Số hóa là kênh chính để phát triển hoạt động của OCB.

Số hóa là kênh chính để phát triển hoạt động của OCB.

Cầu vốn trở lại, cùng khách hàng vượt khó hậu Covid-19

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho rằng, tác động của dịch bệnh vào đời sống, kinh tế vẫn còn, nhưng mọi người đã dần làm quen với việc “sống chung” cùng Covid-19. Cầu vốn của khách hàng dần trở lại, song muốn tăng tín dụng, tăng thu ngoài lãi, ngân hàng phải tìm cách giúp khách hàng vượt qua khó khăn trong đời sống, hoạt động sản xuất - kinh doanh sau dịch.

Làn sóng Covid-19 thứ 4 tác động nặng nề lên nền kinh tế, sức khỏe doanh nghiệp và hoạt động tín dụng, làm thế nào để ngân hàng có thể vượt qua?

Trong năm qua, dịch Covid-19 tác động nặng nề lên nền kinh tế, nhất là khu vực TP.HCM. Sức khỏe các doanh nghiệp sụt giảm và hoạt động của ngành ngân hàng không nằm ngoài vòng xoáy đó, đặc biệt là với những ngân hàng như OCB khi có nhiều chi nhánh ở thành phố phải đóng cửa trong thời gian giãn cách xã hội ở quý III/2021. Tuy nhiên, kết thúc năm 2021, OCB vẫn hoàn thành các nhiệm vụ Đại hội đồng cổ đông đưa ra, do cầu vốn của khách hàng trở lại sau giãn cách xã hội.

Kể từ ngày 1/10/2021, hơn 26 chi nhánh, phòng giao dịch của OCB tại TP.HCM mới mở cửa trở lại sau thời gian dài giãn cách, nhưng kết quả đạt được của Ngân hàng rất tích cực trong quý cuối năm.

Lợi nhuận trước thuế cả năm 2021 ước đạt 5.523 tỷ đồng và nhờ có kế hoạch cơ cấu nợ ngay từ đầu năm nên tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức thấp, tính đến cuối năm chỉ là 1,07%.

Điều này thể hiện sự nỗ lực của Ngân hàng trong việc thu hồi nợ, song song với đẩy mạnh tái cơ cấu nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng chất lượng tài sản được kiểm soát tốt.

Liệu các khoản nợ tái cơ cấu, giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 có gia tăng và doanh nghiệp có khả năng trả nợ vay trước khi đến hạn tháng 6/2022?

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB).

Lượng hồ sơ xin tái cơ cấu nợ của ngân hàng chúng tôi bắt đầu giảm từ tháng 10/2021 và đặc biệt kể từ tháng 11/2021 có nhiều khách hàng được cơ cấu trả nợ đến tháng 6/2022, nhưng đã trả trước vào cuối năm 2021.

Điều này cho thấy chất lượng khách hàng của OCB rất tốt và khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau dịch ở mức cao. Nợ cơ cấu do ảnh hưởng bởi dịch bệnh của Ngân hàng vẫn trong tầm kiểm soát, chỉ chiếm khoảng 2% trên tổng dư nợ.

Các khoản nợ cơ cấu luôn là vấn đề mà các ngân hàng nói chung, OCB nói riêng phải lên kế hoạch rà soát, kiểm soát từ khi đại dịch xảy ra để có giải pháp phù hợp, đồng hành hỗ trợ cùng khách hàng vượt qua khó khăn tạm thời, qua đó hồi phục, đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, sớm trả được nợ vay.

Trong năm qua, OCB đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khách hàng cá nhân, doanh nghiệp như cơ cấu nợ phù hợp cho từng đối tượng: người lao động mất việc, miễn lãi 100% trong những tháng khách hàng gặp khó khăn vì dịch, nợ gốc thì cơ cấu lại. Năm 2021, ngân hàng chúng tôi cũng đã “hy sinh” lợi nhuận vài trăm tỷ đồng để giảm lãi suất và nhiều chính sách giảm phí khác dành cho khách hàng.

Theo ông, triển vọng của ngành ngân hàng năm 2022 có nhiều điểm sáng khi cầu tín dụng được cải thiện?

Kinh tế đang dần tăng trưởng sau khi làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 được kiểm soát nhờ độ phủ của vắc-xin. Tín dụng tăng trở lại trong quý cuối năm 2021 khi cầu vốn tăng, sức khỏe doanh nghiệp dần hồi phục, đẩy mạnh hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tín dụng ngành ngân hàng cả năm 2021 tăng 13,53%, riêng quý IV tăng 6,36%.

Tình hình đầu tư đang rất cao và Chính phủ có kế hoạch đưa ra các gói kích cầu tăng trưởng trong năm 2022. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ vướng mắc của các dự án... chắc chắn sẽ thúc đẩy tín dụng năm 2022.

Quý I năm nay, khả năng tín dụng sẽ tăng trưởng dương, thay vì thường tăng trưởng âm như giai đoạn trước khi đại dịch xảy ra.

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng đặt ra năm 2022 khoảng 13 - 14%. Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ cải thiện, nhất là khi mặt bằng lãi suất cho vay dự kiến được duy trì mức thấp.

Lợi nhuận của ngân hàng vẫn chủ yếu đến từ tín dụng. Theo ông, triển vọng thu ngoài lãi, nhất là kinh doanh bảo hiểm năm nay đóng góp ra sao vào lợi nhuận?

Trong năm qua, ngân hàng chúng tôi xây dựng mục tiêu tăng trưởng tín dụng 25%, nhưng cả năm chỉ được cấp hạn mức tín dụng 15%. Tuy nhiên, Ngân hàng vẫn đạt được các chỉ tiêu Đại hội đồng cổ đông đưa ra.

Nhờ sớm đẩy mạnh hoạt động số hóa, tăng thu ngoài lãi nên lợi nhuận của OCB không chỉ đến từ tín dụng, mà còn gia tăng mạnh từ mảng dịch vụ như tài trợ thương mại và thu từ phí dịch vụ, trong đó phải kể đến nguồn thu từ bảo hiểm (bán chéo sản phẩm) tính đến tháng 10/2021 đạt 271 tỷ đồng.

Triển vọng tăng trưởng mảng dịch vụ tại Việt Nam hiện còn rất lớn, nhất là bảo hiểm, vì đây là ngành có nhiều tiềm năng phát triển ở Việt Nam, không ít công ty bảo hiểm nước ngoài và cả trong nước đang muốn tham gia thị trường. Các sản phẩm bảo hiểm hiện nay rất đa dạng, vừa bảo hiểm, vừa đầu tư sinh lời, bán kèm sản phẩm tiền gửi...

Điều quan trọng nhất vẫn là các ngân hàng, công ty bảo hiểm phải cho khách hàng nhìn thấy được lợi ích của sản phẩm từ việc sáng tạo hơn trong xây dựng các sản phẩm bảo hiểm cũng như triển khai nhiều phương thức truyền thông đến khách hàng.

Ông có thể chia sẻ, OCB đặt kế hoạch kinh doanh năm 2022 ra sao và làm thế nào để đạt mục tiêu?

OCB dự kiến đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận 25 - 30%, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) trên 20%, duy trì mức cổ tức từ 20 - 25% cho cổ đông. Các mục tiêu này đang được Hội đồng quản trị cân nhắc trước khi trình cổ đông trong kỳ trong đại hội thường niên 2022 sắp tới.

Để hiện thực hóa các mục tiêu đưa ra cho năm nay, OCB sẽ bám sát vào khách hàng, lấy sự thỏa mãn của khách hàng là giải pháp quan trọng nhất nhằm tăng trưởng cho vay. Chẳng hạn, với sản phẩm cho vay mua nhà, trong năm qua, OCB thực hiện khảo sát hành trình khách hàng để xây dựng sản phẩm phù hợp. Chúng tôi đã cho ra mắt sản phẩm gói vay Ngôi nhà mơ ước - Dream Home.

Đây không đơn thuần là sản phẩm duyệt cấp tín dụng, mà chúng tôi sẽ theo suốt hành trình vay mua nhà của khách hàng từ khi có nhu cầu. Đầu tiên, họ tìm nhà thông qua một ứng dụng (app) của công ty bất động sản, app đó kết nối với OCB và khách hàng có thể kiểm tra ngay xem họ có thể vay hay không. Khách hàng sẽ được hướng dẫn thủ tục vay và tải lên ứng dụng của ngân hàng để gửi yêu cầu vay.

Ngân hàng sẽ thẩm định ngay trên app và phản hồi kết quả cho khách hàng. Sau đó, khách hàng chỉ cần đến ngân hàng ký và hoàn tất các thủ tục, cung cấp giấy tờ theo quy định để được vay; quá trình trả nợ cũng sẽ diễn ra trên app.

Như vậy, suốt hành trình của khách hàng, có cả 3 kênh tương tác để phục vụ bao gồm kênh đối tác, kênh truyền thống (CN/PGD), kênh ngân hàng số được liên kết và đồng nhất.

Số hóa không chỉ là vấn đề “sống còn”, nhất là trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, vậy làm thế nào để tăng sức cạnh tranh trước làn sóng này?

Tại OCB, năm 2021 vừa qua, ngân hàng chúng tôi có sự tăng trưởng ngân hàng số nổi bật và tính bằng lần. Cụ thể, số lượng người dùng OCB OMNI tăng 3 lần, lượng giao dịch tăng hơn 60% và eKYC tăng 15 lần so với năm 2020. OCB đã tập trung xây dựng chiến lược số hóa toàn diện cho các hoạt động ngân hàng từ rất sớm.

Với sự đồng hành của công ty tư vấn hàng đầu thế giới BCG, OCB tiếp tục bổ sung cho chiến lược đó và đặt ra mục tiêu số hóa là kênh chính để phát triển hoạt động của ngân hàng, qua đó giúp tăng trưởng khách hàng mới, mở rộng quy mô, tăng độ phủ tốt hơn và hướng đến kinh doanh ngày càng hiệu quả.

Năm 2022, tôi đánh giá đây là giai đoạn số hóa phát triển mạnh và OCB tiếp tục lộ trình số hóa toàn diện.

Về chiều dọc, OCB phục vụ khách hàng và tạo điều kiện cho nhân viên. Giai đoạn cơ bản, áp dụng số hóa để tối ưu hóa quy trình, sản phẩm; ở mức độ cao hơn là mở rộng phạm vi hoạt động, sản phẩm; ở mức cao hơn nữa là xây dựng mới các sản phẩm; cuối cùng là đột phá các giải pháp.

Còn về chiều ngang, tạo giao diện để kết nối với các nhà cung cấp, xây dựng các hệ sinh thái. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục chương trình số hóa quy trình nội bộ, phát triển ngân hàng số OCB OMNI thành siêu app về tài chính, triển khai ngân hàng mở Open API để kết nối với khách hàng lớn, doanh nghiệp như gói sản phẩm OCB Propay, xây dựng hệ sinh thái phục vụ sát nhu cầu khách hàng như Dream Home… Cách đi của Ngân hàng là “cá nhân hóa sản phẩm và các chính sách hỗ trợ” để phù hợp với từng đối tượng khách hàng.

Tin bài liên quan