Sau giai đoạn tăng điểm vài tháng qua, thị trường chứng khoán đang trong tình trạng bấp bênh.

Sau giai đoạn tăng điểm vài tháng qua, thị trường chứng khoán đang trong tình trạng bấp bênh.

Chọn kênh đầu tư cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán gần đây biến động mạnh khiến không ít nhà đầu tư muốn phân bổ một phần vốn vào kênh đầu tư khác nhằm phân tán rủi ro.

Kênh chứng khoán vẫn hút vốn

Về bối cảnh vĩ mô, theo nhóm nghiên cứu của Công ty Chứng khoán VNDIRECT, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý II đã qua, thị trường chứng khoán hiện bước vào vùng trũng thông tin. Trong trung hạn, lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã đi đến giai đoạn cuối; Trung Quốc có thể tung ra các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm vực dậy thị trường bất động sản; các chính sách hỗ trợ của Chính phủ sẽ giúp kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh hơn trong nửa cuối năm 2023.

“Động lực tăng trưởng chính cho kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm 2023 chủ yếu đến từ các chính sách hỗ trợ kinh tế của Chính phủ. Do đó, các chủ đề đầu tư chính trong nửa cuối năm 2023 gắn chặt với các chính sách hỗ trợ kinh tế, bao gồm chính sách tiền tệ nới lỏng và chính sách tài khóa mở rộng mà Chính phủ đã thực thi kể từ đầu năm 2023”, báo cáo phân tích của VNDIRECT nhấn mạnh.

Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang rất lớn, nhưng khi lãi suất giảm, nhà đầu tư có nhu cầu chuyển kênh đầu tư.

Ông Quan Đức Hoàng, Chủ tịch Quỹ đầu tư tư nhân A+ cho rằng, vài tháng qua, thị trường chứng khoán có được nhiều tin tốt, cùng với việc lãi suất giảm đã thu hút dòng tiền gửi chuyển sang đầu tư.

“Dòng tiền đầu tư luôn đuổi theo lợi nhuận, lượng tiền gửi trong ngân hàng đang rất lớn, nhưng khi lãi suất giảm, nhà đầu tư có nhu cầu chuyển kênh đầu tư và chứng khoán là lĩnh vực được nhiều người yêu thích. Minh chứng rất rõ qua số tài khoản chứng khoán mở mới tăng mạnh thời gian gần đây”, ông Hoàng nói và cho biết, hiện tại cũng không có nhiều kênh đầu tư cho các nhà đầu tư lựa chọn. Trong khi bất động sản đòi hỏi số vốn lớn và thị trường còn khó khăn, tiền số tiềm ẩn nhiều rủi ro, thì kênh chứng khoán vẫn sáng cửa nhất. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể nghiên cứu thêm thị trường hàng hoá, bởi có triển vọng khả quan trong những tháng cuối năm. Những nhà đầu tư có kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán sẽ thuận lợi hơn khi tham gia thị trường hàng hoá. Đặc biệt, đây là thị trường có thể giao dịch nhanh, phù hợp với những nhà đầu tư thích “lướt sóng”.

Theo Sở Giao dịch hàng hoá Việt Nam, với hơn 5.000 tài khoản giao dịch mở mới thời gian qua, toàn thị trường hiện có trên 30.000 tài khoản đang hoạt động, với tốc độ tăng trưởng ổn định qua từng tháng. Trong 7 tháng đầu năm 2023, khối lượng giao dịch hàng hóa tại Việt Nam ổn định so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị giao dịch trung bình đạt 4.000 tỷ đồng/phiên.

Trong một diễn biến có liên quan, Bộ Công thương đang trong quá trình xây dựng nghị định thay thế Nghị định 158/2006/NĐ-CP và Nghị định 51/2018/NĐ-CP của Chính phủ về hoạt động mua bán hàng hóa qua Sở Giao dịch hàng hóa. Ngày 15/8/2023, Bộ Công thương và MXV đã làm việc với Sở Giao dịch hàng hoá Chicago để học hỏi kinh nghiệm hoàn thiện hành lang pháp lý, cũng như công tác tổ chức, vận hành sàn giao dịch hàng hoá tại Việt Nam.

Chọn kênh đầu tư phù hợp

Bà Trần Thị Lan Anh, Trưởng phòng Tư vấn, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, với kênh đầu tư chứng khoán, 6 tháng đầu năm 2023 là câu chuyện bất động sản hưởng lợi nhờ chính sách, nhưng 6 tháng cuối năm là câu chuyện của những doanh nghiệp, những ngành tăng trưởng về lợi nhuận và doanh thu, hoặc có kỳ vọng bứt phá ở năm 2024.

“Theo tôi, các nhóm ngành có triển vọng nửa cuối năm nay là ngân hàng, chứng khoán, vận tải, dầu khí”, bà Lan Anh nói.

Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế đánh giá cao kênh tiền gửi ngân hàng. Trong bối cảnh hiện tại và khoảng vài năm tới, Việt Nam chưa lo có ngân hàng phá sản, nên đây là kênh đầu tư an toàn.

“Dù tiền gửi sinh lời không cao, nhưng lại an toàn. Nhà đầu tư có số tiền lớn có thể tìm chọn gửi ở một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ, với mức lãi suất 7 - 8%/năm (giá trị tiền gửi lớn có thể thỏa thuận lãi suất, cao hơn mức lãi suất niêm yết)”, ông Hiếu nói.

Với thị trường chứng khoán, ông Hiếu nhìn nhận, sau giai đoạn tăng điểm vài tháng qua, thị trường đang trong tình trạng bấp bênh. Dù bối cảnh vĩ mô (lãi suất giảm) có vẻ ủng hộ thị trường tiếp tục tăng điểm và không ít nhà đầu tư mạnh dạn dùng đòn bẩy tài chính, nhưng thị trường chưa ổn định, chỉ các nhà đầu tư chuyên nghiệp, có kinh nghiệm mới nên tham gia giai đoạn này.

Kênh bất động sản vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức, cùng với đó là sự suy giảm lòng tin từ phía nhà đầu tư, thanh khoản thấp, cung - cầu lệch pha, suất đầu tư lớn. Vì thế, đây chưa phải là kênh đầu tư hấp dẫn trong những tháng cuối năm.

Đối với kênh ngoại tệ, đây có thể là kênh giúp nhà đầu tư có lợi nhuận tốt, bởi xu hướng đến cuối năm nhiều khả năng vẫn là tăng. Tuy nhiên, hạn chế của kênh này là người dân bình thường không thể mua bán - giao dịch, mà chỉ dành cho các tổ chức được cấp phép.

Kênh đầu tư vàng cũng có cơ hội đầu tư tốt trong những tháng cuối năm. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, có 2 yếu tố chính đang ảnh hưởng trái chiều đến thị trường vàng. Một là, lạm phát trên thế giới vẫn cao nên nhu cầu tìm đến vàng như một tài sản trú ẩn gia tăng. Hai là, chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước phương Tây tạo áp lực giảm giá vàng, do các đồng nội tệ mạnh lên.

“Thị trường vàng đang chịu các yếu tố tác động tương phản, khó đoán định, nhưng cá nhân tôi tin rằng, giá vàng sẽ có xu hướng tăng từ nay đến cuối năm”, ông Hiếu chia sẻ.

Một bộ phận nhà đầu tư đang quan tâm đến kênh đầu tư tiền số, nhưng ông Hiếu cho rằng, tiền số có quá nhiều rủi ro và cá nhân ông không khuyến khích đầu tư.

“Không có một lực lượng kinh tế, chính trị, thể chế nào đứng đằng sau tiền kỹ thuật số. Giá cả đơn thuần do cung - cầu quyết định. Các tiền kỹ thuật số không được bảo vệ. Tiền đồng của Việt Nam còn được khoảng 400 tỷ USD GDP bảo vệ, đồng USD được trên 20.000 tỷ USD và hệ thống kinh tế, chính trị, xã hội nước Mỹ đứng đằng sau bảo vệ, chứ tiền số thì không”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Với thị trường hàng hoá, ông Hiếu giữ quan điểm chưa đến thời điểm thích hợp để đầu tư. Lý do đến từ việc các sàn giao dịch ở Việt Nam còn đơn lẻ, tính minh bạch chưa cao. Do đó, các nhà đầu tư cá nhân không nên tham gia, riêng nhà đầu tư chuyên nghiệp thì có thể cân nhắc.

Ông Hiếu khuyến nghị, tuỳ khẩu vị rủi ro mà nhà đầu tư lựa chọn tham gia một trong các kênh đầu tư chính thức, đồng thời cần tự đánh giá mức độ chuyên nghiệp, am hiểu thị trường của mình để chọn kênh phù hợp.

Còn theo ông Quan Đức Hoàng, với nhà đầu tư nhỏ lẻ thì việc uỷ thác cho các quỹ đầu tư sẽ tốt hơn.

“Đa phần nhà đầu tư thích tự mua bán, giao dịch, chưa quen với việc uỷ thác qua quỹ. Tuy nhiên, không có kinh nghiệm mà đầu tư thì rủi ro là rất lớn. Do đó, tôi cho rằng, tốt nhất vẫn nên bắt đầu với quỹ”, ông Hoàng nói.

“Đừng nghe lời các chuyên gia trên youtube, người kiếm được tiền không dạy người khác kiếm tiền đâu. Ngay như chúng tôi là quỹ cũng quản lý đầu tư, chứ không “dạy” hết bài, vì đó là công việc kiếm tiền hàng ngày”, ông Hoàng chia sẻ.

Tin bài liên quan