Các địa phương như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng phải theo dõi chặt diễn biến xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc dịp trước và sau Tết Nguyên đán.

Các địa phương như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng phải theo dõi chặt diễn biến xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc dịp trước và sau Tết Nguyên đán.

Cần theo dõi diễn biến xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc trước và sau Tết Nguyên đán

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu sang Trung Quốc cần theo dõi diễn biến xuất khẩu, tránh tình trạng ùn ứ nông sản cục bộ tại cửa khẩu biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng dịp cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa có công văn gửi các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, thực phẩm và trái cây sang thị trường Trung Quốc về việc theo dõi diễn biến xuất khẩu, tránh tình trạng ùn ứ nông sản cục bộ tại cửa khẩu biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Cao Bằng dịp cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán.

Theo chu kỳ, hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc qua các tỉnh biên giới phía Bắc vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán hàng năm thường rất sôi động, trong đó có các mặt hàng nông sản, thực phẩm và trái cây. Hiện nay, đã bắt đầu vào thời điểm cận kề Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, lưu lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giữa hai nước đã sôi động hơn.

Trung Quốc là thị trường tiêu thụ nông, thủy sản lớn nhất của Việt Nam, chiếm bình quân khoảng 27% tổng kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam ra thế giới. Trong đó, có nhiều mặt hàng đạt kim ngạch lớn như rau quả, hạt điều, cà phê, gạo, sắn và các sản phẩm từ sắn, cao su, thủy sản.   

Để thúc đẩy giao thương hàng hóa xuất khẩu, Cục Xuất nhập khẩu đã trao đổi, làm việc với Sở Công thương các tỉnh biên giới phía Bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Lào Cai, Quảng Ninh, Điện Biên, Lai Châu và Hà Giang.

Theo đó đề nghị theo dõi sát tình hình và cập nhật, đưa thông tin công khai, thường xuyên về diễn biến thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và nông sản, thực phẩm, trái cây nói riêng qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh để các địa phương vùng trồng trọng điểm, doanh nghiệp và hộ nông dân nắm bắt thông tin, kịp thời chủ động kế hoạch giao nhận hàng hóa.

Các địa phương chủ động các công tác điều phối hoạt động xuất khẩu nông sản, trái cây trong thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020 (như điều tiết phương tiện, phân luồng giao thông, trao đổi với phía Trung Quốc để tăng thời gian làm việc, bố trí cơ sở vật chất và nhân lực trong việc cấp C/O ưu đãi nhằm tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp, có thể sắp xếp làm thêm giờ, kể cả ngày nghỉ trong trường hợp cần thiết…).

Theo ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, để điều tiết kịp thời, góp phần hạn chế tối đa tình trạng ùn ứ có thể xảy ra tại khu vực biên giới vào dịp cao điểm, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp và hộ nông dân, các Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các Hiệp hội ngành hàng cần thường xuyên rà soát công tác sản xuất, điều chỉnh canh tác thời vụ (diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng…) cho phù hợp để nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, điều tiết nguồn cung sản phẩm nông sản hợp lý, trước mắt là trong vụ Xuân - Hè và vụ Thu - Đông năm 2020.

Các cơ quan nói trên phải chủ động theo dõi tình hình giao dịch mua bán trong nước, ngoài nước của các doanh nghiệp trên địa bàn đối với nông thủy sản, trái cây trong mùa vụ năm 2020; phối hợp chặt chẽ với các các Bộ, ngành, địa phương liên quan theo dõi sát tình hình để kịp thời điều tiết lượng hàng hóa nông sản, trái cây lưu thông qua các tỉnh biên giới phù hợp với điều kiện, năng lực thông quan thực tế tại các cửa khẩu.

Bộ Công thương hiện cũng đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải tổ chức phân luồng ở khu vực biên giới, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các hạ tầng logistics như kho lạnh ở Trà Lĩnh (Cao Bằng), khu trung chuyển ở Lạng Sơn, trung tâm logistics ở Bắc Giang; đồng thời vận động các cơ quan chức năng, chính quyền các địa phương phía Trung Quốc (đặc biệt là Quảng Tây, Vân Nam) mở thêm các cửa khẩu chỉ định nhập khẩu nông sản, trái cây tại khu vực biên giới.

Về mặt lâu dài, theo ông Trần Quốc Toản, để duy trì thị phần và mở rộng thị trường Trung Quốc, trong thời gian tới, các doanh nghiệp cần phải nâng cao nhận thức về tính đoàn kết, điều phối, hài hòa lợi ích để hỗ trợ giải quyết có hiệu quả tình trạng ép giá, ép cấp trong thương mại nông, thủy sản qua biên giới với doanh nghiệp Trung Quốc.

Theo thống kê của Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu nông, thủy sản trong 11 tháng năm 2019 sang Trung Quốc đạt 6,31 tỷ USD.

Tin bài liên quan