CEO ngân hàng: Nguy hiểm... vừa vừa

(ĐTCK) Trong khi phải sa thải hàng loạt nhân viên để tiết giảm chi phí hoạt động trước điều kiện thị trường khó khăn, hiện không ít ngân hàng vẫn “đỏ mắt” tìm kiếm nhân sự cấp cao. Các vị trí CEO thay đổi tạo một hình ảnh “rủi ro”, nhưng thực tế: đã làm CEO thì sẽ tiếp tục làm CEO.
CEO ngân hàng: Nguy hiểm... vừa vừa

CEO ngân hàng chạy vòng quanh

Thời gian gần đây, khi làn sóng M&A trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng trổi dậy cũng là thời điểm các ngân hàng lần lượt thay giám đốc điều hành (CEO). Nhưng điều đáng nói là, CEO của các ngân hàng chạy vòng quanh. Eximbank là một điển hình, chỉ trong 7 tháng qua, Ngân hàng đã 3 lần thay CEO. Tương tự, VietA Bank cũng không dưới 2 lần thay CEO trong năm qua. Sắp tới đây, đến lượt một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ khác cũng thay “tướng”.

VIB đã trải qua 4 đời CEO trong vòng 2 năm. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2013, ngân hàng này thay đến 3 lần. Đầu tiên là bà Dương Thị Mai Hoa từ nhiệm vào tháng 1/2013. Sau đó, vào tháng 5/2013, bà Đàm Bích Thủy từ ANZ sang ngồi vào chiếc ghế CEO của Ngân hàng. Nhưng chỉ 4 tháng sau đó, bà Thủy cũng từ nhiệm và ông Hàn Ngọc Vũ, đang là Chủ tịch HĐQT, phải trở về vị trí Giám đốc điều hành.

Ở Techcombank, dù không thay đổi nhiều nhưng ngân hàng này được xem là đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm CEO thay thế. Vị trí CEO được chuyển giao từ ông Nguyễn Đức Vinh sang ông Simon Morris (người Anh). Đến tháng 8/2013, ông Morris cũng nhường lại chiếc ghế này cho ông Đỗ Tuấn Anh, một thành viên HĐQT của Ngân hàng.

Trên thị trường đang có thông tin một lãnh đạo của Eximbank sẽ về làm tổng giám đốc của VietBank, cho dù trong thời gian qua, ngân hàng này đã thay CEO. Trước đó, Navibank thay CEO và người đương nhiệm là bà Trần Hải Anh…

Có thể nói, làn sóng thay tướng của ngành ngân hàng đã và đang diễn ra rầm rộ kể từ sau mua ĐHCĐ năm nay. Tuy nhiên, điều đáng nói là, các CEO mới của ngân hàng này lại là người cũ của ngân hàng khác.

Navigos Search vừa công bố dữ liệu về nhu cầu tuyển dụng trong quý I/2014. Theo đó, có 5 ngành có nhu cầu tuyển dụng nhân sự cấp cao nhiều nhất, bao gồm sản xuất (chiếm 22%), ngân hàng, tài chính, bảo hiểm (gần 16%); công nghệ thông tin (7%); kỹ thuật và ngành hàng tiêu dùng (6%). Theo Navigos Search, trong quý II, các ngành ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, sản xuất, công nghệ thông tin có thể tiếp tục là những ngành nhận được nhiều yêu cầu tuyển dụng nhất. Nhưng nhân sự cấp cao trong lĩnh vực ngân hàng vẫn được cho là khan hiếm.

Một trong những lý do để thay thế CEO là khi kết quả kinh doanh không thỏa mãn được HĐQT và cổ đông. Tuy nhiên, trước diễn biến của thị trường với nhiều khó khăn và thách thức như hiện nay, không phải thuyền trưởng mới nào cũng có thể tạo được đột phá trong kinh doanh. Ngược lại, kết quả dưới sự điều hành của người mới có khi còn thấp hơn trước đó.

Lợi nhuận thấp, thù lao vẫn lớn

Việc thay CEO của các ngân hàng đều có một điểm chung là được thực hiện trong bối cảnh tình hình kinh doanh không mấy khả quan. Lợi nhuận trước thuế của Techcombank giảm 13,7% trong năm 2013, trong khi năm trước đó giảm tới 75,9%. Còn ở VIB, lợi nhuận trước thuế năm ngoái chỉ bằng khoảng 11,5% so với năm 2012. Tại Eximbank, lợi nhuận đạt được của năm 2013 giảm gần 50% so với năm trước đó và chỉ hoàn thành 28% kế hoạch. Trên thực tế, thay CEO cũng là chuyện bình thường khi kết quả kinh doanh không thỏa mãn được HĐQT, nhưng chính việc thay đổi liên tục lại khiến cho hoạt động của ngân hàng không ổn định và dẫn đến kết quả kinh doanh kém hơn.

Thế nhưng, thù lao (thưởng) của lãnh đạo cấp cao trong ngành ngân hàng vẫn là con số đáng mơ ước của nhiều người. Southern Bank là điển hình khi lợi nhuận đạt được năm qua chỉ 18 tỷ đồng trước thuế, nhưng thù lao HĐQT, Ban kiểm soát chiếm đến 14 tỷ đồng. Trong đó, chi cho HĐQT là 13,01 tỷ đồng và chi cho Ban kiểm soát là 1,16 tỷ đồng. HĐQT của Southern Bank hiện có 9 người, như vậy, trung bình mỗi thành viên trong năm 2013 lĩnh tới 1,44 tỷ đồng lương, thưởng.

Nhưng đó chưa phải là mức “khủng”. Tại ĐHCĐ của một ngân hàng vừa mới diễn ra, trả lời thắc mắc của cổ đông vể mức thù lao cao của các thành viên HĐQT, Ban kiểm soát, lãnh đạo nhà băng này thẳn thắn cho rằng, mức thù lao mà HĐQT đề nghị phê duyệt cho năm 2014 là 14 tỷ đồng thật ra không cao nếu so với ngân hàng khác. Theo lãnh đạo này, có CEO của ngân hàng khác nhận mức lương đến 6 - 7 tỷ đồng/năm.

Maritime Bank cũng trình ĐHCĐ thông qua mức thù lao HĐQT 13 tỷ đồng trong năm 2013 và kế hoạch 15 tỷ đồng cho 2015. Trong khi, lợi nhuận thu về của nhà băng này sụt giảm mạnh trong những năm gần đây, chỉ đạt vài trăm tỷ đồng, thay vì trên 1.000 tỷ đồng trước đó.

Vấn đề thù lao HĐQT, Ban kiểm soát được đông đảo cổ đông quan tâm trong mùa ĐHCĐ năm nay, bởi nhiều ngân hàng nói không với cổ tức, trong khi thù lao HĐQT vẫn lên đến hàng chục tỷ đồng.

Trong quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, các NHTM đang đặc biệt chú ý đến vấn đề tái cấu trúc nhân sự với nội dung cơ bản là giảm thiểu những nhân viên yếu kém, chất lượng thấp, tuyển dụng và tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao với những ưu đãi về lương, cũng như một số chế độ chính sách. Đó cũng là lý do vì sao nhân sự cấp cao trong ngành ngân hàng ngày càng “đắt” giá. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, hiện mức lương của một tổng giám đốc ngân hàng thương mại trong nước phổ biến ở mức 200 đến 300 triệu đồng/tháng.

Tuy vậy, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn không đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường và khả năng thời gian tới, làn sóng thay đổi CEO lĩnh vực này sẽ diễn ra mạnh mẽ khi các vụ sáp nhập, hợp nhất trong ngành lên cao trào.

Tin bài liên quan