Lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ tại các CTCK phổ biến ở mức 12,5%/năm

Lãi suất cho vay giao dịch ký quỹ tại các CTCK phổ biến ở mức 12,5%/năm

“Cây gậy” margin

(ĐTCK) Sử dụng nguồn hỗ trợ tài chính lâu dài và bền vững từ Ngân hàng X. với tỷ lệ hỗ trợ tín dụng lên tới 50% tổng giá trị chứng khoán đặt mua. Đó là thông tin được nhiều CTCK giới thiệu đến nhà đầu tư gần đây. Dòng vốn ngân hàng, ở khía cạnh nào đó, đang chủ động chảy vào TTCK.

“Phần nổi” 17.000 tỷ đồng

Dịch vụ tài chính từ đầu năm tới nay là một trong những sản phẩm được hầu hết CTCK quan tâm, trong đó bao gồm cả dịch vụ cho vay ký quỹ (margin) theo quy định của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) và dịch vụ hợp tác ba bên giữa ngân hàng - CTCK và nhà đầu tư.

Dù cung cấp đòn bẩy tài chính cho nhà đầu tư bằng vốn chủ sở hữu hay làm trung gian hưởng phí quản lý vốn vay cho ngân hàng, CTCK đa phần đều áp dụng các điều kiện về giao dịch ký quỹ theo quy định của UBCK với nhà đầu tư. Tuy vậy, sự cạnh tranh đang ngày một quyết liệt. Đơn cử, các CTCK rất để ý nhau ở lãi suất cho vay, mức phổ biến hiện nay là 12,5%/năm, sự chênh lệch về lãi vay giữa các công ty không đáng kể, từ 0,1 - 0,5%/năm.

Không chỉ cạnh tranh nhau ở lãi suất, các CTCK còn so găng rất kỹ ở danh mục các mã chứng khoán cho vay, thủ tục và hạn mức cho vay. Trước đây, cho vay chứng khoán thường có kỳ hạn ngắn, dài lắm cũng chỉ 2 - 3 tháng, nay thời hạn cho vay được kéo dài tới 12 tháng.

Trên thực tế, các ngân hàng đang thừa tiền và buộc phải tìm được các kênh đầu tư sinh lợi. Chứng khoán từ đầu năm đến nay là một lựa chọn khá an toàn và hấp dẫn. Lãnh đạo một ngân hàng cho hay, họ dành toàn bộ hạn mức gần 500 tỷ đồng cho CTCK ruột và hiện rất yên tâm về khoản cho vay này, thu lãi đều đặn, rủi ro ít xảy ra.

Tuy nhiên, “Kiểm soát nguồn margin?” là tiêu đề một bản tin của CTCK Bảo Việt (BVSC) đưa ra ngày 19/11 nhằm bình luận về khả năng điều chỉnh giảm mức trần cho vay hoạt động đầu tư chứng khoán từ phía các ngân hàng, cũng như những quy định chặt chẽ hơn về hoạt động này. Không chỉ có BVSC, trên thị trường vẫn ngầm coi rằng, cho vay hoạt động đầu tư chứng khoán từ phía các ngân hàng là margin.

Song theo một lãnh đạo UBCK, cơ quan này chỉ tính số dư margin từ vốn chủ sở hữu của các CTCK thực hiện nghiệp vụ này. Vốn ngân hàng cho nhà đầu tư vay, qua kênh CTCK, áp dụng theo các quy định về margin, không phải là margin.

Số dư margin tính đến đầu tháng 11/2014, theo thống kê của UBCK là 17.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính cả dòng vốn ngân hàng thông qua các CTCK cho nhà đầu tư vay để đổ vào thị trường, con số có thể cao hơn nhiều. 

Kiểm soát margin không khó

Khi các CTCK đều dành sự quan tâm cho dịch vụ này, liệu có xảy ra sự quá đà, ảnh hưởng rủi ro cho thị trường? Câu trả lời là không quá lo ngại, nhưng vẫn cần thận trọng. Hiện hàng tuần, CTCK đều phải báo cáo số dư margin về UBCK. Cũng không quá khó để cơ quan quản lý có thể nắm bắt được dòng vốn ngân hàng đẩy vào thị trường thông qua các hợp đồng hợp tác ba bên.

Thông thường, với mỗi sản phẩm hợp tác với ngân hàng, CTCK quy định nhà đầu tư sẽ thực hiện giao dịch trên một tiểu khoản có quy định và ký hiệu riêng. Khách hàng sử dụng dịch vụ phải ký hợp đồng với CTCK và ngân hàng. Nắm bắt được con số margin chính xác để có thông điệp cần thiết tới các CTCK và thị trường ở những thời điểm thích hợp, có lẽ cũng là biện pháp nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của thị trường.

Thực tế, những thông tin liên quan đến quy định về margin của UBCK, thông tin liên quan đến việc điều chỉnh giảm mức trần cho vay hoạt động đầu tư chứng khoán từ phía các ngân hàng, cũng như những quy định về hoạt động này luôn tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Tuy vậy, trải qua nhiều thăng trầm, TTCK đã vững vàng hơn rất nhiều, nhà đầu tư cũng tích lũy được nhiều kinh nghiệm và rất tỉnh táo trong sử dụng đòn bẩy tài chính. Trên nền tảng thị trường vững vàng hơn trước đây, những chính sách mới nêu trên sẽ không tác động quá lớn đến tâm lý nhà đầu tư và về bản chất, đều nhằm giúp thị trường phát triển bền vững hơn.

Về phía các CTCK, sau giai đoạn đầu của quá trình tái cấu trúc, nhiều CTCK đã bị đào thải, rời khỏi thị trường. Song sự khắc nghiệt và khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận trên thị trường cũng không hề giảm. Bên cạnh dịch vụ tài chính, các CTCK đang phải tìm ra những cách làm mới, chăm chút cho sản phẩm hiện hữu để giữ và thu hút nhiều nhà đầu tư gắn bó với mình. Kiếm tiền trên TTCK thực sự là hành trình không đơn giản.

Tin bài liên quan