2013, tổ chức này mới đổi tên Công ty thành VAM Việt Nam, tăng vốn điều lệ từ 33 tỷ đồng lên 46 tỷ đồng, đồng thời cải thiện lợi nhuận cho Công ty đang từ lỗ 2,5 tỷ đồng năm 2012 trở thành lãi 190 triệu đồng vào năm ngoái.

Bản thân VAM là công ty có hoạt động liên tục trong việc quản lý các quỹ mở nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Giữa tháng 6/2013, ông Nguyễn Xuân Minh, Tổng giám đốc VAM đã trả lời phỏng vấn ĐTCK rằng, Công ty đang trong quá trình thành lập một quỹ mở đại chúng dành cho nhà đầu tư trong nước.

Không chỉ những tổ chức nước ngoài kỳ vọng, mà một vài nhà quản lý quỹ trong nước cũng lạc quan hơn - trong đó có cả công ty đã phải chịu cảnh thua lỗ nặng nề.

Một công ty quản lý quỹ quy mô nhỏ có lỗ lũy kế “ăn mòn” gần nửa vốn điều lệ năm 2012, đến cuối 2013 bất ngờ ghi nhận lãi đột biến (công ty này chưa công bố BCTC năm) đủ xóa gần hết số lỗ trước đó. Giám đốc của công ty này chia sẻ, cả năm qua, ông cùng với tập đoàn mẹ đã vật lộn tái cấu trúc với mong muốn công ty hoạt động bình thường trở lại. Ông thậm chí kỳ vọng công ty sẽ lập quỹ mở trong năm nay - nhưng chưa hẳn là để hướng tới nhà đầu tư đại chúng ngay, mà là để tận dụng một vài cơ hội đầu tư tài chính mà ông cho rằng đã khởi sắc trở lại.

Tất nhiên, toàn ngành quản lý quỹ vẫn khó. Vẫn có những công ty lỗ chồng lỗ “ăn mòn” phân nửa vốn điều lệ, bên cạnh những công ty đã ngừng hoạt động hoặc giải thể. Với những công ty lớn, không ít cũng đang phải chật vật với doanh thu suy giảm và cả ngành quỹ đến giờ vẫn khó. Con số sơ bộ của UBCK đưa ra cuối tháng 1/2014 ước tính lợi nhuận sau thuế toàn ngành năm 2013 giảm 22% so với năm trước đó, xuống 70 tỷ đồng - một con số quá khiêm tốn so với tổng vốn điều lệ xấp xỉ 3.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, trong cơn khốn khó đó, đang le lói những kỳ vọng lại trở lại với ngành tài chính trung gian này - gồm cả những kỳ vọng vào thị trường quỹ đại chúng lẫn những kỳ vọng vào thị trường đầu tư tài chính, bắt đầu từ năm nay. 

Tin bài liên quan