Chiến lược giao dịch theo đà tăng vẫn là ưu tiên

Chiến lược giao dịch theo đà tăng vẫn là ưu tiên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Các nhịp rung lắc ngắn hạn là diễn biến cần thiết của một quá trình đi lên bền vững, hiện chưa thấy có dấu hiệu bất thường ở nhịp rung lắc hiện tại.

Thị trường ghi nhận biến động khá lớn trong tuần qua khi áp lực bán chốt lời trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch gia tăng, nhưng bên “cầm tiền” cũng đã tranh thủ mua vào trong các nhịp điều chỉnh, với kỳ vọng lớn sau Tết. Trạng thái thị trường vẫn được xem là tích cực, các nhịp rung lắc được hấp thụ tốt.

Sự kiện họp chính sách của Ngân hàng Trung ương Mỹ (Fed) khiến thị trường chứng khoán Mỹ có những thời điểm rung lắc, nhưng các diễn biến này đều trong tầm kiểm soát và các thông tin từ Fed không khiến thị trường bất ngờ, với những luận điểm chính là: (1) Tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất 5,25 - 5%/năm; (2) Các quan chức Fed đồng ý là lãi suất đã đạt đỉnh, lạm phát giảm dần như kỳ vọng, thị trường việc làm tốt và khả năng kinh tế Mỹ sẽ “hạ cánh mềm”; (3) Để ngỏ khả năng hạ lãi suất từ tháng 3/2024, với xác suất 50/50, nhưng chậm nhất là tháng 5/2024 sẽ hạ lãi suất.

Nhìn chung, Fed đang “dọn đường” chính sách cho năm bận rộn của cuộc bầu cử ở Mỹ - các thống kê lịch sử đang ủng hộ thị trường chứng khoán (thường tăng điểm trong những năm có sự kiện bầu cử).

VN-Index có tuần giao dịch thử thách tâm lý quan trọng trước thềm nghỉ Tết, lực bán chốt lời xuất hiện trên diện rộng, đặc biệt là ở nhóm cổ phiếu đã tăng nhiều trong thời gian qua như ngân hàng. Dù vậy, khi cuộc chơi lúc này vẫn đang nằm trong tay các nhà đầu tư tổ chức và tự doanh thì khả năng thị trường giảm sốc rất khó xảy ra. Thống kê trong tháng 1/2024, nhóm nhà đầu tư tổ chức và tự doanh mua ròng lần lượt 380 tỷ đồng và 1.662 tỷ đồng, trong khi nhóm các nhà đầu tư cá nhân và nước ngoài bán ròng lần lượt 1.343 tỷ đồng và 698 tỷ đồng.

Chúng tôi cho rằng, nhịp điều chỉnh ngắn hạn hiện tại của VN-Index là cần thiết của quá trình đi lên trung hạn bền vững, nhất là sau nhịp tăng gần 10% trong hơn 1 tháng qua. Nhịp điều chỉnh là thời điểm để dòng tiền có sự tái cơ cấu, dịch chuyển từ nhóm cổ phiếu đã tăng nhiều sang nhóm chưa tăng nhiều, như dịch chuyển từ ngân hàng sang bất động sản, chứng khoán… Diễn biến giao dịch của các phiên điều chỉnh trong tuần qua cũng cho thấy sự sôi động và luân chuyển nhanh của dòng tiền. Có thể nói, nhà đầu tư không rời bỏ thị trường, mà chỉ là chuyển từ nhóm này sang nhóm khác.

Chiến lược giao dịch theo đà tăng (Momentum Trading) vẫn là ưu tiên của chúng tôi ở thời điểm này. Trong đó, ưu tiên lựa chọn cổ phiếu có vốn hóa lớn (hơn 20.000 tỷ đồng), bởi đây là nhóm cổ phiếu đang thu hút được dòng tiền mạnh mẽ nhất. Dù nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ cũng đã ghi nhận sự cải thiện trong tuần qua, nhưng trọng tâm chính của dòng tiền vẫn nằm ở các cổ phiếu vốn hóa lớn như FPT, GVR, MBB, ACB, CTG, HPG, SSI…

Chúng tôi vẫn đánh giá tích cực về triển vọng thị trường trong quý I/2024. Với bối cảnh vĩ mô hiện tại (áp lực tỷ giá không quá lớn, lạm phát duy trì mức thấp, sản xuất đang hồi phục…), VN-Index còn có dư địa để tiếp tục tăng, hướng tới mục tiêu 1.200 - 1.250 điểm.

Tin bài liên quan