Căng thẳng ở Biển Đỏ: Bám sát tình hình, có kịch bản điều hành phù hợp

0:00 / 0:00
0:00
Lo ngại cú sốc mới phát sinh từ tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ sẽ làm khó kế hoạch phục hồi của doanh nghiệp xuất khẩu, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh khuyến nghị điều hành vĩ mô theo hướng bám sát tình hình để có kịch bản phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp giảm nhẹ tác động bất lợi.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh

Thưa ông, căng thẳng ở Biển Đỏ khiến giá cước vận chuyển sang Mỹ và châu Âu tăng đột biến. Các doanh nghiệp lại lo ngại về khả năng hồi phục xuất khẩu, khi cầu thị trường vẫn chưa trở lại.

Đây là một cú sốc không mong muốn, tác động là tiêu cực, không chỉ Việt Nam, mà các nước trên thế giới đều phải đối mặt.

Thứ nhất, là đứt gãy chuỗi cung. Do chi phí vận chuyển cao hơn, khả năng cung ứng, khả năng xuất khẩu, cộng với quá trình hồi phục kinh tế thế giới còn rất chậm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng lưu thông hàng hóa, khả năng tăng được giá trị thương mại.

Ví dụ, xuất khẩu Việt Nam khó có thể được đẩy lên mức mà chúng ta kỳ vọng, thậm chí có thể là suy giảm và tác động xấu.

Thứ hai, giá hàng hóa tăng lên, tác động bất lợi tới nỗ lực chống lạm phát của nhiều quốc gia, có thể kéo theo tình trạng lãi suất neo cao, thậm chí kéo dài.

Thứ ba, xung đột ở Biển Đỏ là biểu hiện của xung khắc, đối đầu về địa chính trị. Quá trình này nếu khó kiểm soát và diễn biến nghiêm trọng hơn, thì nguy cơ phân mảnh kinh tế trên thế giới sẽ mạnh mẽ hơn. Nền kinh tế phân mảnh không chỉ tác động tới chuỗi cung ứng lớn, mà về tổng thể, sẽ khiến phân bổ nguồn lực kém hiệu quả đi rất nhiều.

Nếu tình hình kéo dài, theo ông, doanh nghiệp và các cơ quan chức năng cần phải làm gì?

Trong bối cảnh thế giới như vậy, xuất nhập khẩu thương mại, đặc biệt là xuất khẩu chắc chắn vẫn rất khó khăn. Vì thế phải tận dụng cơ hội và giảm thiểu những rủi ro và tác động xấu từ những cú sốc xảy ra. Những việc này chúng ta đã làm, nhưng bây giờ phải quyết liệt hơn, phải làm tốt hơn.

Một là, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế. Như vậy, các việc đang làm và cần tiếp tục là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lành mạnh hóa hệ thống tài chính, ngân hàng, bất động sản… Cũng cần tiến hành tiếp các chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, xem đó tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế…

Hai là, thực hiện những giải pháp để kích cầu, gắn với thị trường trong nước. Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi, với các giải pháp mạnh mẽ hơn trong năm nay.

Ba là, chuẩn bị những nền tảng để phát triển. Điểm khác biệt của đợt khủng hoảng kinh tế thế giới lần này là trong khi khó khăn liên tục xuất hiện, thì dư luận vẫn nói đến những cơ hội, từ phát triển xanh, chuyển đổi số, chuyển dịch chuỗi cung ứng.

Tất nhiên, thách thức cũng lớn không kém từ cuộc tái cấu trúc nền kinh tế thế giới, đòi hỏi chúng ta phải có thể chế tốt để thu hút, khơi thông các nguồn lực.

Tôi cũng muốn nhấn mạnh tới một chuyển biến tích cực trong vài năm nay của Việt Nam, đó là hạ tầng. Tuy nhiên, trong cấu trúc phát triển mới của kinh tế thế giới, hạ tầng không chỉ là cao tốc, đường sá, hay phương thức vận chuyển, mà còn là hạ tầng số, logicstics.

Rõ ràng, đi cùng với các giải pháp luôn là đòi hỏi thực thi, thưa ông?

Thực thi quyết liệt, phản ứng nhanh gắn với những kịch bản, công cụ được dự liệu thận trọng, bám sát tình hình để quyết liệt trong điều hành và ứng xử. Đây là điều tôi đặt kỳ vọng vào điều hành kinh tế trong năm nay.

Cũng phải nhắc tới sự phối hợp giữa Quốc hội và Chính phủ, giữa các bộ, ngành, địa phương và sự có mặt của các tổ công tác của Chính phủ để giải quyết những vướng mắc trong thời gian qua. Đây là cách ứng xử phù hợp để phản ứng lại trước những cú sốc, nhất là các cú sốc tiêu cực đối với nền kinh tế.

Điều đáng nói là cách điều hành linh hoạt, kịp thời sẽ củng cố niềm tin của doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất - kinh doanh. Đây cũng là giải pháp chặn đà đi xuống của thương mại, xuất khẩu.

Như vậy, nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh phải được tiếp tục, nhưng không chỉ cho sản xuất - kinh doanh, mà còn cho dịch chuyển chuỗi cung ứng.

Tin bài liên quan