Nhiều khu công nghiệp gặp khó trong thu hút đầu tư. Ảnh: Dũng Minh

Nhiều khu công nghiệp gặp khó trong thu hút đầu tư. Ảnh: Dũng Minh

Chủ đầu tư khu công nghiệp “kể khổ”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Không ít khu công nghiệp đang gặp khó do khách thuê bắt đầu “ngấm đòn” suy thoái cũng như động thái “chuyển tông” của chính quyền địa phương trong việc thu hút đầu tư…

“Ngấm đòn” suy thoái

Thông thường, những tháng cuối năm là thời điểm các doanh nghiệp khu công nghiệp “chạy đua” thu hút khách thuê mới. Tuy nhiên, theo phản ánh từ nhiều công ty phân tích thị trường, hiệp hội ngành nghề…, diễn biến nửa cuối năm 2022 không khả quan như các năm trước (ngoại trừ những năm Covid-19), trong đó ảnh hưởng của lãi suất, lạm phát tăng, xung đột địa chính trị… đang cản trở bước chân của các nhà đầu tư. Thay vì “tăng tốc”, “về đích” vào những tháng cuối năm, nhiều khu công nghiệp bắt đầu “thấm đòn” từ sự suy yếu của chuỗi sản xuất quốc tế.

Theo Công ty Chứng khoán VNDirect, tăng trưởng chậm chạp của kinh tế toàn cầu đã được phản ánh trong dữ liệu kinh tế của nền kinh tế số 1 thế giới khi GDP của Mỹ giảm 0,9% trong quý II/2022, cũng là quý thứ hai liên tiếp. Các đối tác thương mại lớn khác của Việt Nam như châu Âu và Trung Quốc cũng phải đối mặt với dự báo tăng trưởng kinh tế ảm đạm trong năm 2022. Vì vậy, hầu hết tổ chức nghiên cứu đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 0,5-0,9 điểm phần trăm cho năm 2022 do hậu quả kinh tế từ cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine và các điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt. Do đó, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam có thể chậm lại trong quý IV/2022.

Ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương cho biết, đơn hàng có xu hướng giảm dần những tháng cuối năm, nhiều doanh nghiệp đang trong tình trạng “ăn đong” đơn hàng xuất khẩu.

“Đơn hàng không được dồi dào như trước, thậm chí có doanh nghiệp đã bị đối tác hủy đơn hàng vì nhu cầu tiêu thụ sụt giảm. Từ tháng 8 đến tháng 10, lượng đơn hàng đã giảm 30% so với những năm trước”, ông Vũ cho hay.

Còn theo thông tin từ Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM, thị trường xuất khẩu chính của đồ gỗ Việt Nam như Mỹ, châu Âu... đã sụt giảm nghiêm trọng, nguyên nhân đến từ lạm phát thế giới tăng cao, người dân ở những thị trường nhập khẩu chính này thắt chặt chi tiêu, dẫn đến nhu cầu sụt giảm. Kết quả khảo sát hoạt động 6 tháng đầu năm của 52 doanh nghiệp hội viên cho thấy, có đến hơn 90% doanh nghiệp bị giảm đơn hàng xuất khẩu so với cùng kỳ 2021, trong đó có 32 doanh nghiệp có mức giảm 30-90%. Cũng theo khảo sát này, có đến 73% doanh nghiệp giảm doanh thu, thậm chí nhiều đơn vị giảm từ 70-90%.

Khó khăn từ bối cảnh vĩ mô toàn cầu đang tác động mạnh mẽ đến các doanh nghiệp sản xuất, điều này cũng phản ánh rất rõ trong hiệu quả hoạt động của các nhà phát triển khu công nghiệp.

Đại diện Tổng công ty Đầu tư phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam - Công ty cổ phần (IDICO, mã chứng khoán IDC) cho biết, hoạt động thu hút đầu tư đang chậm lại đáng kể do tác động từ bối cảnh vĩ mô.

Theo đại diện IDICO, tiến độ thu hút đầu tư đã giảm mạnh từ tháng 7 đến nay do ảnh hưởng kinh tế vĩ mô toàn cầu, xung đột Nga – Ukraine… khiến giá năng lượng tăng cao, kéo chi phí tiêu dùng, lãi suất tăng theo ở hầu khắp các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, lạm phát tăng làm nhu cầu tiêu dùng giảm khiến sản xuất bị đình đốn.

“Những tháng cuối năm (ngoại trừ những năm Covid-19) thường là thời điểm các doanh nghiệp xuất khẩu bận rộn phục vụ nhu cầu tăng cao ở những thị trường nhập khẩu lớn, thế nhưng năm nay lượng công việc giảm hẳn, các doanh nghiệp hàng tiêu dùng, ngành gỗ… đều bị ảnh hưởng mạnh”, đại diện IDICO cho hay.

Thu hút đầu tư giảm tốc

Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ “thấm đòn” suy thoái. Ảnh: Dũng Minh

Doanh nghiệp xuất khẩu gỗ “thấm đòn” suy thoái.

Ảnh: Dũng Minh

Những thay đổi bối cảnh vĩ mô trên thế giới theo chiều hướng cực đoan đang tác động đến việc thu hút khách thuê và theo đại diện IDICO, một số hợp đồng nguyên tắc đã ký kết với đối tác đang bị chậm tiến độ, điều này xảy ra không chỉ với khối doanh nghiệp FDI mà cả với doanh nghiệp trong nước. Hiện có những hợp đồng đã ký kết, nhưng chủ yếu là để giữ giá chứ chưa triển khai và câu chuyện trì hoãn này không biết sẽ kéo dài bao lâu.

Không chỉ chịu ảnh hưởng từ bối cảnh toàn cầu, theo chia sẻ của nhiều chủ đầu tư, việc các địa phương có sự thay đổi trong chính sách thu hút đầu tư cũng khiến khu công nghiệp “mất khách”.

Đại diện Công ty cổ phần Tập đoàn Hateco chia sẻ, Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong ở Quảng Ninh do doanh nghiệp phát triển đang gặp khó khăn khi chính sách thu hút đầu tư của địa phương này có sự thay đổi. Theo đó, một số loại hình doanh nghiệp chế xuất không còn được chào đón như trước, ảnh hưởng tới việc thu hút khách thuê lĩnh vực này.

Tương tự, phản ánh của đại diện một số khu công nghiệp phía Nam cũng cho hay, những thay đổi trong tiêu chí thu hút đầu tư ở nhiều địa phương đã và đang ảnh hưởng đến khả năng thu hút khách thuê của các đơn vị phát triển khu công nghiệp. Chẳng hạn, tại Long An, chính sách thu hút đầu tư đang hướng nhiều hơn tới việc bảo vệ môi trường, những khu công nghiệp trước đây được tiếp nhận những ngành như dệt nhuộm thì nay hạn chế dần, cho dù nhiều khu công nghiệp trước đó đã có đánh giá tác động môi trường (ĐTM) về lĩnh vực này. Hay như Bà Rịa - Vũng Tàu, địa phương này cũng hạn chế thu hút các ngành xi mạ, dệt nhuộm…, dẫn đến việc nhiều khu công nghiệp ở giai đoạn 2 không thể thu hút nhà đầu tư, dù trước đây các lĩnh vực này vẫn được cấp phép bình thường.

Đại diện chủ đầu tư khu công nghiệp tại Long An cho biết, các nhà đầu tư Trung Quốc vẫn là khách hàng lớn, nhưng hiện tại, nhiều khách hàng vướng thủ tục công chứng hộ chiếu do vấn đề liên quan đến “đường lưỡi bò”. Do đó, có khu công nghiệp có thể giảm đến 50% nguồn vốn đầu tư từ nhóm khách hàng này.

Đánh giá về định hướng mới trong thu hút đầu tư, ông John Cambpell, Phó giám đốc kiêm Trưởng Bộ phận Dịch vụ công nghiệp Savills Việt Nam cho rằng, các ưu đãi thuế của Chính phủ dành cho các công ty công nghệ cao là động lực thúc đẩy các doanh nghiệp như Intel và Jabu gia nhập thị trường Việt Nam. Những ưu đãi này cũng áp dụng cho các dự án đầu tư về nông nghiệp thông minh, các sáng kiến bền vững và thân thiện với môi trường.

Theo ông John Campbell, khi nhìn vào các nền kinh tế công nghiệp hóa trên thế giới, nhiều khu công nghiệp đang chuyển sang mô hình kinh tế tuần hoàn và thân thiện với môi trường hơn. Do đó, Việt Nam phát triển theo con đường này chỉ là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, mô hình này vẫn còn tồn tại một số thách thức như chi phí đền bù cùng với giá đất ở Việt Nam đã tăng rất cao trong thời gian gần đây, gây cản trở cho các chủ đầu tư muốn thành lập các khu công nghiệp mới hoặc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang công nghiệp, bên cạnh hạn chế về trình độ lao động và cơ sở hạ tầngn

Tin bài liên quan