Chọn người xứng đáng vào Quốc hội

Quốc hội không quá 500 đại biểu, chọn thế nào để đảm bảo tính đại diện, nhưng vẫn xứng đáng là người đại diện cho nhân dân? Đó là câu hỏi không dễ trả lời.
Ngoài các tiêu chuẩn theo quy định, đại biểu Quốc hội còn phải am hiểu các mặt đời sống kinh tế - xã hội, có khả năng phân tích, tổng hợp, tư duy phản biện.

Ngoài các tiêu chuẩn theo quy định, đại biểu Quốc hội còn phải am hiểu các mặt đời sống kinh tế - xã hội, có khả năng phân tích, tổng hợp, tư duy phản biện.

Căn cứ để chọn người xứng đáng vào Quốc hội

Chiều ngày 9/6/2020, trong đợt họp trực tiếp của Kỳ họp thứ 9, Dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) đã quay trở lại phiên toàn thể của Quốc hội khoá XIV, sau khi còn 25 vị đại biểu đã đăng ký, mà chưa được phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến sáng 26/5.

“Đây là một dự án luật quan trọng được cử tri và rất nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, Đoàn chủ tọa đề nghị Quốc hội tiếp tục dành thêm thời gian để đại biểu Quốc hội trao đổi, thảo luận”, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu giải thích sự “ngoại lệ” với đạo luật này.

Trong cả hai phiên thảo luận, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận và tranh luận không chỉ bằng trách nhiệm, mà còn đầy ắp tâm tư là làm sao chọn người xứng đáng vào Quốc hội.

Căn cứ để lựa chọn chính là tiêu chuẩn. Điều 22, Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành quy định 5 tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội:

Một là, trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hai là, có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

Ba là, có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

Bốn là, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm.

Năm là, có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Đại biểu Quốc hội cần có tiêu chuẩn riêng?

Tham gia Quốc hội từ khoá XIII, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu Bùi Văn Phương nói thẳng: “Nếu chỉ có quy định tiêu chuẩn chung như hiện hành, thì soi vào đâu cũng tìm thấy đại biểu Quốc hội”.

Theo đại biểu Phương, ngoài 5 tiêu chuẩn như trên, đại biểu Quốc hội còn phải có sự am hiểu tương đối toàn diện các mặt của đời sống kinh tế - xã hội, có khả năng phân tích, tổng hợp, tư duy phản biện, có kỹ năng diễn đạt và biểu đạt ý kiến.

Không có thời gian thì nên từ chối

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), Quốc hội là họp việc nước, bởi vậy, trong Quốc hội cần có những người ưu tú, hiểu biết, tận tâm, tận lực và điều quan trọng là có đủ thời gian để thực thi cho được quyền lực đó. Vì thế, khi ai đó được đề nghị tham gia Quốc hội thì cần lượng sức mình, lượng quỹ thời gian của mình, nếu thấy không đáp ứng được thì cũng nên mạnh dạn từ chối.    

Vị đại biểu tỉnh Ninh Bình cũng chỉ ra một “khoảng trống” lớn là tất cả cán bộ từ cấp cao nhất đến thấp nhất ở dưới, thôn, xóm, tổ dân phố đều có quy hoạch, có đào tạo, có bồi dưỡng để chủ động bố trí nguồn khi cần thiết, nhưng với đại biểu Quốc hội thì không.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cũng nhấn mạnh, Quốc hội là một trong những môi trường tốt nhất để tôi luyện cán bộ cấp chiến lược quốc gia. Do đó, công tác quy hoạch cán bộ và đề án bầu cử đại biểu Quốc hội phải nằm trong tổng thể công tác quản trị nguồn nhân lực không chỉ trong tầm vóc Quốc hội, mà còn là tầm vóc của đất nước.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Phương, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu: Quốc hội là cơ quan dân cử, tại sao đại biểu lại không có tiêu chuẩn riêng, mà hòa lẫn tiêu chuẩn của cán bộ, công chức?

Ông Nhưỡng cũng cho rằng, đã là đại biểu thì không nên quy định về tuổi; việc áp tuổi của cán bộ, công chức cho đại biểu Quốc hội là không đúng.

Dùng quyền tranh luận (không cần chờ đến thứ tự đăng ký mới được phát biểu - PV), Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Ngô Trung Thành khẳng định, việc bổ sung tiêu chuẩn đối với đại biểu Quốc hội là không cần thiết, bởi Hiến pháp đã quy định, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân và cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Như vậy, Quốc hội phải có đại biểu đại diện cho lợi ích của toàn thể nhân dân, trong đó có giai cấp công nhân, nông dân, đội ngũ trí thức. Không những vậy, Quốc hội còn có đại diện cho các dân tộc, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Bên cạnh tiêu chuẩn, một số vị đại biểu còn quan tâm đến cách thức để chọn được những người xứng đáng.

Tăng số lượng ứng cử viên, mở rộng thành phần tham gia ứng cử, người ứng cử được tranh luận về chương trình hành động là những việc mà theo đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) sẽ tạo thêm cơ hội cho cử tri lựa chọn người tài.

Sau khá nhiều tranh luận, kết lại phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói, đại biểu Quốc hội là những người tiêu biểu, ưu tú, đại diện cho các giai tầng, các cơ quan trong hệ thống tổ chức, trong hệ thống chính trị, nên không thể đưa hết tiêu chuẩn riêng của từng khối, từng giai tầng vào Điều 22, Luật Tổ chức Quốc hội.

Cuối năm 2021, sẽ trình Quốc hội sửa Luật Đất đai

Với đa số phiếu thuận, chiều 10/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh năm 2020.

Báo cáo giải trình trước khi đại biểu bấm nút, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai đã được Quốc hội quyết định đưa vào Chương trình năm 2019, sau đó được điều chỉnh sang Chương trình cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).

Theo đó, đây là dự án quan trọng, có phạm vi điều chỉnh rộng, tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước. Quá trình nghiên cứu sửa đổi Luật còn một số vấn đề phức tạp, cần có thêm thời gian tổng kết kỹ lưỡng, toàn diện, nghiên cứu, đánh giá đầy đủ tác động của chính sách, bảo đảm khoa học, thận trọng. Hơn nữa, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sắp tới sẽ thông qua các văn kiện quan trọng mang tính định hướng chiến lược toàn diện, đầy đủ và có tính chất lâu dài về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cho giai đoạn mới, trong đó có các chính sách mới về đất đai.

Từ thực tế đó, trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội trước mắt cho rút Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai ra khỏi Chương trình. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tiếp tục khẩn trương tiến hành nghiên cứu, tổng kết sâu sắc, toàn diện thực tiễn, đề xuất sửa đổi Luật Đất đai (không phải sửa đổi, bổ sung một số điều)…, xây dựng hồ sơ Dự án Luật bảo đảm chất lượng để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2021, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021).

Tin bài liên quan