Chủ tịch Thế giới di động lý giải việc “chưa đầu tư lớn” vào dược phẩm

Chủ tịch Thế giới di động lý giải việc “chưa đầu tư lớn” vào dược phẩm

Trong khi Công ty cổ phần bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) tiếp tục mở thêm Nhà thuốc Long Châu, thì Công ty cổ phần Thế giới di động (mã: MWG) lại chấp nhận “sẽ không đầu tư bài bản vào chuỗi An Khang” cho đến khi những rào cản của luật pháp được gỡ bỏ.

“Chúng tôi mua lại An Khang không vì mục đích mua đi, bán lại kiếm lời như tổ chức tài chính. Dược phẩm là lĩnh vực thú vị, nhưng hiện có nhiều rào cản khiến Thế giới di động chưa sẵn sàng đầu tư lớn”, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Thế giới di động nói tại cuộc họp trực tuyến cập nhật kết quả kinh doanh 4 tháng đầu năm.

Ông Nguyễn Đức Tài cho rằng, các quy định trong kinh doanh chuỗi nhà thuốc hiện còn “mờ ảo và phân biệt đối xử”, nên họ không sẵn sàng đầu tư bài bản vào chuỗi An Khang, với phần vốn sở hữu là 49%.

Ngành bán lẻ dược phẩm hiện chia thành 3 kênh: Bệnh viện, phòng khám và nhà thuốc.

Các chuỗi nhà thuốc trước đây chủ yếu do các dược sĩ xây dựng, sau đó họ tự mở rộng hoặc cùng hợp tác với các dược sĩ khác để sử dụng chung thương hiệu. 

Theo quy định, để mở nhà thuốc, người chịu trách nhiệm chuyên môn của nhà môn cần có bằng cao đẳng hoặc trung cấp dược.

Đây cũng là thách thức cho các chuỗi bán lẻ như Thế giới di động hay Công ty cổ phần bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) phải đối mặt khi tham gia vào lĩnh vực dược phẩm.

Nếu để ý tại bảng hiệu các nhà thuốc sẽ thấy người đứng đầu là các dược sĩ khác nhau, dù có thể thương hiệu nhà thuốc đều thuộc một chuỗi. Tuy nhiên, không phải lúc nào dược sĩ có tên trên bảng hiệu luôn có mặt, chịu trách nhiệm chuyên môn tại nhà thuốc.

Điều này dẫn đến tình trạng dược sĩ cho thuê bằng để cá nhân/doanh nghiệp khác mở nhà thuốc.

Ông Nguyễn Đức Tài cho rằng, giấy đăng ký kinh doanh của các cửa hàng dược phẩm lớn đều do cá nhân đăng ký, dược sĩ đứng tên chứ không phải công ty sở hữu chuỗi. 

“Vì có quá nhiều rủi ro pháp lý phía sau nên họ phải lùng bùng mấy cái này. Thế giới di động không sẵn sàng lao vào cuộc chơi lùng bùng, cỏn con như vậy. Chờ cho luật pháp rõ ràng mạch lạc, ai cũng như ai, tự do kinh doanh thì chúng tôi sẽ nhảy vào”, Chủ tịch Thế giới di động nói. 

Trong khi Thế giới di động lo ngại rủi ro từ pháp lý kinh doanh nhà thuốc, cùng là doanh nghiệp bán lẻ điện thoại - điện máy, FPT Retail lại tiếp tục mở rộng quy mô, từ 106 nhà thuốc Long Châu hiện tại lên 220 nhà thuốc, tính đến cuối năm nay. 

Bà Nguyễn Bạch Diệp, Chủ tịch FPT Retail là người đại diện phần vốn góp 75% tại Công ty cổ phần dược phẩm FPT Long Châu, từng chia sẻ, việc mua lại cổ phần chuỗi nhà thuốc Long Châu là khoản đầu tư mang tính chất cá nhân.

Doanh nghiệp này còn đặt tham vọng chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán dược phẩm qua nhà thuốc trong 3-4 năm tới. 

Khi đó, mảng dược dự kiến mang về doanh thu khoảng 5.000 tỷ đồng, đóng góp 40% trong tổng doanh thu của FPT Retail.

Cả nước hiện có hơn 30.000 nhà thuốc hoạt động với tổng quy mô thị trường khoảng 2 tỷ USD (tương đương 25% quy mô ngành bán lẻ dược phẩm bao gồm kênh nhà thuốc và bệnh viện). Dù vậy, thị trường còn phân mảnh khi chưa có doanh nghiệp nào chiếm thị phần áp đảo.

Chuỗi bán lẻ dược phẩm Pharmacity thành lập 9 năm trước, hiện có số cửa hàng lớn nhất thị trường, với 346 cửa hàng (theo website công ty).

Tin bài liên quan