Dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhờ EVFTA

Dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi lớn nhờ EVFTA

Chủ tịch VCCI: Mong Chính phủ Việt Nam, EU và từng nước thành viên EU sớm phê chuẩn EVFTA và IPA

16h00 chiều nay, ngày 30/6, Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được ký kết tại Hà Nội. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam ( VCCI) khẳng định, với các doanh nghiệp Việt Nam, EVFTA và IPA mở ra những cơ hội đặc biệt có ý nghĩa từ nhiều góc độ.

Con đường thông thương ưu tiên cùng lúc 27 nền kinh tế EU

Theo ông Vũ Tiến Lộc, đứng từ góc độ xuất khẩu, qua EVFTA và IPA , doanh nghiệp Việt Nam có con đường thông thương ưu tiên lần đầu tiên với cùng lúc 27 nền kinh tế EU. Các nền kinh tế đều có cơ cấu hàng hóa bổ sung với Việt Nam, với thị trường 512 triệu dân có mức thu nhập tương đối cao, nhu cầu tiêu dùng đặc biệt lớn. EVFTA cũng là cơ hội loại bỏ thuế quan ổn định và vĩnh viễn cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam ở một trong những thị trường lớn nhất thế giới.

Điều này là rất có ý nghĩa, đặc biệt các ngành dệt may, da giày, nông sản, thực phẩm chế biến, đồ gỗ…của Việt Nam.

Từ góc độ chuỗi sản xuất, EVFTA và IPA cũng được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi giá trị toàn cầu khi EU (với 27 nền kinh tế bao gồm nhiều chuỗi sản xuất, nhiều công ty đa quốc gia) cho phép hài hòa các điều kiện về quy tắc xuất xứ, cơ chế hải quan và quản lý hành chính ở biên giới, công nhận lẫn nhau về tiêu chuẩn, quy chuẩn

"Đặc biệt, từ góc độ thể chếcác quy tắc đầu tư và kinh doanh hiện đại, tiêu chuẩn cao, minh bạch trong EVFTA-IPA sẽ là sức ép, cũng là động lực để Việt Nam tiếp tục cải cách thể chế kinh tế, tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi và an toàn hơn cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư và các chủ thể kinh doanh phát triển thịnh vượng hơn", ông Lộc nhấn mạnh

Từ góc độ phát triển bền vững, mặc dù sẽ phải nỗ lực rất nhiều để thực hiện, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng có niềm tin rằng các tiêu chuẩn cao về lao động, môi trường, trách nhiệm xã hội …trong EVFTA sẽ là cơ hội trong lâu dài cho chính người dân, các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam.

"Chúng tôi cũng mong và tin rằng EU sẽ có những hỗ trợ thực chất và hiệu quả, để cùng sát cánh với Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam trên con đường khó khăn nhưng tất yếu để đi tới tương lai bền vững và tốt đẹp này", ông Lộc nói.

Cơ hội lớn cho cộng đồng các doanh nghiệp và nhà đầu tư của EU và Việt Nam

Đứng ở góc độc cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư EU, EVFTA và IPA cũng mang tới những tác động và lợi ích kỳ vọng không hề kém.

Thứ nhất, cơ hội mở ra khi hàng hóa EU có thể tiếp cận với thuế quan ưu đãi thị trường của Việt Nam, với 95 triệu dân đang có mức thu nhập được cải thiện, các chương trình mua sắm, đầu tư công của chính phủ và hơn 700.000 doanh nghiệp, gần 6 triệu hộ kinh doanh đang có nhu cầu tương đối cao với nhiều sản phẩm thế mạnh của EU (như thực phẩm, dược phẩm, máy móc thiết bị, ô tô..).

Đó cũng là cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ của EU, khi Việt Nam mở cửa thêm nhiều thị trường dịch vụ cho EU trong EVFTA. Là một nền kinh tế đang phát triển định hướng xuất khẩu, Việt Nam có nhu cầu đặc biệt lớn về các dịch vụ phục vụ sản xuất mà EU có thế mạnh (dịch vụ tài chính, logistics, phân phối, cơ sở hạ tầng…). Việt Nam cũng là thị trường có sức phát triển ấn tượng về các dịch vụ như bán lẻ, giáo dục, y tế…

Đó còn là cơ hội cho các nhà đầu tư EU để được bảo hộ tốt hơn, an toàn hơn khi đầu tư vào Việt Nam – một trong những địa chỉ đầu tư hấp dẫn và có độ sinh lời cao. Việt Nam cũng sẽ là một cửa ngõ để các nhà đầu tư EU để tiến vào các thị trường ASEAN, liên minh Á Âu, CPTPP mà Việt Nam đã có FTA, với đầy đủ các lợi thế tương tự như doanh nghiệp Việt Nam.

"Đây là lý do chúng tôi hy vọng các bạn tiếp tục lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ EVFTA-IPA với các cơ quan EU, và ở quê hương của các bạn. Chúng tôi cũng mong nhìn thấy sự hợp tác, liên kết ngày càng chặt chẽ hơn giữa các bạn với các doanh nghiệp, nhà đầu tư Việt Nam ở Việt Nam và ở EU, tạo sức mạnh chung để biến các cơ hội to lớn từ EVFTA-IP trở thành hiện thực", ông Lộc nói.

Về phía các doanh nghiệp Việt Nam, ông Lộc cho rằng, của việc tìm hiểu kỹ các cam kết của hai Hiệp định, những cơ hội và thách thức đối với ngành mình, doanh nghiệp mình, từ đó có hành động tích cực, chuẩn bị và sẵn sàng để mở khóa các cơ hội lớn từ EVFTA-IPA. Mặt khác, doanh nghiệp cần tập trung mọi nguồn lực để nâng cao sức cạnh tranh của chính mình, tạo nền tảng vững vàng để có thể tận dụng, hấp thụ hiệu quả những cơ hội hội nhập mới.

Chủ tịch VCCI: Mong Chính phủ Việt Nam, EU và từng nước thành viên EU sớm phê chuẩn EVFTA và IPA ảnh 1

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: "Chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam, EU và từng nước thành viên EU tiếp tục sự ủng hộ nhiệt thành, cùng với những hành động thực chất và cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền hai Bên sớm phê chuẩn EVFTA và IPA"

"Vì vậy, chúng tôi mong muốn Chính phủ Việt Nam, EU và từng nước thành viên EU tiếp tục sự ủng hộ nhiệt thành, cùng với những hành động thực chất và cụ thể để các cơ quan có thẩm quyền hai bên sớm phê chuẩn EVFTA và IPA, qua đó chính thức cho phép cộng đồng doanh nghiệp hai bên hiện thực hóa những kỳ vọng to to lớn từ hai Hiệp định này", ông Lộc gửi thông điệp.

Tin bài liên quan