Chính phủ họp với các địa phương bàn về thúc đẩy kinh tế - xã hội 2023

0:00 / 0:00
0:00
Tại Hội nghị, sẽ có nhiều quyết sách được thảo luận, trong đó có Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Hôm nay, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để bàn về các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Đây là hội nghị thường niên, thường được tổ chức vào cuối năm trước. Năm nay, Hội nghị được tổ chức vào ngày làm việc đầu tiên của năm mới 2023, năm bản lề của việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025, đồng thời cũng là năm được dự báo là kinh tế - xã hội Việt Nam sẽ đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tham dự Hội nghị.

Năm 2022: tăng trưởng cao, 13/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2022, một năm với những biến động quốc tế chưa từng có, diễn biến lại nhanh, phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng và sâu rộng tới kinh tế toàn cầu và cả Việt Nam, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, nền tảng, kinh nghiệm, ý chí và nỗ lực vượt khó của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của người dân và doanh nghiệp, sự hỗ trợ hiệu quả của bạn bè quốc tế, kinh tế - xã hội Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Trong đó, đáng chú ý nhất là tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 tăng cao, ước đạt 8,02% (số đã báo cáo Quốc hội là 8% - PV), vượt xa mục tiêu đề ra là 6-6,5%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2022. Không những thế, kinh tế phục hồi đồng đều và tăng trên cả 3 khu vực của nền kinh tế.

“Đây là một cố gắng, quyết tâm lớn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cấp, các ngành trong bối cảnh nền kinh tế đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức chưa có tiền lệ như thời gian vừa qua”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định.

Kinh tế 2023 đã phục hồi đồng đều trên cả 3 lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, và dịch vụ
Kinh tế 2023 đã phục hồi đồng đều trên cả 3 lĩnh vực: nông nghiệp, công nghiệp - xây dựng, và dịch vụ

Thông tin cho biết, trên cơ sở tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm và dự kiến khả năng thực hiện quý IV năm 2022, tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022), Chính phủ đã trình Quốc hội khóa XV báo cáo đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 với kết quả ước đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội giao. Trong đó, có 6 chỉ tiêu vượt, 8 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch và 1 chỉ tiêu (tốc độ tăng năng suất lao động xã hội) không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra.

Đến nay, trên cơ sở tổng hợp tình hình kinh tế - xã hội tháng 12 và cả năm 2022, trong số 15 chỉ tiêu đã được thông qua, có 6 chỉ tiêu vượt, 7 chỉ tiêu đạt mục tiêu kế hoạch và 2 chỉ tiêu không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra, tăng thêm 1 chỉ tiêu (chỉ tiêu tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP chỉ xấp xỉ đạt mục tiêu).

Tăng thêm 1 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, nhưng bù lại, tăng trưởng GDP lại đạt ở mức cao.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022, trong khi nhiều nền kinh tế thế giới và khu vực đối diện với khó khăn, tiềm ẩn rủi ro suy thoái.

Cụ thể, tốc độ tăng GDP lần lượt qua các quý đạt 5,05%, 7,83%, 13,71% và 5,92%. Việc tốc độ tăng trưởng GDP ước cả năm đạt khoảng 8,02%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, sẽ tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 đã đề ra.

10 nhóm giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm bản lề 2023

Theo Nghị quyết của Quốc hội, năm 2023, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,5%, còn tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân khoảng 4,5%.

Các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đáng chú ý khác là GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân khoảng 5-6%...

Đây là mục tiêu khá thách thức trong bối cảnh kinh tế thế giới và nhiều nền kinh tế lớn có nguy cơ lâm vào suy thoái, nhiều yếu tố bất định, khó lường, chắc chắn sẽ tác động tới kinh tế - xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên, xác định năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề thực hiện các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu kế hoạch 5 năm 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất 10 nhóm giải pháp quan trọng cần thực hiện trong năm tới.

Một là, tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Hai là, tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh.

Ba là, thực hiện tốt công tác xây dựng hoàn thiện thể chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, bảo đảm kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Bốn là, đẩy mạnh thực hiện thực chất, hiệu quả cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế

Năm là, tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số. Tập trung bảo vệ môi trường, quản lý, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên.

Sáu là, chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Bảy là, chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội.

Tám là, giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Chín là, triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho phát triển đất nước và nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Và mười là, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông; nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.

Các nhiệm vụ, giải pháp này cũng được đề cập tại Dự thảo Nghị quyết số 01 của Chính phủ về các giải pháp điều hành kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2023. Dự thảo Nghị quyết sẽ được thảo luận tại hội nghị hôm nay.

Tin bài liên quan