
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại tổ. Ảnh: PT
“Sáng nay, trước khi thảo luận tổ, Thủ tướng có đề nghị với tôi là nghị quyết này làm sao đẩy lên thông qua sớm. Tôi đã chỉ đạo Tổng thư ký Quốc hội xem tình hình thảo luận, nếu sự đồng thuận cao thì nghị quyết chúng ta thông qua sớm để tháo gỡ khó khăn cho nhà ở xã hội".
Nội dung trên được Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chia sẻ trong phiên thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, sáng 21/5.
Nhấn mạnh nhà ở xã hội là lĩnh vực người dân rất quan tâm, Chủ tịch Quốc hội bày tỏ cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành nghị quyết nhằm tháo gỡ vướng mắc đơn giản hóa thủ tục, thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Từ năm 2021 tới nay, cả nước có 657 dự án nhà ở xã hội, song số lượng căn nhà ở xã hội mới chỉ đạt 15,6%, Chủ tịch Quốc hội nêu con số chứng minh.
Ông Mẫn cũng lưu ý, mục tiêu tới năm 2030, xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ cho người dân thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp. Chính phủ cũng đã dành gói 120.000 tỷ đồng để xây dựng nhà ở xã hội. Tuy nhiên, “tiến độ giải ngân rất là chậm”.
Theo Chủ tịch Quốc hội, nguyên nhân chậm là do chưa chỉ đạo quyết liệt. Thứ nữa là thủ tục hành chính, để triển khai một dự án nhà ở xã hội, với quy trình hiện nay, phải mất tới 2 năm.
Ở kỳ họp này, Chính phủ đề xuất cơ chế đặc thù cho phép giao chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội không thông qua đấu thầu. Theo Chủ tịch Quốc hội, cơ chế đặc thù này sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án nhà ở xã hội, thủ tục đầu tư chỉ còn tối đa 75 ngày, giảm khoảng 200 ngày, tương ứng khoảng 70% so với hiện nay.
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Quốc hội, có 3 chính sách mới được bổ sung so với chủ trương của cấp có thẩm quyền, gồm: xác định giá bán, giá thuê mua; điều kiện về nhà ở để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; hoàn trả tiền sử dụng đất, kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư hoặc khấu trừ vào nghĩa vụ tài chính cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục giải trình cho Quốc hội rõ. Nếu vấn đề này Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy khả thi, đảm bảo thì chỉ cần báo cáo cấp có thẩm quyền, không cần xin ý kiến lại và cho triển khai luôn.
Tham gia thảo luận, nhiều vị đại biểu ở các tổ thảo luận khác cũng bày tỏ sự ủng hộ cần có quyết sách của Quốc hội để tháo gỡ khó khăn cho nhà ở xã hội, nhưng còn băn khoăn về nguồn lực cũng như triển khai thực hiện.
Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Nguyễn Trường Giang nêu vấn đề “tiền, nguồn lực ở đâu để làm nhà ở xã hội?” và cho rằng, kỳ họp này, Quốc hội đang bàn thảo nhiều nội dung liên quan tới dùng ngân sách như tinh giản biên chế, chi cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo… Vì thế, dự thảo Nghị quyết về cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội cũng cần đưa ra rõ kế hoạch, bố trí nguồn lực dự kiến cụ thể.
“Năm nay, sắp xếp tinh gọn bộ máy, sáp nhập địa phương thì kế hoạch tính làm bao nhiêu căn nhà ở xã hội để có chỗ ở cho cán bộ công chức? Cần xem lại quy hoạch về nhà ở xã hội để có nguồn lực đầu tư thỏa đáng”, ông Giang nêu ý kiến.
Ủy viên là đại biểu hoạt động chuyên trách của Ủy ban Kinh tế và Tài chính, đại biểu Nguyễn Mạnh Hùng (Cần Thơ) phân tích, trong bối cảnh nhu cầu về nhà ở xã hội rất lớn, Chính phủ cũng đặt mục tiêu cụ thể 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, rất cần cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Song, theo đại biểu, năm 2023, khi Quốc hội giám sát tối cao về chính sách liên quan bất động sản và nhà ở xã hội thì thấy các thủ tục, quy định liên quan nhà ở xã hội còn phức tạp hơn nhà ở thương mại, phải mất 3-5 năm mới có dự án nhà ở xã hội nếu mọi việc suôn sẻ.
Tại Dự thảo, Chính phủ đề xuất thành lập Quỹ Nhà ở quốc gia là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách ở Trung ương và địa phương.
Băn khoăn của đại biểu Hùng là dự thảo chưa làm rõ ai sẽ quản lý quỹ này. “Nếu lại giao Mặt trận Tổ quốc hay Tổng Liên đoàn Lao động thì không ổn, vì vừa đầu tư xây dựng, vừa cho thuê, thuê mua, một cơ quan như Mặt trận Tổ quốc có đảm nhiệm được không, rất phức tạp”, ông Hùng nhìn nhận.
Cho rằng, cần thiết thành lập quỹ, song vị đại biểu Cần thơ đề nghị Chính phủ làm rõ cơ quan nào điều hành, cơ chế vận hành, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của quỹ thế nào.
Về thẩm định giá mua, thuê mua nhà ở xã hội, ông Hùng nhấn mạnh lần này có bước rất đột phá là giao cho chủ đầu tư mà không cần phải thông qua các cơ quan thẩm định như trước đây.
Theo đại biểu, giao quyền như vậy tạo sự chủ động, rất tốt, nhưng qua giám sát cho thấy hiện khung giá bán nhà ở xã hội rất khác nhau giữa các dự án và các địa phương”. Chẳng hạn ở Yên Phong (Bắc Ninh), dự án nhà ở xã hội chỉ có giá 8-10 triệu đồng/m2, trong khi ở Hải Phòng bán 17-18 triệu đồng/m2, ông Hùng nêu ví dụ.
Theo nghị trình, sáng 28/5, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội, sau đó bấm nút thông qua vào sáng 24/6.