CEO SSI: Thị trường chứng khoán sẽ lớn hơn cả về chất và lượng

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Kinh tế vĩ mô phục hồi tốt và dự báo tăng trưởng tốt trong năm 2021; các dự thảo luật sửa đổi sẽ chính thức có hiệu lực… là các yếu tố giúp thị trường chứng khoán phát triển bền vững và tạo ra cơ hội cho các công ty chứng khoán có sự chuẩn bị tốt và có lợi thế cạnh tranh. Ông Nguyễn Hồng Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI chia sẻ.

Ông Nguyễn Hồng Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI.

Ông Nguyễn Hồng Nam, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI.

Việt Nam nằm trong số ít những nền kinh tế ở châu Á ghi nhận mức tăng trưởng dương trong năm 2020 bất chấp tác động của đại dịch Covid-19. Ông đánh giá thế nào về việc này và dự đoán kinh tế toàn cầu năm 2021 ra sao?

Dưới tác động của đại dịch Covid-19, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều rơi vào suy thoái, tăng trưởng âm, nhưng Việt Nam vẫn duy trì được mức tăng trưởng dương.

Kinh tế Việt Nam có dấu hiệu khởi sắc trong quý III/2020 với mức tăng trưởng đạt 2,62%, cao hơn hẳn so với mức tăng trưởng 0,39% trong quý II/2020 bất chấp dịch Covid-19 tái bùng phát ở Ðà Nẵng và các tỉnh lân cận.

Tính chung 9 tháng đầu năm 2020, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng 2,12%.

Con số này dù thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng 6 - 7% cùng kỳ, nhưng là kết quả vượt trội trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 và là quốc gia hiếm hoi vẫn duy trì tăng trưởng dương, trong khi các quốc gia trong khu vực như Malaysia, Philippines, Singapore hay Thái Lan đều suy giảm ở mức 2 con số.

Sang tháng 10, tốc độ hồi phục tốt với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 3,6% so với tháng trước, doanh thu bán lẻ cũng tăng nhanh hơn so với tháng trước, chỉ số PMI sản xuất đạt 51,8, chỉ giảm nhẹ so với 52,2 vào tháng 9/2020.

Trái ngược với các quốc gia khác, Việt Nam đã chủ động, nhanh chóng và quyết liệt trong việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh ngay từ khi dịch bệnh mới chỉ nhen nhóm từ tháng Giêng. Kết quả, các biện pháp phòng ngừa đã mang lại hiệu quả rất tốt, kiểm soát được dịch bệnh, qua đó thiệt hại chỉ ở quy mô nhỏ và ngắn.

Theo thời gian, phản ứng của Việt Nam với bệnh dịch Covid-19 ngày càng có kinh nghiệm và năng lực ứng phó tốt hơn, áp dụng cách tiếp cận linh hoạt, đảm bảo cho mục tiêu kép là vừa ngăn chặn dịch bệnh, an toàn sức khoẻ cộng đồng, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế. Chính nhờ kiểm soát dịch bệnh tốt nên kinh tế Việt Nam có tốc độ hồi phục nhanh hơn.

Trước bối cảnh khủng hoảng Covid-19 và thiên tai liên tiếp xảy ra, thì tăng chi tiêu Chính phủ, trong đó thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công là giải pháp khả thi duy nhất để dẫn dắt kinh tế phục hồi. Ðến thời điểm hiện tại, chúng ta cũng đã thấy rõ ý chí chính trị rất quyết tâm trong việc thực hiện điều này trong năm cuối cùng của chu kỳ 5 năm 2016 - 2020.

Tuy nhiên, cũng cần chú ý đến rủi ro đầu tư, bên cạnh rủi ro địa chính trị trên thế giới, Việt Nam cũng không thể thoát khỏi chính sách tài khóa mở rộng mà không bị tổn hại (chẳng hạn áp lực từ việc trả nợ, ảnh hưởng đến dư địa tài khóa 2021 - PV).

Do đại dịch diễn biến khó đoán và chưa có vắc xin, Chính phủ sẽ tiếp tục thúc đẩy đầu tư công nhằm hỗ trợ nền kinh tế, nhưng kế hoạch này có thực hiện được hay không khi vẫn phải quản lý dư nợ công dưới mức nợ trần 65% GDP, là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của Quốc hội vào năm 2021.

Ðối với kinh tế toàn cầu, con đường hồi phục có thể gặp khó khăn và không đơn giản là hình chữ V trên diện rộng, dự báo mọi thứ trở lại bình thường vào nửa cuối năm 2021.

Covid-19 đã gây ra một cú sốc kép cho cả nhu cầu và nguồn cung toàn cầu, điều này là hiển nhiên.

Tuy nhiên, một quốc gia như Việt Nam có thể thoát khỏi cú “hit” của đại dịch đầu tiên với năng lực sản xuất còn nguyên vẹn, là quốc gia có thể đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu ngay cả trong bối cảnh nhu cầu thấp hơn.

Tất nhiên, rủi ro lạm phát vẫn hiện hữu, ngay cả khi các ngân hàng Trung ương sáng tạo hơn, thì lạm phát vẫn là vấn đề không thể phớt lờ, khi mà đã có dư thừa thanh khoản ở mức cao trong lịch sử để hỗ trợ phục hồi kinh tế.

Với riêng ngành tài chính, các thách thức đối mặt là gì, thưa ông?

Ðể có được chiến thắng trong sân chơi toàn cầu thì chúng ta phải tuân theo luật lệ quốc tế. Có nhiều kế hoạch đã đề ra, chẳng hạn, ý định xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực.

Ðể làm được điều đó, trước tiên chúng ta cần đảm bảo cơ sở hạ tầng đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Về chi tiết, điều đó có nghĩa là các ngân hàng thương mại Việt Nam không chạy đua để đáp ứng việc tuân thủ Basel II, mà cần có nhiều tầm nhìn hơn để hướng tới Basel III, để có thể so sánh với các nước cùng khu vực.

Ðối với thị trường chứng khoán, Chính phủ cần chủ động hơn trong quá trình nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, vì các tiêu chí để hiện thực hoá điều này rõ ràng là có thể đạt được.

Về mặt quy định, đã có tất cả các luật mới cho phép điều này (Luật Ðầu tư, Luật Doanh nghiệp hoặc Luật Chứng khoán) mở đường cho làn sóng tăng trưởng tiếp theo, nhưng cần sớm có các nghị định hướng dẫn thi hành.

Số hóa, chuyển đổi kỹ thuật số và công nghiệp 4.0 cần được chú trọng ngày càng nhiều hơn ở Việt Nam, không chỉ để đẩy nhanh việc triển khai các chương trình thí điểm như tiền di động hoặc các giải pháp tiền tệ kỹ thuật số, mà còn hỗ trợ thiết lập các sàn và nền tảng khởi nghiệp.

Ðây là những yếu tố cốt yếu mà Việt Nam thực hiện để tham gia sân chơi và chiến thắng cuộc chơi toàn cầu này.

Cuối cùng, đợt cải cách doanh nghiệp nhà nước cuối với một số doanh nghiệp nhà nước tốt đang được tiến hành, sẽ là một điểm khởi đầu khác để thu hút các nhà đầu tư.

Trong điều kiện như vậy, ông có góc nhìn gì về thị trường chứng khoán năm 2021?

Mặc dù đại dịch đặt ra nhiều thách thức cho triển vọng vĩ mô trong ngắn hạn, nhưng Việt Nam vẫn đang giữ vững chu kỳ tăng trưởng của mình.

Năm 2021 là năm đầu tiên của kế hoạch kinh tế 5 năm tiếp theo (2021 - 2025), mà chúng tôi kỳ vọng sẽ là một giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ nữa của Việt Nam. Với sự hỗ trợ từ Chính phủ cho nền kinh tế, chúng tôi tin rằng, thị trường chứng khoán hưởng lợi và phát triển mạnh mẽ hơn trong những năm tới, chứng kiến dòng vốn tiếp tục chảy vào thị trường.

Như đã nói ở trên, năm 2021, thị trường chào đón 3 bộ luật mới có hiệu lực, bao gồm Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Ðầu tư, tạo khuôn khổ pháp lý cho chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết (NVDR) và cả hệ thống thanh toán bù trừ Ðối tác trung tâm.

Quá trình cổ phần hóa cũng có thể tăng tốc bắt đầu từ năm tới. Ðiều này có nghĩa là thị trường chứng khoán sẽ trở nên lớn hơn cả về chất và lượng, đây có thể là cơ hội lớn cho các công ty chứng khoán, trong đó có SSI với vị thế là công ty chứng khoán hàng đầu tại Việt Nam.

Kế hoạch của SSI sẽ là gì để tiếp tục duy trì vị thế dẫn đầu và nắm bắt tốt cơ hội năm sau, thưa ông?

Chiến lược dài hạn của SSI là tập trung mọi nguồn lực để duy trì vị trí số 1 trong mọi lĩnh vực kinh doanh chứng khoán tại Việt Nam, bao gồm dịch vụ môi giới, nghiên cứu và tư vấn, ngân hàng đầu tư và quản lý tài sản.

Chúng tôi tiếp tục là công ty tiên phong trong việc giới thiệu các sản phẩm và dịch vụ tài chính mới ra thị trường, chẳng hạn như Chứng quyền có bảo đảm (CW), trái phiếu và ETF, đồng thời cung cấp cho khách hàng nhiều lựa chọn đầu tư hơn để tối đa hóa lợi nhuận, giảm thiểu rủi ro và cân bằng danh mục đầu tư của họ - ngay cả trong thời điểm bất ổn này.

Chuyển đổi kỹ thuật số đang được triển khai tích cực tại SSI với kỳ vọng sẽ cải thiện trải nghiệm khách hàng và thu hút thêm khách hàng mới. Chiến lược này cũng tập trung vào việc nâng cao hiệu quả của toàn bộ hệ thống.

Với tất cả các cơ hội dự kiến sẽ đến vào năm 2021, SSI tin rằng có thể đạt được sự tăng trưởng bền vững và mang lại giá trị to lớn cho tất cả các bên liên quan.

Năm 2020, SSI là công ty chứng khoán duy nhất trong nhóm Largecap lọt vào Top 10 công ty có Báo cáo thường niên tốt nhất. Đây là giải thưởng từ Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết (VLCA) là sự mở rộng từ Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên, đã đồng hành cùng với Thị trường chứng khoán Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp từ năm 2008 đến nay.

Tiêu chí đánh giá năm nay có những cải tiến nhằm nâng cao chất lượng của Báo cáo thường niên. Cụ thể, Ban Tổ chức khuyến khích doanh nghiệp bổ sung các thông tin về hoạt động quản trị rủi ro doanh nghiệp, so sánh hoạt động với doanh nghiệp cùng ngành, trình bày đánh giá việc thực hiện quản trị công ty (quản trị công ty) theo các tiêu chuẩn như CG code/quản trị công ty ASEAN, hay thể hiện các hoạt động quan hệ với nhà đầu tư đã thực hiện trong năm. Sau nhiều năm thực hiện đánh giá Báo cáo thường niên theo quy định tại Thông tư 155/2015/TT-BTC, việc cung cấp các thông tin khác ngoài các thông tin quy định nhằm giúp nhà đầu tư có thêm thông tin.

SSI hiện là định chế tài chính hàng đầu Việt Nam, với thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ dẫn đầu nhiều năm liên tiếp. Quý III/2020, SSI tiếp tục được Asiamoney vinh danh là “Nhà môi giới chứng khoán tốt nhất Việt Nam” và “Ngân hàng đầu tư tốt nhất Việt Nam”, Top 500 Doanh nghiệp và Doanh nghiệp tư nhân có lợi nhuận tốt nhất năm, Top 50 Thương hiệu dẫn đầu do Forbes Việt Nam bình chọn.

Tin bài liên quan