CEO Thép Việt - Mỹ: Niềm tin là nền tảng

CEO Thép Việt - Mỹ: Niềm tin là nền tảng

(ĐTCK) Năm 2012, CTCP Thép Miền Trung (MT) đổi tên thành CTCP Thép Việt - Mỹ (VAS) với mong muốn xây dựng một thương hiệu thép không chỉ gói gọn ở thị trường miền Trung mà còn vươn ra các thị trường trong và ngoài nước. Nhân dịp đầu Xuân, ông Lê Đăng Phong, Tổng giám đốc VAS trò chuyện với Đầu tư Bất động sản.

Cái tên Thép Việt - Mỹ gợi cảm giác về một DN có độ phủ lớn hơn nhiều tên Thép Miền Trung. Xin ông có thể chia sẻ đôi điều về sự thay đổi thương hiệu này?

Tại Đà Nẵng, Nhà máy cán thép miền Trung nằm trong hệ thống các nhà máy sản xuất thép của Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (VnSteel). Thương hiệu thép MT cũng được biết đến rộng rãi với khách hàng và các công trình tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Với việc tăng mạnh năng lực sản xuất khi Công ty xây dựng nhà máy mới với công suất đến 300.000 tấn/năm; đồng thời, một trong những cổ đông lớn của Công ty là Công ty TNHH Thép An Hưng Tường là chủ sở hữu nhà máy sản xuất phôi và cán thép tại Bình Dương với công suất 750.000 tấn/năm và đang tập trung đầu tư xây dựng nhà máy luyện phôi thép công suất 1.000.000 tấn/năm tại Khu kinh tế Nghi Sơn, việc đổi tên thành Công ty Thép Việt - Mỹ nằm trong chiến lược kinh doanh lâu dài của Công ty. Chúng tôi sẽ xây dựng một thương hiệu thép không chỉ gói gọn ở thị trường miền Trung mà còn phát triển ra xa hơn ở thị trường trong nước và quốc tế.

 

Cạnh tranh trên thị trường thép hiện rất quyết liệt, Thép Việt - Mỹ định vị phân khúc khách hàng ra sao, thưa ông?

Sản phẩm thép Việt - Mỹ là sản phẩm chất lượng cao phù hợp cho tất cả các dự án có yêu cầu cao về chất lượng, nên chúng tôi muốn khẳng định thương hiệu ở các dự án trọng điểm, đồng thời phát triển dòng sản phẩm với giá cạnh tranh dành riêng cho thị trường dân dụng trên toàn quốc, cũng như hướng đến thị trường ở các nước lân cận như Lào, Campuchia, Myanmar…

Phương thức kinh doanh của chúng tôi là: Đại lý=>Công trình và dân dụng với lợi thế có mạng lưới phân phối rộng khắp cả nước của các cổ đông trong Công ty; chúng tôi sẽ đồng hành cùng các đại lý để đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất, chất lượng nhất và giá thành tốt nhất.

 

Ra đời sau, Thép Việt - Mỹ rút ra những bài học gì để hoạt động của Công ty hiệu quả ngay từ những ngày đầu?

Để hoạt động của Công ty có hiệu quả ngay từ đầu, chúng tôi luôn có sự chuẩn bị tốt về mọi mặt và chọn cho mình hướng đi phù hợp với tình hình thị trường. Trong thời điểm nền kinh tế có nhiều biến động thì vận dụng một cơ chế linh hoạt, sẵn sàng ứng phó kịp thời với các tình huống xảy ra là không thể thiếu. Mặt khác, chúng tôi luôn chú trọng việc xây dựng niềm tin về một thương hiệu vững mạnh trong tâm trí người tiêu dùng từ chất lượng sản phẩm. Chỉ khi có được niềm tin của người tiêu dùng, chúng tôi mới có thể đứng vững. Tuy nhiên, nói là ra đời sau cũng không hoàn toàn đúng, vì chúng tôi đã có 16 năm trong ngành sản xuất thép và trên 20 năm làm thương mại thép. Thép Việt - Mỹ tin tưởng sẽ có bước tiến nhanh chóng trên thị trường thép Việt Nam .

 

Năm 2012, dù khó khăn, nhiều DN thép vẫn lãi. Theo ông, trong cùng bối cảnh, yếu tố nào dẫn đến sự khác biệt?

Bất cứ ngành nào cũng có đơn vị thành công và thất bại, vấn đề nằm ở chỗ DN nào chọn hướng đi phù hợp với điều kiện của mình và bắt kịp với xu thế phát triển của xã hội thì cơ hội thành công sẽ cao hơn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến lỗ - lãi, nhưng điều cơ bản của DN sản xuất thép trước tiên là phải có đầu tư thiết bị công nghệ tiên tiến, hiện đại, công tác quản trị DN, quản trị sản xuất cũng như quản lý chặt chẽ các chi phí. Chất lượng sản phẩm phải luôn ổn định, số lượng luôn đảm bảo, công việc hậu mãi sau bán hàng phải được chú trọng và đặc biệt là phải tạo được niềm tin của khách hàng.

 

Là người chèo lái DN thuộc một trong những lĩnh vực được dự báo còn nhiều khó khăn, trong năm mới này, ông kỳ vọng vào điều gì?

Kỳ vọng lớn nhất của DN hiện tại là mong muốn có được chính sách tín dụng với lãi suất ưu đãi, vì giá trị đầu tư và nguồn vốn hoạt động ở ngành thép rất lớn. Đồng thời, Nhà nước cần có chính sách bảo vệ ngành sản xuất thép xây dựng trong nước trước các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài vào có giá rất thấp do lách được các khoản thuế nhập khẩu (điển hình là thép cuộn Trung Quốc nhập khẩu dưới dạng hợp kim). Đầu ra của ngành thép là đầu tư hạ tầng và bất động sản, nhưng 2 lĩnh vực này hiện đang rất bế tắc. Chính phủ cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các ngành này để các DN, trong đó có thép “VAS” cùng tồn tại và phát triển.