Cầm cự đến… bao giờ?

Cầm cự đến… bao giờ?

(ĐTCK-online) Thanh khoản trên TTCK đã rơi đến ngưỡng báo động, cũng đồng thời là điều báo động về khả năng cầm cự sống tiếp của nhiều CTCK.

Chủ tịch Công ty Chứng khoán Trí Việt, ông Phạm Thanh Tùng chia sẻ với Người quan sát rằng, Công ty của ông đã phải cắt giảm tối đa các chi phí, giảm nhân sự xuống dưới 50 người, đổi mới cách điều hành DN để cầm cự với thị trường trong bối cảnh hiện nay. Là CTCK mới, nên theo ông Tùng, ở Công ty ông, chỉ cần thanh khoản của thị trường khá lên, giao dịch tại Công ty ở mức 300 tỷ đồng/tháng là bắt đầu có lãi.

300 tỷ đồng/tháng giao dịch đối với một CTCK năng động như Trí Việt là con số rất bình thường trong giai đoạn thị trường bình thường, nhưng như hiện nay, đây lại là điều đáng mơ ước. Thực tế, cơ hội có lãi trên TTCK Việt Nam hiện nay quá hiếm, nhà đầu tư dài hạn hầu như không có, giao dịch chủ yếu là của các nhà đầu cơ, của một số nhà đầu tư nước ngoài và một số tổ chức đầu tư buộc phải "xử lý" danh mục.

Tổng giám đốc một CTCK Top 3 chia sẻ, kết quả kinh doanh năm 2011 của công ty này có thể chỉ đạt 10% kế hoạch cả năm, một kết quả xấu hơn mọi dự báo. Trong lúc này, dù là CTCK có tiềm lực tài chính mạnh nhất nhì thị trường, nhưng công ty này đã phải cắt giảm rất nhiều chi phí để cầm cự qua thời gian khó. Năm 2012, nếu nền kinh tế vĩ mô không khởi sắc và TTCK không cải thiện về thanh khoản, con số CTCK ngưng hoạt động, thậm chí phá sản vì không thể cầm cự thêm nữa có thể đến trên 50%.

Nhưng ở một góc nhìn của một nhà đầu tư nước ngoài, ông D.Hoang Quan (quốc tịch Mỹ), Chủ tịch Công ty A.I Capital cho rằng, bản chất của những chuyển động trên TTCK không bao giờ là bình thường, trong mọi giai đoạn, hoặc thị trường là quá "nóng", hoặc thị trường là quá "lạnh". Ông tin rằng, chính việc Chính phủ có bộ máy mới, với những con người mới đang điều hành nền kinh tế, sẽ là động lực lớn nhất cho sự thay đổi mang tính tích cực của kinh tế Việt Nam trong 1 - 2 năm tiếp theo.

Là một công ty tư vấn M&A và tư vấn đầu tư quốc tế, A.I Capital luôn nhìn TTCK Việt Nam trong tương quan với TTCK thế giới. Như lúc này, TTCK Việt Nam đang có các chỉ tiêu tài chính ở mức rất rẻ so với nhiều TTCK khu vực khi chỉ số P/E cả thị trường chỉ còn khoảng 6 lần, còn chỉ số này của 50 DN có vốn hóa lớn nhất chỉ còn 10 lần. Nhà đầu tư nước ngoài từng định giá các DN lớn tại TTCK Việt Nam ở mức P/E là 25 lần, thậm chí hơn thế khi có những tổ chức tài chính quốc tế từng mua cổ phiếu ACB ở giá 180.000 đồng/CP, Sacombank ở giá 120.000 đồng/CP. Dù nay tất cả đã đảo lộn, nhưng "khi tất cả đều thua lỗ và chán chường chính là lúc dòng tiền thông minh nên tìm đến Việt Nam", D.Hoang Quan nói.

Thống kê mới nhất từ CTCK Bản Việt cho biết, Việt Nam vẫn thu hút được vốn đầu tư nước ngoài chảy ròng vào những cổ phiếu lớn. Từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 109 triệu USD trên TTCK Việt Nam. Con số này, dù rất ít ỏi so với hàng tỷ USD mà TTCK Việt Nam thu hút được trong các năm trước đó, nhưng đó vẫn là một điểm sáng, một tia hy vọng cho khả năng phục hồi.

Chưa biết khối CTCK có thể cầm cự đến bao giờ, nhưng hy vọng, với các CTCK đang "thắt lưng buộc bụng" để giữ mình qua giai đoạn gian khó, nỗ lực của họ rồi sẽ được bù đắp. TTCK vốn không có quy luật, chỉ có một điều luôn đúng là diễn biến của thị trường theo một chu kỳ hình sin, hết lên sẽ đến xuống, hết xuống rồi sẽ lên.