Chờ khơi thông dòng vốn

Chờ khơi thông dòng vốn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phiên giao dịch cuối tuần qua, thị trường thể hiện sự hứng khởi khi thông tin cuộc họp báo quý I của Ngân hàng Nhà nước được cập nhật trên các room chứng khoán. Cuối ngày, đã có một loạt các quyết định của Ngân hàng Nhà nước về các mức lãi suất mới.

Trong đó đáng chú ý là lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và kỳ hạn dưới 1 tháng là 0,5%, mức lãi suất tối đa với tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến 6 tháng là 5,5%/năm thấp hơn 0,5% so với mức lãi suất tối đa áp dụng từ ngày 24/10/2022 là 1% và 6%.

Mức lãi suất tối đa này bằng với mức lãi suất áp dụng từ ngày 22/9/2022, cao hơn mức lãi suất áp dụng từ trước ngày 22/9/2022 trở về ngày 12/05/2020 là 0,2% và 4%, trong giai đoạn mặt bằng lãi suất thấp hỗ trợ tăng trưởng.

Lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 6%/năm xuống 5.5%/năm; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế giảm từ 5.0%/năm xuống 4.5%/năm…

Nhiều dự đoán rằng, các lãi suất điều hành sẽ tiếp tục giảm trong tháng 4, như thông điệp mà Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã nói, nhưng thông tin giảm lãi suất đã đến sớm hơn. Và dự kiến sẽ còn những diễn biến mới về lãi suất trong thời gian tới. Thông tin về quyết định giảm lãi suất có thể đến sớm hơn dự kiến dù chỉ khoảng một, hai tuần so với dự báo khiến dòng tiền tự tin hơn.

Thị trường chứng kiến không ít mã tăng trần, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản như NLG, SZC, KBC. Nhóm chứng khoán cũng chứng kiến nhiều mã tăng mạnh, nhất là những mã đang có định giá rẻ hơn mặt bằng chung.

Trên thực tế, dù lãi suất điều hành giảm cũng chưa thể tác động ngay đến lãi suất vay vốn của doanh nghiệp và người dân, nhưng việc giảm lãi suất điều hành sớm sẽ có tác động tâm lý tích cực đến toàn bộ nền kinh tế. Thị trường chứng khoán là nơi nhạy cảm nhất sẽ phản ánh ngay hơi thở mới của nền kinh tế trong xu hướng lãi suất lập đỉnh và đi xuống.

Có cơ sở để kỳ vọng một đợt giảm lãi suất điều hành nữa đến sớm. Số liệu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I vừa công bố là 3,32%, mức tăng trưởng gần như thấp nhất trong giai đoạn 2021-2023 và chỉ cao hơn tốc độ tăng 3,21% của quý I/2020 cho thấy mức độ cấp bách của việc chuyển dần trục chính sách từ ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, ổn định tỷ giá sang hỗ trợ tăng trưởng.

Giá dầu thô đã giảm mạnh so với thời điểm lãi suất tăng, giá cước tàu biển giảm, Trung Quốc đang dần gỡ bỏ phong tỏa hoàn toàn giúp lưu thông chuỗi logistics quốc tế, lãi suất USD đang tiến đến vùng đỉnh và kỳ vọng giảm.

Lãi suất của Việt Nam vì nhiều lý do đang ở mức quá cao, cần được hạ nhiệt để tránh gây ra các đổ vỡ trong cộng đồng doanh nghiệp.

Dòng tiền có vẻ dễ thở hơn như được đề cập trong Tiêu điểm của số báo này. Dù vậy, bên cạnh giảm lãi suất, để vốn thẩm thấu đến nền kinh tế cần thêm các giải pháp đồng bộ như hỗ trợ thanh khoản thị trường trái phiếu, tái cơ cấu các ngân hàng yếu, tháo gỡ pháp lý cho các dự án bất động sản…

Các lý do cơ bản khiến lãi suất tăng cao, dòng vốn bị tắc cục bộ trong hệ thống ngân hàng đều đã được phân tích, đánh giá trong thời gian qua, đặc biệt sau đợt thanh kiểm tra tổng thể các ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước, cho thấy các vấn đề đã được nhận diện khá rõ.

Việc có những giải pháp mạnh hơn để khoanh vùng xử lý, tháo gỡ các vấn đề đó, khơi thông dòng vốn chảy trong nền kinh tế là điều đang được mong chờ.

Tin bài liên quan