"Cắt đại lý nhận lệnh tại CTCK là để bảo vệ lợi ích nhà đầu tư"

(ĐTCK) Trước khi đưa yêu cầu CTCK đóng cửa đại lý nhận lệnh (ĐLNL) vào dự thảo Quyết định 126/2008/QĐ-BTC trình Bộ Tài chính ban hành, UBCK đã cân nhắc rất kỹ và cũng lấy ý kiến từ các CTCK, Hiệp hội Kinh doanh chứng khoán. Tại sao UBCK lại yêu cầu như vậy?

Qua kiểm tra hoạt động ĐLNL của các CTCK, chúng tôi thấy tại một số nơi, CTCK kiểm soát ĐLNL rất lỏng lẻo. Theo Quyết định số 27/2007/QĐ-BTC về Quy chế tổ chức và hoạt động của CTCK, ĐLNL chỉ có chức năng nhận và chuyển lệnh của NĐT tới CTCK, nhưng nhiều đại lý đã thực hiện nhận tiền, chứng khoán của NĐT, thanh toán chi phí, cho phép NĐT rút tiền từ tài khoản…, chức năng không khác gì một phòng giao dịch. Những trường hợp ĐLNL vi phạm, chúng tôi đã chuyển Thanh tra Chứng khoán xem xét, xử lý. Điều đáng nói là những CTCK đó dù được nhắc nhở vẫn không chấn chỉnh. Đến thời điểm này, những vi phạm đó chưa dẫn tới hậu quả xấu đến tài sản của NĐT, song UBCK cần ngăn chặn trước để bảo vệ lợi ích NĐT, đồng thời cũng nhằm bảo vệ lợi ích của CTCK và tính an toàn của cả hệ thống. Tuy chưa có thống kê, song đánh giá sơ bộ cho thấy, hoạt động của các ĐLNL cũng không hẳn có hiệu quả cao; thắt chặt hoạt động này, CTCK nên tập trung cho hoạt động chính tại trụ sở, chi nhánh và phòng giao dịch.

TTCK nhiều nước trong khu vực không có hình thức ĐLNL, Luật Chứng khoán cũng không quy định cho phép hình thức này. Tại Việt Nam, ĐLNL được mở ra với mục đích tạo điều kiện cho cổ đông, NĐT ở những vùng xa trung tâm, trụ sở chi nhánh của các CTCK có thể giao dịch chứng khoán. Nay hình thức giao dịch trực tuyến đã phổ biến, hơn nữa các sở GDCK đang dần mở rộng giao dịch không sàn, giao dịch từ xa, mô hình ĐLNL không còn phù hợp nữa. Bên cạnh đó, CTCK có tới 1 năm để thực hiện quy định này.