Thị giá đa số cổ phiếu đã tăng mạnh nên việc "chọn mặt gửi tiền" khó khăn hơn nhiều.

Thị giá đa số cổ phiếu đã tăng mạnh nên việc "chọn mặt gửi tiền" khó khăn hơn nhiều.

Chọn hàng trong bối cảnh mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Môi trường đầu tư năm 2023 cơ bản khác với mọi năm, góc nhìn đầu tư vì vậy cần chuyển hướng.

“Cơ hội nhiều hơn rủi ro”

Sau giai đoạn chống chọi với đại dịch Covid-19, thế giới đối mặt với hàng loạt khó khăn: lạm phát tăng cao, suy giảm tổng cầu, căng thẳng thương mại, bất ổn địa chính trị. Giới đầu tư bắt đầu phải thích ứng với môi trường lãi suất cao và có khả năng kéo dài hơn dự kiến. Bên cạnh đó, áp lực chống biến đổi khí hậu và tăng trưởng bền vững ngày càng tăng khiến cho chi phí đầu tư toàn cầu ngày càng đắt đỏ.

Môi trường lãi suất cao và các điều kiện tài chính thắt chặt dẫn đến sự dịch chuyển của dòng vốn từ các thị trường mới nổi sang các thị trường phát triển, từ các nhóm ngành có chi phí vốn cao (công nghệ…) sang những nhóm ngành cơ bản thiết yếu hơn.

Ở trong nước, khủng hoảng niềm tin trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vào cuối năm 2022, bắt nguồn từ sai phạm của một số tổ chức phát hành đã dẫn đến đợt giảm sâu của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, với những nỗ lực của các cơ quan quản lý trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn của thị trường vốn và thị trường bất động sản, nhà đầu tư đã dần trở lại với thị trường chứng khoán.

Bên cạnh đó, với câu chuyện lãi suất có khả năng tạo đỉnh trong quý II/2023, dòng tiền vào thị trường đang dần được củng cố và kỳ vọng sẽ thăng hoa hơn trong những tháng cuối năm.

Bà Trần Khánh Hiền, Giám đốc Nghiên cứu, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, trong vòng 1 năm tới, nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội hơn hẳn so với rủi ro khi nền kinh tế thế giới chuyển dịch sang chu kỳ hồi phục. Theo bà Hiền, hiện tại, thị trường chứng khoán Việt Nam đang có nhịp hồi phục mạnh, một số cổ phiếu đã ghi nhận mức tăng giá tương đối cao nên áp lực điều chỉnh sẽ xuất hiện và đây là cơ hội để mua vào cổ phiếu có tiềm năng.

Cho rằng đà phục hồi của thị trường chứng khoán trong nước vẫn tiếp diễn, nhưng sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành, Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư FIDT khuyến nghị, trong thời gian tới, nhà đầu tư nên chú ý vào các nhóm ngành hưởng lợi trong giai đoạn phục hồi ban đầu của chu kỳ kinh tế và các nhóm ngành có câu chuyện riêng rõ ràng, gồm tài chính (ngân hàng, chứng khoán); bất động sản (dân sinh, khu công nghiệp); tiêu dùng không thiết yếu (bán lẻ ICT); đầu tư công (xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng); dầu khí (nhóm thượng nguồn).

Trong bối cảnh các động lực khác đang suy giảm, Chính phủ đang tập trung đẩy mạnh đầu tư công nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và đây được xem là một chủ điểm đầu tư trong trung hạn. Tuy nhiên, Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) lưu ý, việc chọn lọc cổ phiếu trong nhóm đầu tư công cần cẩn trọng, do nhiều cổ phiếu thuộc nhóm này đã tăng rất mạnh trong thời gian qua, trong khi kết quả kinh doanh chưa “chạy” theo kỳ vọng của thị trường.

Theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Phó tổng giám đốc VCBF, Việt Nam vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển hạ tầng để tối ưu hoạt động sản xuất và thu hút dòng vốn FDI, nên các công ty xây dựng, bất động sản và phát triển hạ tầng giao thông, cảng biển, logistics có năng lực quản trị và sức khỏe tài chính lành mạnh có thể duy trì tăng trưởng tốt trong trung và dài hạn. Một điểm nữa là xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam nhiều khả năng sẽ tăng trưởng dương trở lại từ tháng 9, nhờ nền so sánh thấp năm ngoái và nhu cầu nhập khẩu gia tăng để phục vụ mùa mua sắm cuối năm của các thị trường chủ lực như Mỹ và châu Âu.

Bên cạnh đó, hầu hết các tổ chức uy tín trên thế giới đều nhận định rủi ro suy thoái kinh tế của Mỹ hiện tại là khá thấp và suy thoái nếu có xảy ra thì cũng ở mức độ nhẹ và chỉ kéo dài một quý. Do đó, có thể kỳ vọng xuất khẩu của Việt Nam đã tạo đáy và sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng từ quý IV năm nay.

Tầm nhìn đầu tư năm 2024

Nhận định được bà Trần Khánh Hiền đưa ra, giải ngân đầu tư công vẫn là câu chuyện xuyên suốt giai đoạn 2023 - 2024 với quy mô giải ngân từ 550.000 - 600.000 tỷ đồng mỗi năm. Riêng giai đoạn này, dự án sân bay Long Thành sẽ là tâm điểm với tổng vốn đầu tư giai đoạn 1 đạt 114.000 tỷ đồng. Vì vậy, các doanh nghiệp liên quan đến đầu tư công như xây dựng hạ tầng, đất, đá, nhựa đường… vẫn thu hút sự chú ý trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, một số nhóm ngành có khả năng phục hồi theo chu kỳ như thủy sản, dệt may, thép. Đây là những nhóm ngành đang có định giá thấp khi các khó khăn của ngành đã phản ánh hết vào giá và kỳ vọng những ngành này sẽ có kết quả kinh doanh tốt hơn trong nửa cuối năm trên nền thấp của năm ngoái, cũng như từ việc phục hồi nhẹ của tiêu dùng toàn cầu.

Bà Hiền cũng lưu ý, chuyển dịch năng lượng sẽ là câu chuyện lớn của Việt Nam và cả thế giới trong những năm tới. Theo Quy hoạch điện 8, Việt Nam cần xấp xỉ 10 - 11 tỷ USD vốn đầu tư cho hạ tầng mỗi năm, từ nay đến năm 2030; trong đó, 84% trong số này đầu tư cho nguồn điện, 16% còn lại cho hệ thống truyền tải.

“Trong bối cảnh lãi suất tạo đỉnh và có xu hướng hạ nhiệt, việc đầu tư vào hạ tầng năng lượng sẽ được thúc đẩy trở lại trong thời gian tới. Ở giai đoạn đầu của chu kỳ đầu tư, những doanh nghiệp liên quan đến xây dựng hạ tầng năng lượng sẽ được hưởng lợi trước tiên”, bà Hiền nhận định.

Còn theo FIDT, thời gian qua, Chính phủ đã thể hiện rõ nỗ lực và ý chí hỗ trợ thị trường bất động sản, những chính sách này sẽ dần thẩm thấu vào thị trường và giúp thị trường bất động sản ấm lên từ cuối năm 2023. Vì vậy, FIDT vẫn giữ vững quan điểm cho rằng, đây là thời điểm phù hợp để có thể đầu tư những cổ phiếu bất động sản tiềm năng với tầm nhìn dài hạn.

Ngành dầu khí thượng nguồn, theo chuyên gia FIDT, cũng có triển vọng trong giai đoạn 2023 - 2025, với động lực tăng trưởng từ nhu cầu của thế giới cũng như các dự án trong nước. Trong đó, tương quan cung - cầu giàn khoan hiện tại là điều kiện khiến giá thuê giàn khoan có chiều hướng tăng mạnh trong năm 2023 - 2024.

Các giàn khoan trên thế giới sẽ được tận dụng tối đa và có hiệu suất sử dụng kỳ vọng trên 90% trong thời gian tới. Song song đó, dự án Lô B - Ô Môn được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng cho các doanh nghiệp dầu khí thượng nguồn và trung nguồn của ngành dầu khí Việt Nam.

FIDT cũng cho rằng, trong vòng một năm tới, đầu tư công tiếp tục là một chủ điểm đáng lưu tâm. Theo đó, hai ngành được hưởng lợi trực tiếp trong quá trình thúc đẩy đầu tư công là xây dựng hạ tầng và đá xây dựng.

Các dự án đầu tư công đều có quy mô lớn, đòi hỏi cao về kỹ thuật cũng như tiến độ, tuy nhiên, số lượng nhà thầu có khả năng đáp ứng được các yêu cầu trên còn hạn chế. Vì vậy, những doanh nghiệp, liên doanh liên tục trúng các gói thầu dự án quan trọng sẽ tạo đột biến về doanh thu cũng như lợi nhuận.

Với ngành đá xây dựng, đa số các công trình đầu tư công trong thời gian tới tập trung ở khu vực Nam Bộ, mà đây là khu vực ít mỏ đá. Số ít mỏ đạt đủ yêu cầu về trữ lượng cũng như chất lượng cho các dự án thì lại thuộc sở hữu của một nhóm nhỏ các công ty có niêm yết trên sàn.

FIDT kỳ vọng, với việc gần như không có đối thủ cạnh tranh trong việc cung cấp, kinh doanh một trong các nguyên vật liệu thiết yếu nhất cho các dự án đầu tư công, các doanh nghiệp ngành đá xây dựng sẽ có đột biến về lợi nhuận cũng như doanh thu trong thời gian tới.

Dưới góc nhìn của FIDT, ngành bán lẻ sẽ có nhiều cơ hội trong giai đoạn tới. Mặt bằng lãi suất và thuế VAT giảm kỳ vọng sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng. Mảng triển vọng nhất sẽ là bán lẻ dược phẩm nhờ hai yếu tố chính: thu nhập bình quân của người dân tăng; người dân Việt Nam đã bắt đầu chú ý hơn về sức khỏe của mình, từ đó gia tăng chi phí cho các dịch vụ y tế, thuốc men.

Thực tế, việc chọn cổ phiếu quan trọng hơn là đánh cược vào dư địa tăng của thị trường. Trong trường hợp nền kinh tế diễn biến xấu hơn kỳ vọng, các cổ phiếu chu kỳ đã tăng mạnh thời gian qua có thể xuất hiện rủi ro và khi đó, các cổ phiếu phòng thủ khả năng sẽ quay trở lại. Tuy nhiên, các cổ phiếu có chất lượng tốt, mô hình kinh doanh ổn định và có bảng cân đối kế toán lành mạnh nên được ưu tiên lựa chọn cho danh mục đầu tư dài hạn.

Tin bài liên quan