‘Cán bộ thuế có thái độ của kẻ… bề trên’

(ĐTCK) “Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế vừa phê duyệt đề án ‘Đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế đối với sự phục vụ của cơ quan thuế’.Tôi nói thật, chừng nào cán bộ thuế đến làm việc với DN vẫn còn thái độ của kẻ… bề trên, hạch sách như hiện nay, thì còn lâu DN, người nộp thuế mới hài lòng với sự phục vụ của cơ quan thuế…”.
Luật gia Vũ Xuân Tiền

Luật gia Vũ Xuân Tiền

Luật gia Vũ Xuân Tiền, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Tư vấn VFAM Việt Nam, người có nhiều kinh nghiệm về tư vấn thuế trao đổi với ĐTCK.

Theo Đề án, Tổng cục Thuế phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hoặc đơn vị tư vấn độc lập có kinh nghiệm trong điều tra xã hội học để tổ chức khảo sát, đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế đối với sự phục vụ của cơ quan thuế. Ông có cho rằng, nếu việc tổ chức khảo sát không trung thực, khách quan, sẽ cho kết quả không tin cậy?

Gần đây khi Bộ Nội vụ công bố có tới hơn 80% người dân được hỏi đã trả lời họ hài lòng với dịch vụ hành chính công, đã khiến nhiều người giật mình, bởi nghi ngờ tính chính xác của con số này. Kết quả điều tra xã hội học chỉ phản ánh chính xác, khách quan vấn đề cần tìm câu trả lời khi bộ câu hỏi khảo sát được thiết kế khoa học, đặc biệt là đối tượng được hỏi phải thực sự khách quan, chứ không phải là “chân gỗ” được cài cắm, thậm chí trả tiền cho người tham gia trả lời phiếu điều tra để lái kết quả điều tra theo hướng “làm đẹp” cho ngành của mình.

Nếu triển khai Đề án không thực sự cầu thị, khách quan, không khéo Đề án của ngành thuế chỉ mang tính hình thức, sẽ mang lại tác dụng ngược: con số điều tra thiếu khách quan, trung thực, sẽ được mang ra minh họa cho sự hài lòng cao của người nộp thuế đối với cơ quan thuế, trong khi trên thực tế, không những người nộp thuế không hài lòng, mà còn có nhiều bức xúc. Cơ quan thuế muốn nhận được sự hài lòng từ người nộp thuế, cách tốt nhất là cần tiến hành những cải cách cụ thể, thiết thực, giải tỏa rất nhiều bức xúc hiện tại của người nộp thuế. 

Đó là những bức xúc gì, thưa ông?

Một trong những bức xúc nhất hiện nay của DN, người nộp thuế là thái độ bề trên, hạch sách của cán bộ thuế khi đến làm việc với DN. Theo chia sẻ của nhiều lãnh đạo DN, cái khổ của chính sách thuế không rõ ràng chỉ là một phần, khổ hơn là phải tìm cách ứng phó với cán bộ thuế.

Nhiều sai phạm của DN, người nộp thuế là do chưa hiểu quy định pháp lý 

Nói như ông thì DN cũng có lỗi, bởi nếu không sai phạm, cớ gì DN phải tìm cách đối phó với cán bộ thuế?

Nói DN không sai thì không đúng. Không ít trường hợp DN có sai. Làm kinh doanh không ai dám nói mạnh luôn “nắm tay từ sáng đến tối”. Tuy nhiên, có sai phạm là do cố ý trốn thuế, nhưng có những cái sai thuộc về kỹ thuật, chưa hiểu quy định pháp lý. Nếu cán bộ thuế thực sự là người phục vụ DN, làm việc vô tư, công tâm, thì hoàn toàn có thể phân định được đâu là vi phạm do cố ý, đâu là vi phạm do vô tình. Chỉ cần DN viết hóa đơn thiếu vài chi tiết nhỏ, mà cán bộ thuế mượn cớ hạch sách, xử phạt, thì sao có thể nói là cán bộ thuế khó phân biệt đâu là lỗi cố ý hay vô tình?

Khi chủ trì phiên họp của Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cán bộ, công chức phải biết “4 xin” đối với người dân là xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn và xin phép. Chừng nào cán bộ thuế thực hiện được “4 xin” này, thì mới có thể làm hài lòng người nộp thuế, DN…

Ngoài chưa hài lòng với thái độ hạch sách của cán bộ thuế, còn “điểm nóng” nào khác mà các DN đang bức xúc, thưa ông?

Đó là sự không rõ ràng, chồng chéo của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về thuế. Các DN đang rơi vào ma trận văn bản chính sách thuế, khi mới đây sau khi Quốc hội thông qua một luật sửa nhiều luật thuế, sắp tới sẽ là một nghị định thay thế nhiều nghị định, một thông tư thay thế nhiều thông tư. Đó là chưa kể sẽ còn hệ thống công văn chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ thuế… Tình trạng này khiến cho các quy định về thuế đang rối như canh hẹ, khiến DN rất khó cập nhật, tuân thủ đúng các quy định.

Nếu Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế không sớm ban hành các văn bản hợp nhất, mà buộc các DN phải đối chiếu từng câu, chữ giữa rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thì chẳng khác nào… đánh đố DN. Khi chính sách thuế vẫn thiếu rõ ràng, dẫn đến một tình huống mà có lúc cơ quan thuế bảo đúng, lúc khác lại nói sai, thì còn khoảng cách rất xa nữa cơ quan thuế mới làm hài lòng người nộp thuế. Có lẽ trước khi nghĩ đến mục tiêu có phần xa vời này, cơ quan thuế nên đặt mục tiêu thiết thực và khả thi hơn, đó là không “hành” người nộp thuế.

Tin bài liên quan