Hợp long cầu Thủ Thiêm, một công trình sử dụng vốn ODA hiệu quả.

Hợp long cầu Thủ Thiêm, một công trình sử dụng vốn ODA hiệu quả.

CG 2007: Tài trợ tiếp tục tăng

Trong tuần này, Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm (CG) 2007 sẽ diễn ra tại Hà Nội. Trong bối cảnh Việt Nam đang sắp bước qua “ngưỡng” nước có thu nhập thấp, vấn đề đang được quan tâm là cam kết tài trợ vốn ODA năm nay sẽ như thế nào. Liệu có vượt qua được mức kỷ lục 4,45 tỷ USD của năm ngoái?

 

Vào “ngưỡng” thu nhập trung bình

 

Phát biểu tại Hà Nội cuối tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, năm 2008 phải tạo nên thế và lực mới cho đất nước. Cụ thể là trong năm tới phải hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội của cả giai đoạn 2006-2010, để hướng tới năm 2009 sẽ hoàn thành vượt kế hoạch các chỉ tiêu này.

 

Cụ thể, năm 2007 thu nhập bình quân đầu người đạt 835 USD/người/năm, năm 2008 phải đạt mức 960 USD/người/năm (đạt trên 90% kế hoạch 5 năm), năm 2009 đạt 1.110 USD/người/năm.

 

Năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 18% xuống còn 15%, năm 2008 phấn đấu giảm xuống còn 12% (đạt chỉ tiêu kế hoạch 5 năm). “Đây là quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, phấn đấu sớm đưa đất nước ra khỏi tình trạng nước có thu nhập thấp” - Thủ tướng phát biểu. Nếu mục tiêu này thành hiện thực thì ngay từ năm 2008, Việt Nam đã chạm chân vào ngưỡng nước có thu nhập trung bình (thu nhập bình quân đầu người xấp xỉ 1.000 USD/năm).

 

Để làm được điều này, một vấn đề khiến người đứng đầu Chính phủ trăn trở là phải làm sao cải thiện đời sống của người dân, đồng thời, phải có bước đột phá về đầu tư cơ sở hạ tầng. Dự kiến, trong năm 2008 sẽ khởi công một loạt dự án lớn như đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, cao tốc Trung Lương – Cần Thơ, cảng Lạch Huyện (Hải Phòng)…

 

Một loạt vấn đề khác cũng được đặt ra như tiếp tục cải cách về thủ tục, chính sách, thủ tục hành chính để thu hút nguồn lực, đào tạo nguồn nhân lực.

 

Tuy nhiên, vấn đề được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quan tâm hơn cả là tính bền vững của tăng trưởng. Theo kế hoạch của Chính phủ, trong năm tới phải phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 9%.

 

Thủ tướng khá tâm đắc với phát biểu của một chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB): “Việt Nam đang phát triển như người đi xe máy với vận tốc rất nhanh. Tuy nhiên cần phải có sự khéo léo và… nên đội mũ bảo hiểm!”.

 

ODA sẽ tăng

 

Theo đánh giá của WB, thời gian qua GDP bình quân đầu người nước ta tăng khá nhanh, từ dưới 200 USD/người vào năm 1993 lên tới 835 USD năm 2007. Theo nguyên tắc, khi đã trở thành nước có thu nhập trung bình (trên 1.000 USD/người/năm), Việt Nam sẽ không còn được hưởng các khoản vay ưu đãi ODA nữa.

 

Tuy nhiên, dù không khẳng định trong hội nghị CG sắp tới, mức cam kết của các nhà tài trợ có cao hơn năm ngoái không, nhưng ông Ajay Chhibber, Giám đốc WB tại Việt Nam, vẫn đưa ra một đánh giá ngắn gọn: “Tôi rất lạc quan!”.

 

Trao đổi với ĐTTC, Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại (Bộ KH-ĐT), ông Hồ Quang Minh khẳng định: Mức cam kết ODA năm nay sẽ tăng hơn năm 2006. Ông Minh phân tích: “Ba nhà tài trợ lớn nhất là WB, ADB, và Nhật Bản đều khẳng định sẽ tăng mức cam kết tài trợ ODA cho Việt Nam trong thời gian tới. Hơn nữa, một số nhà tài trợ đưa ra mức cam kết bằng đồng euro, trong khi tỷ giá EUR/USD đang biến động mạnh, nếu quy ra USD, chắc chắn năm nay cam kết ODA sẽ cao hơn năm ngoái”.

 

Ông Martin Rama, chuyên gia kinh tế trưởng của WB, nhận định: “Trước mắt, viện trợ vẫn sẽ tăng, nhưng Việt Nam cần phải chuẩn bị tinh thần cho việc các nhà tài trợ sẽ không còn hào phóng như trước”.

 

Năm 2007, ước tính giải ngân vốn ODA đạt 2 tỷ USD trên tổng số 4,45 tỷ USD cam kết của các nhà tài trợ. Tỷ lệ này khiến nhiều người lo ngại sẽ ảnh hưởng đến cam kết ODA năm nay do giải ngân quá chậm.

 

Giám đốc WB Ajay Chhibber lý giải: “ Cam kết ODA thường đưa ra vào 1 năm, nhưng các dự án thường kéo dài tới vài năm. Vì vậy tỷ lệ giải ngân không bao giờ bằng con số cam kết”. Trong khi đó, tỷ lệ giải ngân 2 tỷ USD vốn ODA năm nay được đánh giá là khá tốt, tăng 50% so với năm 2006.

 

Ông Hồ Quang Minh cho biết chỉ trong hai năm 2006-2007, đã giải ngân được 40% kế hoạch vốn ODA dự kiến cho giai đoạn 2006-2010. Trong thời gian tới, tỷ lệ giải ngân vốn ODA sẽ tiếp tục tăng cao hơn nữa, bởi khi đó các dự án lớn như tàu điện ngầm, đường sắt trên cao… có vốn lên tới vài tỷ USD đi vào thực hiện.

 

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi hiện nay vẫn phải tập trung lực nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA. Cụ thể là năm 2008 sẽ cải tiến quy trình thủ tục nội bộ, cải tiến và công khai hóa về thủ tục đấu thầu, nâng cao năng lực tiếp nhận vốn của các địa phương.