Số ngoại tệ có được từ phát hành trái phiếu có thể được sử dụng để can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Số ngoại tệ có được từ phát hành trái phiếu có thể được sử dụng để can thiệp vào thị trường ngoại hối.

Cái giá của trái phiếu ngoại tệ

(ĐTCK) Con số hơn 20 tỷ USD tiền gửi ngoại tệ của người dân và doanh nghiệp là một số liệu thống kê quan trọng. Đó là một trong những cơ sở để Chính phủ đưa ra quyết định phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ trong năm 2009 lên tới 1 tỷ USD như giới đầu tư từng đồn đoán nhiều tuần qua. Ý nghĩa của những đợt phát hành sắp tới là rất quan trọng. Với những vụ đấu thầu trái phiếu chính phủ (bằng VND) không thành công nhiều tháng qua, tổ chức phát hành đang cần tìm một lối thoát.

Cứu cánh…

Có thể hiểu một cách đơn giản rằng, kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ lên tới 55.000 tỷ đồng trong năm 2009 đang chịu sức ép về thời gian. Nửa năm đã trôi qua, tổng khối lượng phát hành thành công chỉ xấp xỉ 6.000 tỷ đồng. Những con số báo hiệu một quá trình phát hành trái phiếu chính phủ gấp gáp trong nửa năm còn lại.

Trong hoàn cảnh trái phiếu bằng VND chịu nhiều yếu tố tác động khiến các tổ chức phát hành không thể mạo hiểm dâng cao mức lợi suất chào bán, trái phiếu chính phủ bằng VND trở nên khó bán. Ba đợt đấu thầu liên tiếp trong tuần qua của Công ty Phát triển đường cao tốc, Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng Phát triển tiếp tục không thành công. Tổng số 2.500 tỷ đồng chào bán chỉ có 100 tỷ đồng được mua. Như vậy, gần 4 tháng qua, giới đầu tư đã "thờ ơ" với trái phiếu chính phủ bằng VND.

Có thể coi trái phiếu chính phủ bằng ngoại tệ đang được coi là cứu cánh. Một tỷ USD trái phiếu phát hành dành cho mục đích đầu tư các dự án trọng điểm và bù đắp bội chi ngân sách nhà nước. Dù sao, 3 đợt phát hành trái phiếu ngoại tệ liên tiếp cuối tháng 3/2009 cũng đã mở ra ít nhiều hy vọng. Trong tổng khối lượng trái phiếu chào bán 300 triệu USD, đã có 230 triệu USD được mua.

Tới thời điểm này, chưa có kế hoạch cụ thể sẽ phát hành với lợi suất bao nhiêu và kỳ hạn nào. Đây chính là bài toán hóc búa mà "Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam" phải tìm ra đáp số trong thời gian tới.

… và sự đánh đổi

Con số hơn 20 tỷ USD tiền gửi có thể trả lời câu hỏi liệu các ngân hàng, đóng vai trò chính, có muốn mua trái phiếu ngoại tệ hay không. Chắc chắn, mua trái phiếu chính phủ với rủi ro xấp xỉ zero sẽ tốt hơn gửi tiền tại các ngân hàng nước ngoài hưởng lãi thấp mà đi kèm nhiều rủi ro. Nhưng quan trọng là phải thuận mua, vừa bán.

Một lãnh đạo ngân hàng thương mại nhà nước khẳng định, chắc chắn tất cả số trái phiếu ngoại tệ, nếu phát hành với kỳ hạn dưới 1 năm sẽ được mua hết, giống như trong tháng 3/2009 (tổng cộng 100 triệu USD trái phiếu với lãi suất 3%/năm). Các kỳ hạn dài hơn 2, 3, 5 năm thì chưa chắc.

Vấn đề là tổng lượng tiền gửi ngoại tệ rất lớn, nhưng kỳ hạn thì không dài. Vị lãnh đạo trên cho biết, kỳ hạn trung bình của ngân hàng chỉ khoảng 6 tháng. Do đó, mua trái phiếu một năm có thể kiểm soát được rủi ro kỳ hạn (lấy vốn ngắn hạn đầu tư tài sản dài hạn hơn), còn dài hơn thì rủi ro rất lớn. Rủi ro cao hơn thì các ngân hàng muốn nhận được mức lợi suất tương ứng.

Hồi tháng 3/2009, mức lợi suất cho trái phiếu kỳ hạn 2 năm là 3,2%/năm và 3 năm là 3,6%/năm. "Với mức lợi suất này, phát hành sẽ khó hơn. Có lẽ phải chào bán ở mức trên 4%/năm mới có thể mua được", vị lãnh đạo ngân hàng nhận định.

Sự đánh đổi là ở đây. Bộ Tài chính đương nhiên không muốn trả lợi suất cao vì nó sẽ ảnh hưởng tới thâm hụt ngân sách. Nhưng sức ép phát hành đang lớn dần và các ngân hàng có cơ sở để tin rằng, Bộ Tài chính sẽ phải chấp nhận trả các mức lợi suất cao hơn.

Thực ra, một yếu tố khác khiến Bộ Tài chính phải cân nhắc là sự lên giá của đồng USD so với VND. Nếu trường hợp này xảy ra thì đương nhiên, mức tăng giá của USD sẽ khiến lợi suất thực phải trả là cao hơn.

Phát hành trái phiếu ngoại tệ tại thị trường trong nước có nghĩa là tổng lượng USD trong nền kinh tế là không thay đổi và nó không thể giúp bù đắp thâm hụt cán cân thanh toán.

Tuy nhiên, như đại diện của Ngân hàng Nhà nước từng phát biểu trước đợt phát hành trái phiếu ngoại tệ hồi tháng 3/2009, số ngoại tệ có được từ phát hành trái phiếu có thể được sử dụng để can thiệp vào thị trường ngoại hối. Giải pháp ngắn hạn này được nhiều chuyên gia đánh giá rằng, có những mặt tích cực nhất định.

Trong một cuộc mua - bán, ai cũng có những mục tiêu của mình. Phát hành trái phiếu ngoại tệ có nhiều ưu điểm, nếu Bộ Tài chính chịu đưa ra một mức giá phù hợp, 1 tỷ USD chưa phải là nhiều.