Cao su Phước Hoà (PHR) đưa ra 2 phương án hợp tác và đền bù phát triển dự án Khu công nghiệp VSIP III

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) CTCP Cao su Phước Hoà (mã PHR) thông qua kế hoạch kinh doanh trong quý III/2022.
Cao su Phước Hoà (PHR) đưa ra 2 phương án hợp tác và đền bù phát triển dự án Khu công nghiệp VSIP III

Theo đó, trong quý III/2022, Cao su Phước Hoà đặt kế hoạch tổng doanh thu công ty mẹ là 492,42 tỷ đồng, bằng 21,85% kế hoạch năm và lợi nhuận trước thuế là 220 tỷ đồng, bằng 24,47% kế hoạch năm.

Công ty cho biết về triển vọng quý III và 6 tháng cuối năm, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được từ 6 tháng đầu năm thì giá cả vật tư, nhiên liệu, phân bón đều tăng, trong khi giá bán cao su lại giảm, tình hình thiếu lao động khai thác mủ, tiền thuê đất cao sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất trong năm 2022.

Một nội dung đáng chú ý, Công ty vừa thống nhất trình Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (mã GVR) xem xét thỏa thuận giá khởi điểm và phương thức bán cao su thanh lý để bàn giao đất về địa phương thực hiện dự án Khu công nghiệp VSIP III – đợt 2.

Trong đó, 2 phương án hợp tác với Công ty VSIP bao gồm phương án 1, do không thành lập liên doanh nên kiến nghị GVR cho phép Cao su Phước Hòa nhận tiền đền bù hỗ trợ tối thiểu 2,5 tỷ đồng/ha và chia ra nhiều đợt theo tiến độ triển khai của dự án và bàn giao đất.

Phương án 2, thống nhất trình GVR về thực hiện hợp đồng hợp tác kinh doanh và tỷ lệ góp vốn của Cao su Phước Hòa là 20% vốn chủ sở hữu đầu tư vào dự án.

Được biết, dự án xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III (VSIP III) có quy mô 1.000 ha, được đầu tư xây dựng tại xã Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Thời hạn thực hiện dự án là 50 năm với tổng vốn đầu tư 6.407 tỷ đồng. Khu công nghiệp VSIP III được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương đầu tư vào tháng 11/2016.

Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý II/2022, Cao su Phước Hoà ghi nhận doanh thu hợp nhất đạt 241,35 tỷ đồng, giảm 49,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 54,8 tỷ đồng, giảm 32,6% so với cùng kỳ năm trước. Biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 14,1% lên 16,7%.

Trong kỳ, lợi nhuận gộp giảm 40,2% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 27,12 tỷ đồng về 40,27 tỷ đồng; doanh thu tài chính giảm 18,4%, tương ứng giảm 7,03 tỷ đồng về 31,25 tỷ đồng; lãi công ty liên doanh, liên kết tăng 40,9%, tương ứng tăng thêm 6,87 tỷ đồng lên 23,67 tỷ đồng; chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng 10,3%, tương ứng tăng thêm 2,51 tỷ đồng lên 26,98 tỷ đồng; lợi nhuận khác giảm 85,1%, tương ứng giảm 7,16 tỷ đồng về 1,25 tỷ đồng và các hoạt động khác biến động không đáng kể.

Luỹ kế trong 6 tháng đầu năm, Công ty ghi nhận doanh thu đạt 606,89 tỷ đồng, giảm 19,9% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế đạt 353,87 tỷ đồng, tăng 108,5% so với cùng kỳ năm trước.

Được biết, trong 6 tháng đầu năm mặc dù lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 22,7% so với cùng kỳ, tương ứng giảm 41,9 tỷ đồng về 142,6 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn tăng 108,5% lên 353,87 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu do trong kỳ, Công ty ghi nhận thu nhập khác là 293,7 tỷ đồng (tăng thêm 279,2 tỷ đồng so với cùng kỳ).

Theo thuyết minh Báo cáo tài chính, trong quý I/2022, Công ty ghi nhận thu tiền bồi thường thực hiện dự án khu công nghiệp là 289,4 tỷ đồng so với cùng kỳ không ghi nhận, đây là tiền bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khi bàn giao đất thực hiện Dự án Khu công nghiệp VSIP III. Như vậy, quý II/2022, Công ty không còn ghi nhận tiền bồi thường thực hiện dự án khu công nghiệp đột biến như quý I/2022.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 8/8, cổ phiếu PHR tăng 300 đồng lên 70.000 đồng/cổ phiếu.

Tin bài liên quan