Canh mua đón sóng tăng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index vừa có 2 phiên điều chỉnh, xuống 1.120,18 điểm. Vùng giá tiềm năng cho lực cầu xuất hiện là 1.090 - 1.100 điểm

Nhịp điều chỉnh kỹ thuật

VN-Index tăng điểm liên tục 7 phiên liên tiếp từ ngày 20/6/2023, nhưng càng tiến gần đến mức kháng cự quanh 1.150 điểm, biên độ tăng hẹp lại. Theo phân tích kỹ thuật, đuôi nến của mỗi phiên dài và thân nến ngắn hẹp cho thấy sự giằng co giữa bên mua và bán ngày càng tăng. Mặt khác, các tín hiệu suy yếu của xu hướng tăng dần xuất hiện trong tuần qua. Cụ thể, chỉ báo sức mạnh tương đối RSI xuất hiện phân kỳ âm với giá tại vùng quá mua, còn khối lượng giao dịch có chiều hướng giảm dần trong khi giá vẫn tăng, thể hiện khối lượng chưa ủng hộ cho đà tăng vững chắc.

VN-Index đang có vùng hỗ trợ 1.090 - 1.100 điểm.

VN-Index đang có vùng hỗ trợ 1.090 - 1.100 điểm.

Do đó, phiên 29/6, lực bán chốt lời áp đảo lực cầu, dẫn đến VN-Index điều chỉnh giảm gần 13 điểm và phiên sau đó giảm thêm hơn 5 điểm, đóng cửa tuần qua tại 1.120,18 điểm. Chỉ số hiện có vùng hỗ trợ 1.090 - 1.100 điểm, đây là vùng giá tiềm năng cho lực cầu xuất hiện. Nếu thị trường tiếp tục có các phiên đảo chiều nhanh, mạnh, nhà đầu tư nên giữ vững tâm lý giao dịch, tự tin canh mua các cổ phiếu tốt, đón sóng tăng trở lại.

Dòng tiền xoay chuyển

Thanh khoản có chiều hướng suy giảm khi khối lượng giao dịch của các phiên trong tuần qua đều thấp hơn so với trung bình 20 ngày đang ở quanh mức 830 triệu cổ phiếu/phiên. Nhóm nhà đầu tư nước ngoài có sự xoay chuyển hoạt động mua bán khi quay lại mua ròng trong 4 phiên giao dịch liên tiếp so với hoạt động bán ròng phiên đầu tuần. Nhóm nhà đầu tư cá nhân vẫn tham gia mua ròng mạnh, nhưng có sự trái ngược trong hành vi mua bán so với khối ngoại. Theo đó, nhà đầu tư cá nhân mua ròng nhóm bất động sản, ngân hàng và chứng khoán; bán ròng nhóm thép, sản phẩm thép.

Nông sản có triển vọng sáng

Theo Tổng cục Thống kê, hoạt động giao thương của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong tháng 6/2023, với mức giảm 11,4%, lũy kế 6 tháng đầu năm giảm hơn 12% so với cùng kỳ.

Mặc dù suy giảm ở các nhóm mặt hàng thường được coi là chủ lực như điện tử, điện thoại, máy móc thiết bị, nhưng mặt hàng nông sản lại tăng trưởng.

Trong bối cảnh thế giới có nỗi lo khủng hoảng lương thực vì thời tiết diễn biến không thuận lợi (Elnino, hạn hán ở châu Âu và Anh), tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine, cùng với áp lực nguồn cung bị hạn chế do chính sách kiểm soát xuất khẩu lương thực mới của Ấn Độ, các mặt hàng nông sản của Việt Nam, đặc biệt là gạo, chiếm ưu thế và đang dần gia tăng về khối lượng cũng như giá trị xuất khẩu.

Ước tính, trong nửa đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng 34,7% so với cùng kỳ, đạt hơn 2,3 tỷ USD. Bên cạnh đó, xuất khẩu rau củ quả tăng hơn 64% về giá trị, đạt hơn 2,7 tỷ USD.

Một yếu tố khác giúp xuất khẩu nông sản tăng mạnh là sự mở cửa trở lại của thị trường Trung Quốc, khi nơi này chiếm gần 64% lượng xuất khẩu hoa quả của Việt Nam, đạt 1,3 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm 2023, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Động lực thúc đẩy xuất khẩu từ Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tiếp diễn và mở rộng ảnh hưởng ra các mặt hàng nông sản khác như gạo, cà phê. Trung Quốc hiện đang giữ vị thế là quốc gia nhập khẩu gạo lớn thứ hai của Việt Nam, sau Philippines.

Kafi cho rằng, xuất khẩu nông sản của Việt Nam sẽ tăng trưởng ổn định trong nửa cuối năm 2023, bởi nhu cầu lương thực, thực phẩm không chịu ảnh hưởng nhiều từ bức tranh vĩ mô hiện tại của kinh tế thế giới, trong khi thị trường nhập khẩu nông sản lớn nhất là Trung Quốc đã mở cửa trở lại sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Kafi kỳ vọng vào mảng xuất khẩu lúa gạo, khi nhóm hàng này có thể tăng trưởng tốt về khối lượng xuất khẩu và giá bán.

Tin bài liên quan