Chặn margin: Nên để thị trường tự quyết định dòng chảy vốn

Chặn margin: Nên để thị trường tự quyết định dòng chảy vốn

(ĐTCK) “TTCK cần những khoảng không gian để tự điều chỉnh, nhưng cũng rất cần các biện pháp quản lý chặt chẽ nhằm ngăn ngừa rủi ro phát sinh. Thông tư 07/2016/TT-BTC sẽ có tác động xấu đến thị trường, mức độ đến đâu còn phụ thuộc vào hành xử của phía ngân hàng…”.

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thanh Hải, Tổng giám đốc CTCK An Bình khi trao đổi với ĐTCK về quy định mới liên quan đến dòng vốn giao dịch ký quỹ (margin).

Các NĐT đang khá lo lắng về việc Thông tư 07 sẽ tác động mạnh đến dòng margin trên thị trường. Ông có đánh giá như thế nào?

Qua lắng nghe và khảo sát thông tin từ phía khách hàng thì đúng là thị trường đang khá lo lắng về Thông tư 07 của Bộ Tài chính. Thông tư này sửa đổi, bổ sung Thông tư 210/2012/TT-BTC hướng dẫn về thành lập và hoạt động CTCK, trong đó có các quy định mới về hoạt động margin. Thực tế, một số ngân hàng lớn đã dừng giải ngân các khoản hợp tác cho vay 3 bên với NĐT và CTCK để đảm bảo tuân thủ những nội dung sửa đổi Điều 43, Thông tư 210.

Đa phần nguồn vốn cho vay ký quỹ trên TTCK đến từ nguồn vốn tự có của CTCK (vốn chủ sở hữu hoặc qua phát hành trái phiếu), tuy nhiên nguồn vốn đến từ ngân hàng cũng rất quan trọng, góp phần bổ sung nguồn vốn vay cho thị trường, cũng như hỗ trợ CTCK trong một số nghiệp vụ hợp tác cho vay khác.

Nguồn vốn này vốn trước đây đã bị thắt chặt bởi Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, nay tiếp tục bị siết bởi Thông tư 07, chắc chắn sẽ có tác động xấu đến thị trường. Tuy nhiên, mức độ tác động đến đâu còn phụ thuộc vào hành xử của các ngân hàng thương mại do họ mới chỉ tạm thời dừng giải ngân để có thời gian tìm kiếm sự giải thích kỹ càng hơn từ phía cơ quan quản lý đối với nội dung sửa đổi quy định tại Điều 43 và Điều 45 của Thông tư mới.

Ông Nguyễn Thanh Hải 

TTCK có độ nhạy cảm rất cao đối với các chính sách liên quan đến dòng tiền, nhưng nhìn tổng thể, chính sách này của chúng ta thường “giật cục”, điển hình là Thông tư 36 trước đây, Thông tư 07 và việc sửa đổi Thông tư 36 lần này. Ông có đồng tình với nhận xét này?

Tôi cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước luôn cố gắng bám sát nhu cầu và tình hình thị trường khi ban hành chính sách cụ thể. Tất nhiên, cần phải nhìn nhận rằng, một chính sách mới ra đời thì bên cạnh phục vụ mục tiêu quản lý về một lĩnh vực cụ thể, sẽ có những tác động không đáng có đến một số đối tượng hoặc lĩnh vực khác.

Ví dụ, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 36 nhằm lành mạnh hóa hoạt động ngân hàng, nhưng tác dụng phụ là tác động tiêu cực đến TTCK trong ngắn hạn khi dòng tiền từ ngân hàng chảy sang chứng khoán bị thắt chặt và kiểm soát chặt chẽ hơn.

Đối với thông tư 07, Bộ Tài chính và cơ quan soạn thảo là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hướng đến khắc phục những vướng mắc phát sinh, giải quyết các yêu cầu thực tế trong hoạt động và công tác quản lý, kiểm soát hoạt động của CTCK, đồng thời ngăn chặn một số hành vi tiêu cực xuất hiện gần đây gây ảnh hưởng xấu tới sự lành mạnh của thị trường.

Để tránh gây sự khó hiểu với NĐT và các thành viên thị trường về những nội dung sửa đổi tại Điều 43 và Điều 45, cơ quan quản lý nên giải thích kỹ hơn, tránh trường hợp vô hình trung ngăn chặn luôn mối quan hệ hợp tác cho vay khách hàng đang rất tốt đẹp giữa ngân hàng và CTCK.

Nhiều thành viên thị trường cho rằng, không nên có các biện pháp can thiệp vào dòng tiền, mà nên để cho TTCK tự điều chỉnh. Ông có bình luận như thế nào về ý kiến này?

Trong quá trình vận động, TTCK cần những khoảng không gian để tự điều chỉnh, nhưng cũng rất cần các biện pháp quản lý chặt chẽ nhằm ngăn ngừa rủi ro phát sinh, nhất là trong hoàn cảnh thị trường còn non trẻ, các chế tài pháp luật còn chậm, tính răn đe chưa cao và chưa bao quát hết mọi hành vi trục lợi của một số thành phần tham gia thị trường.

Do đó, việc cơ quan quản lý nhà nước quản lý chặt chẽ và đưa ra các chế tài bổ sung để đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường. Điều cần tránh là khi chính sách được ban hành, lại thiếu các văn bản hướng dẫn kịp thời, dễ xảy ra tình trạng lúng túng trong việc thực thi.

Tất nhiên, cần hạn chế tư duy không quản được thì cấm, dẫn đến không đáp ứng kịp nhu cầu cũng như sự vận động liên tục của dòng chảy vốn, nhất là khi chúng ta đang hướng đến một nền kinh tê thị trường thực thụ.

Ông có đề xuất gì trong việc thúc đẩy thanh khoản trên TTCK?

Trước tiên, cơ quan quản lý cần thúc đẩy việc ban hành các hướng dẫn áp dụng những sản phẩm mới hiện chỉ có các quy định về nguyên tắc như giao dịch trong ngày, chứng khoán phái sinh, cũng như tháo gỡ vướng mắc trong việc nới room cho NĐT nước ngoài.

Bên cạnh đó, chú trọng nâng cao chất lượng hàng hóa trên sàn để thu hút NĐT bằng cách đưa chế tài buộc các DNNN đang được rất nhiều người quan tâm đã IPO, hoặc chuẩn bị IPO như Sabeco, Vietnam Airlines, MobiFone phải lên sàn giao dịch. Đồng thời, tiếp tục thanh lọc DN niêm yết, hủy niêm yết các DN hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ kéo dài hoặc lợi dụng TTCK để “bán giấy lấy tiền”.

Việc tiếp tục khai thông nguồn vốn từ trong dân hoặc nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng vào TTCK để góp phần đẩy mạnh thanh khoản cũng là câu chuyện nên được khuyến khích nhằm mang lại lợi ích cho các DN trong việc tận dụng nguồn vốn giá rẻ trên thị trường.

Tin bài liên quan