CPI tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng rất cao, thậm chí là cao nhất trong vòng 7 năm gần đây.

CPI tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng rất cao, thậm chí là cao nhất trong vòng 7 năm gần đây.

Cần theo sát diễn biến thị trường để kiểm soát lạm phát

Dù chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2/2020 giảm 0,17% so với tháng trước đó, sau khi tăng 1,23% trong tháng 1/2020 (so với tháng 12/2019), song diễn biến giá cả thị trường cho thấy, không thể không cẩn trọng với lạm phát.

Thực tế, việc CPI tháng 2 giảm so với tháng trước là điều dễ hiểu, bởi đây là tháng sau Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng hàng hóa đã giảm “nhiệt”, nên nhiều mặt hàng dần trở về mặt bằng giá trước Tết. Thêm vào đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhu cầu sử dụng các dịch vụ du lịch, khách sạn, vui chơi giải trí giảm mạnh, cộng thêm việc giá xăng dầu được điều chỉnh giảm trong tháng, nên CPI tháng 2 đã giảm so với tháng trước.

Mặc dù vậy, CPI tháng 2 và bình quân 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước vẫn tăng rất cao, thậm chí là cao nhất trong vòng 7 năm gần đây. Cụ thể, CPI bình quân 2 tháng đầu năm 2020 đã tăng 5,91% so với bình quân cùng kỳ năm 2019; còn CPI tháng 2/2020 tăng 1,06% so với tháng 12/2019 và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm trước.

CPI bình quân chính là chỉ số được lấy để “đong đếm” lạm phát của Việt Nam. Mục tiêu kiểm soát lạm phát của Việt Nam năm 2020 được quyết nghị ở mức dưới 4%, song trong 2 tháng đầu năm, lạm phát đã ở mức 5,91%.

Trên thực tế, ngay từ đầu năm, nhiều chuyên gia kinh tế đã cảnh báo rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay là một thách thức lớn và phải nỗ lực rất lớn mới có thể đạt được mục tiêu này. Tình hình đã có nhiều thay đổi sau khi dịch Covid-19 bùng phát. Có thể, trước mắt, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng, vui chơi, giải trí tăng chậm lại, thậm chí là giảm sút, sẽ kéo tốc độ tăng CPI xuống thấp.

Tuy nhiên, nếu dịch bệnh kéo dài và tác động mạnh tới sản xuất - kinh doanh, tới nguồn cung của thị trường, thì rất dễ dẫn tới mất cân bằng cung - cầu hàng hóa. Điều này có thể tác động tới CPI, tới mục tiêu kiểm soát lạm phát trong năm nay. Đó cũng là điều đã được cảnh báo từ lâu.

Báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã từng vạch ra hai kịch bản đối với tốc độ tăng CPI của Việt Nam. Theo đó, kịch bản I, nếu dịch Covid-19 kết thúc trong quý I/2020, CPI tháng 2 và tháng 3/2020 giảm so với tháng trước; giá xăng dầu, giá gas không tăng so với năm 2019, thì CPI bình quân năm 2020 sẽ tăng 3,96% so với năm 2019.

Còn ở kịch bản 2, nếu dịch bệnh kéo dài thêm, giá thực phẩm tăng, giá nguyên vật liệu đầu vào một số ngành sản xuất tăng, giá xăng dầu tăng trở lại, cộng thêm yếu tố thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn…, thì CPI bình quân năm 2020 có thể tăng tới 4,86% so với năm ngoái.

Điều này cho thấy, diễn biến lạm phát của Việt Nam năm 2020 còn phức tạp, do vậy không thể lơ là trong điều hành. Ngoài việc theo dõi sát diễn biến thị trường để có giải pháp điều hành phù hợp, thì việc chưa vội tăng giá điện, chưa vội tăng giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý cũng được cho là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Giải pháp này không chỉ có ý nghĩa đối với mục tiêu kiểm soát lạm phát, mà còn góp phần không nhỏ giúp giảm chi phí đầu vào, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp, qua đó, thúc đẩy sản xuất và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 được cho là tác động khá lớn tới kinh tế - xã hội Việt Nam.

Tin bài liên quan