Biết đâu, trong khó khăn, thế giới lại sớm thấy một Thánh Gióng Việt Nam lớn nhanh như thổi.

Biết đâu, trong khó khăn, thế giới lại sớm thấy một Thánh Gióng Việt Nam lớn nhanh như thổi.

Cái máy bơm và câu chuyện kích cầu

(ĐTCK) Sáng đi dự hội thảo về kinh tế, tối xem khai mạc Hội nghị Trung ương trên tivi; xem xong, bắt tay vào viết báo cáo về hội thảo, thế mà ngồi mãi chẳng nặn ra được chữ nào. Vấn đề thì nhiều, mà cái gì cũng chung chung. Báo chí đã nói nhiều, các bác cũng nắm được cả rồi. Chả lẽ lại gạch đầu dòng, tóm tắt mấy ý.

Nghĩ mà thông cảm cho mấy bác lãnh đạo, ngày ngày phải nghe hàng trăm cuộc điện thoại, đọc hàng chục báo cáo quan trọng. Các báo cáo ấy thì khó đọc thôi rồi, kể cả về nội dung và cách trình bày. Bây giờ mọi người đều bận, liếc qua báo cáo kiểu ấy thì bỏ qua một bên cho rồi. Thế là việc lại chậm, lại ỳ ra. Cần phải trách ngay từ bản thân những cán bộ như mình!

Chợt con trai kêu lên: "Ba ơi, làm sao không có nước!". Thì ra ban ngày mất nước, máy bơm chạy hoài mà bể không có nước nên tự ngắt. Bây giờ muốn chạy lại phải mồi tí nước vào thì mới được. Chữa xong máy bơm, trong đầu liền nảy ra ý. Ta hãy lấy cái máy bơm, ống nước và việc mồi nước để nói về mấy vấn đề kinh tế "nóng" được xã hội quan tâm. Lấy dòng nước làm dòng luân chuyển tiền tệ, lấy gia đình làm chuyện vĩ mô, lấy chuyện ông thợ sửa ống nước mà viết.

Tình hình năm 2009 nhiều khả năng là vẫn xấu, không thể đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao. Các DN cũng đừng vẽ ra những kế hoạch to tát. Cầm cự được là quá tốt! Thấy thế giới ầm ầm đưa ra các giải pháp, nào là Mỹ 700 tỷ USD, Trung Quốc 680 tỷ USD, rồi Nhật Bản, EU… cộng hết toàn thế giới chừng non 3.000 tỷ USD, ai mà không sốt ruột và lo lắng. Không có giải pháp nào, không có gói nào thì gay!

Thế nhưng, vốn dự trữ ngoại tệ nước ta còn hẻo lắm, đâu chỉ hơn 20 tỷ USD. Trước thì còn trông cậy nhiều vào tiền bán dầu thô, nhưng giờ giá dầu từ trên 100 USD/thùng (cao điểm là hơn 147 USD/thùng) xuống còn xấp xỉ 40 USD/thùng, ngân khố ắt là chẳng được dồi dào. Lấy đâu nhiều tiền mà kích thích, mà đưa ra thì bao nhiêu cho đủ, nguồn nào, phân bổ thế nào?

Chắc là các bộ trưởng cũng phải bàn đi tính lại mãi mới ra được con số 6 tỷ USD. Chi tiết về khoản này thì chưa được công bố. Đọc báo, nghe đài nắm được đại loại có non 1 tỷ USD "tiền tươi thóc thật". Tiền này ở đâu? Nó nằm ở quỹ dự trữ ngoại tệ, quỹ hỗ trợ phát triển gì gì đó, nằm ở khoản tiền năm ngoái chưa kịp giải ngân. Thứ hai là tiền "gần tươi", tức là ở trong túi người dân và DN, huy động bằng cách phát hành trái phiếu chính phủ, công trái. Nếu "túm" được khoảng 20.000 tỷ đồng thì ta có hơn 1 tỷ USD nữa. Thế là có 2 tỷ USD. Đừng tưởng ít. Mỗi tờ 100 USD dài 15 cm, 2 tỷ USD trải ra thì được 3.000 km. Kéo từ địa đầu Móng Cái tới mũi Cà Mau, rồi vòng qua Phnom Penh, qua Vientian rồi về Hà Nội mới hết. Thế nhưng, 2 tỷ USD cũng chỉ như 2 muỗng muối bỏ vào chảo canh bộ đội mà thôi. Còn 4 tỷ USD nữa lấy ở đâu ra? Nó nằm trong các DN. Nó có thể là khoản thuế được miễn giảm, các khoản giãn nợ, khoản hỗ trợ lãi suất cho các DN…, nói chung là rất nhiều khoản, miễn là không phải trực tiếp từ ngân sách nhà nước. Nhưng lại mới nghe 30% DN nhỏ và vừa có khả năng phải giải thể, phá sản, phần lớn là từ hòa đến lỗ. Thế thì miễn giảm từ thuế sao nhỉ?

Quay trở lại với 2 tỷ USD tiền tươi, mấy hôm mới nghe phong thanh thế mà đã ồn lên chuyện phân chia. 2 tỷ USD ấy đổ vào những ngành nào? Chả lẽ bỏ vào xây lại Sân bay Nội Bài, "lém" một phát mất non nửa tỷ, chả giải quyết được gì nhiều. Có người bảo đổ vào dệt may, lĩnh vực này tạo nhiều công ăn việc làm. Ấy, phải tính kỹ, không khéo sản phẩm làm ra không xuất hết, đống vải vóc quần áo giày dép lại chả cao như núi ấy chứ!

Lúc ở hội thảo, tôi thấy cũng bí, bèn quay sang bên cạnh hỏi cao kiến của một chuyên gia (thuộc loại "hàng khủng", là đồng tác giả của mấy cái báo cáo kinh tế nổi tiếng mà bà con từng chuyền tay nhau đọc). Anh này nói nên đổ vào chỗ "thâm lực", chứ đừng đổ vào chỗ "thâm vốn". Lúc diễn thuyết, mới được nghe cắt nghĩa rõ hơn. Tức là đừng đổ vào những chỗ thiếu vốn, vào các dự án to kếch sù cỡ vài ba tỷ USD, mà nên kích vào những dự án tạo ra nhiều việc làm, dự án giúp tháo gỡ nhanh nút thắt… Nói thế thôi chứ tạo thêm việc làm mà không mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế thì cũng vứt! Tỉ như bỏ 120 tỷ đồng cho công nhân đào đường lên, sau đó lại đấu thầu hết 80 tỷ đồng để thuê công nhân lấp đất xuống. GDP cũng tăng được 200 tỷ đồng rồi, lại còn có việc làm cho mấy chục vạn lao động nữa chứ. Tuy nhiên, dù GDP tăng trưởng, nhưng chả có vị gì cả, đất nước chỉ nghèo thêm. Nói thì dễ, làm mới khó. Cứ để cho mấy ông hay la lối làm thử lãnh đạo thì biết.

Vậy thì phải trở lại chuyện cái máy bơm ở nhà. Có lẽ, tôi cũng không cho riêng một đứa con nào, kể cả thằng lớn đang rất túng, hay thằng bé đang đòi nâng cao trình độ sinh viên còi. Tôi cũng không biến 2 tỷ USD ấy thành nước đổ vào bể cho cả nhà cùng ăn uống, tắm giặt…

Trước mắt, lấy nó làm nước để mồi cho cái máy bơm chạy đã. Có nước mồi, có máy bơm chạy tốt, thì sẽ đầy cả bể nổi lẫn bể chìm, nước chảy chan hòa cả nhà dùng thoả thuê. Nói vậy chứ, tôi cũng thận trọng lắm. Trước khi đổ nước mồi, phải xem máy bơm còn tốt không đã. Máy mà hỏng thì nước mồi đổ vào chỉ oọc... oọc… được mấy cái rồi tắt lịm, mất cả nước mồi.

Hay là thay cái máy bơm đi cho nó chắc? Ờ, mà máy bơm là cái gì nhỉ? Nếu ví như Ngân hàng Trung ương Mỹ thì sao? Có một bác diễn giả vừa bay đúng nửa vòng trái đất từ Mỹ về Việt Nam nói rằng, Mỹ không có Ngân hàng Nhà nước, mà chỉ có Ngân hàng Trung ương. Chính phủ không can thiệp vào đấy, không thể để cho chính sách tiền tệ xoay như chong chóng theo lệnh của Tổng thống được. Các thành viên Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mỹ do Quốc hội lựa chọn, nhiệm kỳ 14 năm, trong khi Tổng thống chỉ có nhiệm kỳ 4 năm.

Cái ông này kỳ quá! Ở ta cái gì chả là nhân dân. Này nhé, Ủy ban nhân dân, Công an nhân dân, Hải quân nhân dân, Quân đội nhân dân, rồi Nghệ sỹ nhân dân, Thầy thuốc nhân dân… Chỉ có một số mang tên Nhà nước thôi, ví như Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước… Thể chế chúng ta là để phục vụ toàn dân, đâu phải để phục vụ số ít tập đoàn lớn, các định chế tài chính. Nếu khen ngành tài chính, ngân hàng Mỹ hoàn hảo, thì sao lại xảy ra cơn khủng hoảng tồi tệ nhất lịch sử này. Vậy thì có cần thiết phải thay đổi không?

Lại nữa, trước khi bơm phải kiểm tra xem bể nước, liệu có nước bẩn hay không. Nếu bể nhà ta sau một ngày mất điện, nước cống rỉ vào, bây giờ mồi cho máy bơm chạy thì nước bẩn sẽ chảy ra khắp các vòi. Cả nhà mà uống nước, tắm giặt thế thì ghẻ lở, đau bụng, cấp cứu là cái chắc. Ở Mỹ, nước bẩn (nợ xấu) không hiếm. Đầu tiên là nợ xấu từ tín dụng nhà đất, nợ xấu lan sang hệ thống ngân hàng, tràn khắp nơi. Các ông chủ phố Wall lo quá, tìm cách bắc các ống "nước bẩn" đổ sang châu Âu, Nhật Bản bằng việc trái phiếu hóa các khoản vay nhà đất, bằng các gói tín dụng. Nhờ báo cáo đánh giá tín nhiệm của Moody's, Standard & Poor's, nhiều người thấy các loại chứng khoán này trông ngon lành, khắp các châu lục đều có người mua. Thế là nó chảy khắp năm châu bốn biển. Ngân hàng Mỹ nợ xấu tràn lan.

Thôi, cứ coi như máy bơm nhà ta còn tốt, nước cũng sạch sẽ, cứ vô tư mồi nước để bơm mà dùng. Thế thì cũng phải biết cách mồi. Hồi nhỏ, ở nhà hay đi mồi nước cho cái máy bơm hợp tác xã. Xách một xô nước đổ đánh oặp vào họng máy. Nhớ là phải đổ nhanh. Nếu đổ từ từ nó chui xuống mương thì hết, lấy gì mà chạy máy. Đổ xong thì đóng cầu dao ngay, mô tơ quay tít thế là nước chảy. Vô phúc lúc đó cầu dao bị mô-ve thì toi mất xô nước. Cũng có khi hà tiện chỉ đổ có 1 xô, máy không chạy được lại phải tốn thêm mấy xô nữa. Tiếc lắm! Xem ra, việc kích cầu bằng liệu pháp mồi này cũng khó lắm chứ chả chơi.

Chính phủ có cách kích cầu của Chính phủ, còn DN chả lẽ lại đứng nhìn. Suy ra, ở các công ty cũng thế thôi. Cắt giảm lao động, giảm 10 - 15% lương, số tiền cũng chả mấy so với tổng chi hàng tháng. Thế nhưng, nó cũng là một kiểu mồi nước. Cái này không phải là mồi dòng tiền mặt, mà là mồi tinh thần làm việc khắc phục khó khăn cho nó chảy đều trong toàn công ty. Còn rất nhiều cách mồi nữa, phải nghĩ ra cho phù hợp với tình hình của mỗi công ty.

Sửa máy bơm, mồi nước nhưng phải để ý đến cả ống nước nữa. Nhiều người ví von rằng, dòng tiền của mỗi DN cũng giống như dòng nước, dòng máu chạy trong cơ thể. Thiếu máu, hạ đường huyết thì đầu óc choáng váng, sa sẩm mặt mày, bủn rủn chân tay. Lúc ấy, nặng thì phải vào bệnh viện để truyền máu, nhẹ thì phải uống một cốc nước đường, ăn miếng bánh ngọt để tăng đường huyết. Thiếu máu, thiếu tiền luân chuyển rất nguy hiểm, tuy không gây đột quỵ, nhưng nó làm cơ thể DN suy kiệt dần. Chẳng ai chết vì quá nhiều tiền, nhưng khối công ty chết vì có giai đoạn dòng tiền - dòng máu bơm vào quá mạnh, các mạch máu không chịu được thế là xuất huyết da, tiền - máu chảy ra ngoài thành xe hơi, căn hộ triệu đô. Thế nên phải kiểm tra, bịt hết các chỗ rò rỉ, đoạn ống nào mục phải thay ngay.

Ta cứ có bệnh hay lo hão. Ngẫm lại, dân ta cái gì mà chả làm được. Các loại đế quốc sài lang xưa kia còn chả sợ nữa là mấy con "thú điện tử" ngày nay. Hơn 80 triệu dân trong nước, mấy triệu kiều bào ở nước ngoài, nếu đồng sức đồng lòng, có sự thay đổi mạnh mẽ từ trên xuống dưới, khơi dậy được tinh thần dân tộc thì sợ gì không vượt qua cơn bão này. Lạc quan hơn, thế giới sẽ sớm thấy một Thánh Gióng Việt Nam lớn nhanh như thổi.