Ngay cả khi thị trường đảo chiều thì nhà đầu tư phải đối mặt với một giai đoạn biến động từ nay tới cuối năm. Ảnh: Đức Thanh

Ngay cả khi thị trường đảo chiều thì nhà đầu tư phải đối mặt với một giai đoạn biến động từ nay tới cuối năm. Ảnh: Đức Thanh

Cái giá của “Chữ Ngờ”

(ĐTCK-online) Thị trường đã tuột dốc một đoạn dài chỉ trong một thời gian ngắn, sự sụt giảm kiểu này thường rất mạnh và cũng chỉ diễn ra trong thời gian tương đối ngắn. Trong vài ngày tới, chúng ta có thể sẽ bắt đầu thấy lượng mua vào hỗ trợ VN-Index.

Mấy ngày qua, cả thế giới tài chính hỗn loạn trước cơn đột quỵ của những cây đại thụ thuộc nền tài chính Mỹ cũng như toàn cầu. Danh sách này gồm có Công ty môi giới chứng khoán hàng đầu Merrill Lynch, đại gia tài chính và bảo hiểm hàng đầu thế giới AIG, hai ngân hàng cho vay bất động sản lớn nhất với 50% thị phần cả nước Mỹ là Freddie Mac và Fennie Mae, Ngân hàng lớn thứ tư nước Mỹ là Lehman Brothers… Nước Mỹ lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính thế kỷ. Riêng chúng ta, một cuộc rút lui không trật tự đã diễn ra từ hơn 2 tuần trước, nay biến thành cuộc tháo chạy của nhiều thành viên thị trường.

Chuyện mấy ai ngờ

Những pháo đài vững chắc nhất của TTCK thế giới đã sụp đổ trong sự ngỡ ngàng. Tại Việt Nam , 25% giá trị của sàn HOSE đã bốc hơi kể từ phiên 4/9/2008 và VN-Index lao nhanh xuống gần mức 400 điểm. Chưa ai biết đâu là điểm cuối. Dù ở quy mô toàn cầu hay riêng thị trường Việt Nam , tình huống xấu hiện nay đã xảy ra một cách bất ngờ, khi mọi người chưa thức tỉnh.

Khủng hoảng tài chính ở Mỹ  đã xảy ra như thế nào? Tháng 8/2006, những lo ngại đầu tiên về thị trường địa ốc Mỹ được biết đến khi chỉ số xây dựng giảm 40% và số vụ tịch thu tài sản gia tăng. Một năm sau đó, tháng 8/2007, giá nhà  tại Mỹ tiếp tục giảm và số vụ xiết nợ tài sản tăng gấp đôi so với năm 2006, khái niệm "khủng hoảng" bắt đầu được các phương tiện truyền thông khẳng định là đã xảy ra.  Và cũng chỉ mất 12 tháng ngụp lặn trong khủng hoảng, những pháo đài không thể công phá của nền tài chính toàn cầu đã ngã gục, mặc cho số tiền mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã phải bơm ra để cứu thị trường trong 6 tháng qua lên đến 900 tỷ USD. Đến nước này, các nhà kinh tế hàng đầu cỡ Alan Greenspan (cựu Chủ tịch FED) hay chính trị gia đang nổi danh như Barack Obama (ứng cử viên Tổng thống Mỹ của Đảng Dân chủ) đã phải lên tiếng về cuộc khủng hoảng thế kỷ và được xem tồi tệ nhất từ cuộc đại suy thoái năm 1930. Họ ít nhiều đều bất ngờ.

Theo Obama, nguyên nhân khủng hoảng bắt đầu từ sai lầm trong chính sách kinh tế của Đảng Cộng hòa từ 8 năm qua. Những nhà bình luận lại cho rằng, cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn này bắt nguồn từ chính sách hạ lãi suất để thúc đẩy kinh tế của Alan Greenspan. Nhưng nếu quay lại thời điểm trước đó 1 năm, hầu như không có cảnh báo rõ ràng nào về khả năng khủng hoảng đã được đưa ra trong 6 tháng đầu năm 2007. Ai mà ngờ được chuyện tồi tệ lại đến nhanh như thế!

 

Hình ảnh về TTCK Việt Nam

3 trong số 4 chứng chỉ quỹ được niêm yết trên sàn HOSE là MAFPF1, PRUBF1 và VFMVF4 đang được giao dịch với giá chỉ bằng 46% đến 62% mệnh giá vào phiên ngày 18/9. So với khối nhà đầu tư cá nhân, các tổ chức này mang danh nghĩa là đẳng cấp chuyên nghiệp hơn hẳn trong việc đầu tư (nên mới huy động được tiền của nhà đầu tư vào quỹ). Thực tế này khiến nhiều người liên tưởng đến hình ảnh những tổ chức tài chính chuyên nghiệp nhất tại Mỹ đang trong tình cảnh sa lầy.

Điều thú vị là cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu lần này xuất phát cũng cùng thời điểm với cú ngã ngựa của VN-Index, khi chỉ số này đạt mức 1.106,6 điểm (2/10/2007) và bắt đầu sụt dần xuống mức 366 điểm (20/6/2008). Vào thời điểm tháng 6/2008, nhà đầu tư hoảng lên trước hàng loạt thông tin không thể xấu hơn như lãi suất quá 20%, lạm phát phi mã, tiền đồng mất giá so với USD, giá xăng dầu tăng hơn 30%... Hầu hết nhà đầu tư lúc đó đều bất ngờ và không chuẩn bị sẵn sàng cho các tin xấu như thế. Sau đó, nhiều người đã không sẵng sàng cho việc thị trường hồi phục và tháng 7 và tháng 8 với mức tăng trưởng đáng mơ ước, tương đương 57% (VN-Index tăng từ 366 lên 577 điểm).

Còn hôm nay, khả năng vận may trở lại như thế nào? Xin lược trích một đoạn nhận xét trong bản tin của Công ty Chứng khoán HSC ra ngày 17/9/2009 như sau: "Kể từ đầu tháng 9/2008 đến nay, VN-Index đã giảm 21%. Thị trường đã tuột dốc một đoạn dài chỉ trong một thời gian ngắn, sự sụt giảm kiểu này thường rất mạnh và cũng chỉ diễn ra trong thời gian tương đối ngắn. Trong vài ngày tới, chúng ta có thể sẽ bắt đầu thấy lượng mua vào hỗ trợ VN-Index”.

Làm sao để biết khi nào thì thị trường sắp chạm đáy? Có một vài dấu hiệu chủ yếu cần xem xét để biết khi nào thị trường có thể chạm đáy.

Thứ nhất là số lệnh bán giảm đi trong khi số lệnh mua tăng lên. Mọi thay đổi nhỏ trong lượng đặt mua - chào bán đều có thể là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi của trạng thái thị trường. Thứ hai, sự phân hóa của thị trường (tức là số mã CP giảm giá so với số mã CP tăng giá) có thể tăng nhẹ. Khi số mã CP lên giá tăng lên thì có thể là dấu hiệu cho thấy sự điều chỉnh của thị trường đã sắp kết thúc.

Tuy nhiên ngay cả khi thị trường có thể đảo chiều trong vài ngày tới thì chúng ta vẫn phải đối mặt với một giai đoạn biến động từ nay cho tới cuối năm. Như chúng tôi đã nói những tin tốt tiềm năng về giá xăng, CPI và thậm chí lãi suất sẽ bị cân bằng bởi những tin xấu tiềm năng về tình hình hoạt động của các công ty. Phần lớn các công ty sẽ không đạt kế hoạch trong 6 tháng cuối năm. Bởi vậy, các NĐT dài hạn nên kiên nhẫn và mua vào khi giá xuống. Còn các NĐT ngắn hạn có thể mua bán theo những đợt thị trường phục hồi trong vài tháng tới, nhưng hãy nhớ chốt lời khi có lời và đừng giữ những mã CP xuống giá quá lâu"

Bình luận về việc hàng loạt tổ chức tài chính hàng đầu của Mỹ phá sản, ông Nguyễn Hồng Nam, Phó tổng giám đốc CTCK SSI cho rằng, hệ thống kiểm soát rủi ro ở Mỹ tưởng là rất tốt, nhưng thực tế có vẻ không hơn ở thị trường Việt Nam, khi ở ta mới chỉ có một trường hợp có vấn đề như Bông Bạch Tuyết.

Tất nhiên, ngay trường hợp Bông Bạch Tuyết cũng là một "Chữ Ngờ" khi DN này lỗ thật, lời ảo suốt 3 năm qua mà ta không hay biết.