G.S Jan Gehl nổi tiếng với triết lý phát triển đô thị vì con người

G.S Jan Gehl nổi tiếng với triết lý phát triển đô thị vì con người

Cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân đô thị, cách nào?

(ĐTCK)  G.S Jan Gehl, tác giả cuốn sách “Đô thị vị nhân sinh” từng được dịch ra 33 ngôn ngữ vừa có mặt tại Việt Nam. Ông được biết đến nhiều với triết lý phát triển các đô thị vì con người, ông cũng là người đã tư vấn cho Hà Nội tạo lập nên các phố đi bộ. Trở lại Việt Nam lần này, G.S Jan Gehl đã dành cho Báo Đầu tư Bất động sản một cuộc trò chuyện về câu chuyện phát triển đô thị. 

Chào giáo sư, chào mừng ông trong lần quay lại Việt Nam ra mắt sách. Tôi rất ấn tượng với tác dụng tích cực mà phố đi bộ mang lại cho cư dân Thủ đô. Từ ý tưởng nào để ông tư vấn cho Hà Nội tạo nên các phố đi bộ?

Thật ra đây là một ý tưởng khá tổng quan. Phố đi bộ là để nâng cao chất lượng cuộc sống cho tất cả mọi người. Người già sẽ có chỗ để đi dạo, trẻ em có thể vui chơi ngoài trời, các bạn trẻ có chỗ để hẹn hò. Và tôi hy vọng ý tưởng này có thể nhận rộng ra nữa, giúp tất cả mọi người, không chỉ khách du lịch có thể tận hưởng mọi không gian của thành phố vào bất cứ lúc nào, không chỉ riêng dịp cuối tuần như hiện nay.

Theo ông, Hà Nội cần bổ sung thêm các hạng mục, nội dung gì để phố đi bộ phát huy nhiều hơn hiệu quả của nó?

Các bạn cần có thêm nơi nghỉ chân cho người đi bộ. Ngoài ra, cần bổ sung thêm các hình thức vui chơi giải trí để tăng sự thu hút.

Theo ông, về mặt xã hội học, đâu là sự khác biệt cơ bản giữa các đô thị Việt Nam và các đô thị của Đan Mạch? Điều này ảnh hưởng, tác động như thế nào đến việc đô thị hóa?

Ở Đan Mạch, nguyên tắc quy hoạch đô thị chúng tôi đang sử dụng tại hầu hết các thành phố là ưu tiên phát triển hệ thống hạ tầng phục vụ người đi bộ, người đi xe đạp và đời sống công cộng. Chúng tôi gọi đó là nguyên tắc quy hoạch đô thị vị nhân sinh.

Cách tiếp cận này có chi phí thấp, đơn giản, dễ áp dụng, mang lại điều kiện tốt nhất cho tất cả và trên thực tế giải quyết được nhiều vấn đề gây ra bởi xe cơ giới. Bạn có thể tham khảo thêm chi tiết trong cuốn sách Đô thị vị nhân sinh của tôi.

Khái niệm đô thị vị nhân sinh nghe rất lý tưởng, vậy ông có lời khuyên nào cho Việt Nam để có thể tạo lập được những đô thị như vậy? Theo ông, đâu là những yếu tố quan trọng nhất trong việc xây dựng các đô thị vị nhân sinh?

Tôi đã cố gắng đưa ra định nghĩa về quy hoạch đô thị trong vòng 50 năm qua. Trong quá khứ, thành phố được tạo ra bởi con người và cho con người.

Tại các khu phố cổ, chúng ta hoàn toàn có thể đi bộ hoặc đi xe đạp bởi quy mô của chúng nhỏ và thân thiện với con người. Nhưng rồi, sau đó một loạt thay đổi đã ập tới. Mạnh mẽ nhất có thể nhắc tới là học thuyết công trình hiện đại - người ta không còn xây dựng thành phố nữa, họ chỉ xây dựng công trình, nhà cửa mà thôi. Họ không tạo ra không gian nữa, họ chỉ chăm chăm tìm cách tận dụng tối ưu không gian. “Đáng sống” cũng không còn là ưu tiên hàng đầu nữa, thay vào đó là tiêu chí “giao thông, đi lại thuận tiện”. Những thay đổi này không hề dễ chịu chút nào.

Nhưng ngày nay, các thành phố đã và đang bắt đầu hồi tâm, tĩnh trí lại. Họ bắt đầu nhận ra nhu cầu cần phải trả lại thành phố cho con người, làm cho thành phố dễ đi bộ hơn, mọi người có nhiều chỗ để ngồi chơi hơn, trẻ em có nhiều không gian vui chơi hơn. Nhờ thế, thành phố sẽ không còn bị ô nhiễm, con người cũng vận động nhiều hơn, khỏe mạnh hơn.

 G.S Jan Gehl gặp mặt bạn đọc Việt Nam trong dịp ra mắt sách “Đô thị vị nhân sinh”

Chúng ta sẽ giữ được bản sắc của con người và nâng cao chất lượng cuộc sống trong các đô thị. Và chúng ta không nên để các phương tiện máy móc đánh bại con người. Không nên để vấn nạn giao thông chi phối và nhấn chìm cuộc sống của con người.

Ở Đan Mạch, vai trò của các công dân được đặt ở đâu trong toàn bộ các chính sách phát triển chung của chính phủ hoặc các chính quyền địa phương, đặc biệt là công tác phát triển, quy hoạch đô thị nhằm tạo nên một môi trường sống tốt?

Tại Đan Mạch, người dân có tiếng nói quan trọng trong quá trình lên quy hoạch thành phố thông qua các cuộc bầu cử dân chủ để chọn ra Hội đồng thành phố và thành viên quốc hội. Những người này sẽ quyết định các nguyên tắc cơ bản trong quá trình quy hoạch đô thị. Ngoài ra, người dân cũng được mời tham gia vào các buổi trưng cầu dân ý hoặc điều trần về tất cả các dự án phát triển bất động sản, quy hoạch diễn ra tại địa phương.

Ở Đan Mạch không có quá nhiều các tòa cao ốc. Vậy quan điểm của Đan Mạch là gì khi phê duyệt các bản quy hoạch đô thị, quy hoạch kiến trúc?

Tại Đan Mạch, chúng tôi có những quy định vô cùng nghiêm ngặt về việc mỗi công trình chỉ được phép xây dựng trong giới hạn diện tích bao nhiêu. Điều này có nghĩa là dù xây cao hay thấp thì bạn cũng chỉ được sử dụng có ngần ấy diện tích mà thôi. Do vậy, xây cao ốc sẽ chẳng đem lại bất cứ lợi ích kinh tế nào cho chủ đầu tư. Nhờ vậy, chúng tôi rất thành công trong việc hạn chế sự bùng nổ của các tòa nhà chọc trời.

Tôi cho rằng, đô thị với công trình nhà ở thấp tầng sẽ tốt hơn cho con người.

Ông có lời khuyên nào cho các đô thị như Hà Nội, TP.HCM trong việc phát triển, để vừa đảm bảo phát triển bền vững, vừa giải quyết được các vấn đề nổi cộm như mật độ cư dân, phương tiện quá cao, ùn tắc giao thông?

Lần này, tôi chỉ có thời gian lưu lại Việt Nam chưa đầy một tuần, nhưng tôi ngay lập tức cảm thấy số lượng xe ô tô trên đường phố tăng lên đáng kể. Theo đó là ô nhiễm hơn, khói bụi hơn và ồn ào hơn. Tôi nghĩ, đây không phải là một hướng đi đúng đắn cho phát triển đô thị, bởi chất lượng sống của con người sẽ ngày càng bị giảm sút.

Tôi nghĩ rằng, rất cần những tiếng nói cảnh báo: “Này, các anh đang làm gì thế? Có rất nhiều cách khác để xây dựng đô thị. Hãy nhìn xung quanh và học cách người Nga đã biến đổi thành phố Moscow. Họ đã biến thủ đô của nước Nga từ một thành phố phục vụ xe cơ giới sang thành phố dành cho con người. Hãy nhìn những gì họ đang thực hiện tại New York, tại Sydney, Melbourne hay tại Copenhagen. Rất nhiều ví dụ nữa trên thế giới. Đã đến thời điểm các bạn cần cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Tôi cảm thấy như vậy.”

Tôi có nghe tới kế hoạch phát triển hệ thống tàu điện và cắt giảm xe cơ giới của 2 thành phố. Điều này là tín hiệu rất tích cực cho công cuộc cải thiện chất lượng sống cho người dân. Đây là xu hướng tất yếu và đã có rất nhiều thành phố thực hiện thành công. Tôi hy vọng sẽ có cơ hội chứng kiến những thay đổi rõ rệt khi khi quay trở lại thăm Hà Nội và TP.HCM lần sau. Xin chúc các bạn những điều tốt đẹp nhất và hy vọng cuốn sách có thể phần nào mang lại cảm hứng cho các nhà hoạch định chính sách, giới kiến trúc sư, thiết kế đô thị cũng nhưng người dân nơi đây.

Số hóa đang đặt ra nhiều cơ hội và thách thức với các quốc gia trên toàn thế giới, vậy, ở Đan Mạch, điều này được thể hiện như thế nào, đặc biệt trong việc phát triển đô thị? Theo ông, với bối cảnh như Việt Nam hiện nay, chúng tôi nên ưu tiên triển khai số hóa ở những lĩnh vực nào trước và cần lưu ý những nội dung gì?

Trong khi chúng ta chờ đợi thành tựu của số hóa, đô thị thông minh (smart cities), và các chiến lược phát triển đô thị khác dựa trên công nghệ hiện đại (chúng luôn đi kèm với các khoản đầu tư mới tốn kém), tôi luôn khuyến nghị rằng các thành phố nên bắt tay ngay vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng để phục vụ tốt hơn cho người đi bộ, đi xe đạp và các không gian công cộng.

Đây là sách lược ít tốt kém nhất mà các bạn có thể làm. Và chính sách chung này sẽ đem lại một cuộc sống có chất lượng cao cho tất cả mọi người (trong khi chúng ta chờ đợi xem liệu những lời có cánh về công nghệ mới có thể hoặc không thể trở thành hiện thực).

Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46 Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com

Tin bài liên quan