Cẩn trọng với lách trần huy động lãi suất

(ĐTCK-online) Mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiên quyết khống chế lãi suất huy động VND là 14% nhưng bất chấp khả năng có thể bị xử phạt, các ngân hàng vẫn tìm ra rất nhiều cách để lách trần lãi suất nhằm giữ chân khách hàng. Tuy nhiên, hệ lụy của những chiêu thức này không chỉ với bản thân ngân hàng mà người gửi tiền cũng cần thận trọng.

Bài 1: Các chiêu thức lách luật

Trong tháng 6, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Hà Nội tăng 1,21% so với tháng trước và CPI của Thủ đô đã tăng 12,94% so với đầu năm. Con số này trong tháng 6 của TP. HCM được công bố ở mức 0,69% và sau 6 tháng đầu năm, CPI tại TP. HCM đã tăng 11,54%. Dự báo, lạm phát cả nước trong tháng 6 sẽ tăng khoảng 20,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo các chuyên gia kinh tế, các con số trên cho thấy, lạm phát có dấu hiệu giảm tốc, nhưng kỳ vọng lạm phát từ này đến cuối năm là không thể xem thường. Rõ ràng, với kỳ vọng lạm phát còn cao, người gửi tiền sẽ kỳ vọng lãi suất trả tương xứng để phần lợi nhuận được hưởng sẽ thực dương. Do vậy, không có gì ngạc nhiên khi người dân không chấp nhận mức lãi suất huy động 14%/năm như hiện nay và tiếp tục mặc cả lãi suất với ngân hàng dao động trong khoảng 17 - 20%/năm. Điều đáng nói là các ngân hàng cũng chấp thuận “đề nghị” này của khác hàng. Như vậy, Công văn số 4605/NHNN-CSTT của NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng phải thực hiện đúng quy định về mức lãi suất huy động tối đa bằng VND là 14%/năm tại Thông tư số 02/2011/TT-NHNN ngày 3/3/2011 vô tình bị vô hiệu hoá.

Vốn có hơn 1 tỷ đồng tiền tiết kiệm tại Ngân hàng H, chị Nguyễn Thị Ánh ở Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội được nhân viên một ngân hàng khác giới thiệu mức lãi suất khá hấp dẫn 19%/năm. So với mức lãi suất 14%/năm tại ngân hàng cũ thì cách xa rất nhiều nên chị Ánh đã quyết định chuyển tiền sang gửi ở ngân hàng mới với kỳ hạn 3 tháng. Nhân viên ở đây ký giấy đảm bảo sẽ trả lãi suất theo thoả thuận cho khách hàng, còn trong sổ tiết kiệm vẫn ghi lãi suất huy động là 14%/năm. Trong khi đó, tại Ngân hàng M, khách hàng sẽ được ngân hàng lập một tài khoản đồng thời cam kết chuyển phần lãi chênh lệch vào tài khoản đó khi đáo hạn sổ tiết kiệm.

Hay một hình thức phức tạp hơn như Ngân hàng V đề nghị khách hàng ký hợp đồng uỷ thác đầu tư. Theo đó, bên uỷ thác là khách hàng được gọi là bên A, còn bên nhận uỷ thác là ngân hàng được gọi là bên B. Lợi suất uỷ thác bên B cam kết trả cho bên A bằng 19%/năm trong thời hạn uỷ thác. Lợi suất uỷ thác này được áp dụng trong suốt thời hạn uỷ thác, trừ khi có quy định khác được hai bên thống nhất bằng văn bản. Phí uỷ thác của hợp đồng này bằng 0% số tiền uỷ thác trong thời hạn uỷ thác. Trong mọi trường hợp, bên A không phải thanh toán trước phí uỷ thác.

Số tiền mà bên A được hưởng từ hoạt động uỷ thác theo hợp đồng uỷ thác này được tính theo công thức: lợi tức thuần được nhận = lợi tức uỷ thác - phí uỷ thác = số tiền uỷ thác x (lợi suất uỷ thác - phí uỷ thác) x số ngày uỷ thác/360 ngày. Tại ngày kết thúc hợp đồng uỷ thác, thu nhập của bên A sẽ được bên B khấu trừ thuế thu nhập theo luật định. Theo đó, bên B thông báo cho bên A về số tiền thuế và tổng số tiền thực nhận mà không tính thêm bất kỳ chi phí nào.