Chưa “an cư”, công nhân khó làm việc

Chưa “an cư”, công nhân khó làm việc

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Khi nguồn cung nhà ở cho công nhân đang thiếu hụt, một vấn đề được đặt ra là đã đến lúc cần thiết lập đồng bộ các chính sách để doanh nghiệp được chủ động trong kế hoạch triển khai dự án của mình tại các khu công nghiệp.

Đó là chia sẻ của nhiều chuyên gia và các doanh nghiệp tại Tọa đàm "Hạ tầng xã hội khu công nghiệp: Thực trạng và giải pháp" do Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp (VCCI) tổ chức chiều nay ngày 3/11/2021.

Công nhân khó khăn, doanh nghiệp cũng "méo mặt"

Phát biểu tại Tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, tính đến năm 2020, cả nước có 381 khu công nghiệp được thành lập với tổng diện tích quy hoạch là 114 nghìn ha, trong đó diện tích khu công nghiệp đã được giao đất và đưa vào sử dụng là 90,83 nghìn ha, chiếm 2,31% diện tích đất phi nông nghiệp, tăng 18,83 nghìn ha so với năm 2010.

Hiện nay, có 331 khu (4 khu chế xuất và 327 khu công nghiệp) đã đi vào hoạt động, chiếm gần 87% số khu đã thành lập; tỷ lệ lấp đầy bình quân đối với các khu đã đi vào hoạt động khoảng 75%.

Bên cạnh đó, theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia, đến năm 2030, diện tích đất khu công nghiệp sẽ có khoảng 205,79 nghìn ha, tăng 114,96 nghìn ha so với năm 2020 với 558 khu công nghiệp (kể cả 95 khu công nghiệp nằm trong các khu kinh tế ven biển và các khu kinh tế cửa khẩu).

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, phát triển kinh tế phải song hành với ổn định chính trị, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Phát triển các khu công nghiệp trở thành vùng động lực phát triển của các vùng kinh tế trọng điểm, bên cạnh định hướng thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn, song song với quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, nhằm mục tiêu phát triển bền vững.

Trong đó, một trong những vấn đề lớn cần giải quyết là hạ tầng an sinh cho công nhân khu công nghiệp, giải quyết vấn đề nhà ở cho người lao động. Tuy nhiên, việc phát triển các khu công nghiệp trong thời gian qua vẫn còn những tồn tại, bất cập, trong khi nhu cầu về nhà ở của người lao động rất lớn.

Một thực tế, sau giai đoạn giãn cách xã hội vừa qua, rất nhiều khu công nghiệp thiếu hụt lực lượng lao động. Một trong những nguyên nhân là do người dân gặp khó khăn trong việc duy trì cuộc sống khi các chi phí nhà trọ và sinh hoạt quá mức đắt đỏ.

Lấy ví dụ về hình ảnh đoàn người "di cư" khỏi các trung tâm kinh tế đã cho thấy những vấn đề liên quan nơi ở, chưa thể "an cư lạc nghiệp", nên khi biến cố xảy ra, các vấn đề về an sinh, phúc lợi không đảm bảo thì hệ quả này là điều tất yếu, TS. Nhạc Phan Linh, Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ và nhấn mạnh, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp là vấn đề hết sức cấp thiết.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nhiều lần báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ đề xuất các giải pháp tháo gỡ. Bộ Xây dựng gần đây cũng đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn cả nước đặc biệt là nhà ở công nhân.

Tính đến thời điểm cuối tháng 9/2021, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng khoảng 142.000 căn, với tổng diện tích khoảng 7.100.000 m2, đạt khoảng 56,8% so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020.

Trong đó, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.700.000 m2.

Thực tế trên cho thấy, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào xây dựng nhà ở xã hội nói chung, nhà ở công nhân nói riêng còn nhiều hạn chế, rất khó khăn. Phần lớn công nhân, người lao động sống trong các khu nhà trọ do người dân đầu tư xây dựng tự phát, không đảm bảo môi trường sinh hoạt tối thiểu và sức khỏe cho người lao động. Do đó, khi gặp dịch bệnh Covid-19, nguồn lây sẽ lan rộng nhanh chóng, làm cho công tác phòng chống dịch trở nên khó khăn hơn.

Để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19, Chính phủ cần dành nguồn vốn đầu tư xây dựng nhà cho công nhân thuê tại những địa phương tập trung nhiều công nhân lao động, có sẵn quỹ đất xây dựng.

"Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hiện cũng đang có đoàn công tác tại 5 tỉnh phía Nam để làm việc với thường trực tỉnh ủy các tỉnh, đề xuất xây dựng các khu nhà ở cho công nhân", Phó Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn cho biết.

Trước đó, Tổng Liên đoàn đã làm việc với 22 địa phương như Tiền Giang, Bắc Ninh, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Trà Vinh, Ninh Bình, Thái Bình, Bình Định… để triển khai Đề án Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất theo Quyết định số 655/QĐ-TTg ngày 12/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định số 1729/QĐ-TTg ngày 04/11/2020.

Tuy nhiên, việc triển khai Đề án trên gặp nhiều khó khăn do chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 và được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 49/2021/NĐ-CP ngày 01/04/2021.

Cần chính sách đồng bộ cho doanh nghiệp

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Shinec, chủ đầu tư Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền cho biết, Việt Nam đang là điểm đến của hàng nghìn doanh nghiệp đến từ 122 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào các dự án trong Khu công nghiệp, khu kinh tế và khu chế xuất. Tuy nhiên, lâu nay các dịch vụ cho người lao động như nhà ở, trường học, khu vui chơi giải trí, thể dục thể thao chưa đáp ứng được nhu cầu.

Mặc dù chính phủ cũng đã ban hành nhiều chủ trương, biện pháp thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhiều chính sách ưu đãi đối với các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, nhưng trên thực tế, khi triển khai vẫn còn nhiều vướng mắc dẫn đến mục tiêu phát triển nhà ở công nhân chưa đạt được theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia.

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Cty CP Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền

Ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch HĐQT Cty CP Shinec, chủ đầu tư KCN Nam Cầu Kiền

Đặc biệt, ông Điệp nhấn mạnh sự thiếu hụt nguồn vốn để phát triển nhà ở công nhân.

Theo Điều 9, Nghị định 100/NĐ-CP quy định: “Chủ đầu tư dự án được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng tại Việt Nam”, nhưng thực tế, nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội và tổ chức tín dụng dành cho phát triển nhà ở xã hội còn hạn chế.

Theo tính toán từ Bộ xây dựng, đến 2020, nhà nước phải bố trí được 9.000 tỷ đồng để tạo dựng nhà ở xã hội nhưng hiện ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 mới có 2.163 tỷ đồng. Con số này chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Trong khi đó, các tổ chức tín dụng được Nhà nước chỉ định gồm 4 ngân hàng thương mại chưa được bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho vay nhà ở xã hội và cũng chưa có quy chế sử dụng nguồn tiền thu được từ 20% quỹ đất trong các dự án khu đô thị, dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà xã hội.

“Vì vậy, có nhiều dự án nhà xã hội không thể triển khai thực hiện”, ông Điệp nhấn mạnh.

Do đó, doanh nghiệp đề xuất, để đẩy mạnh việc phát triển nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất trong thời gian tới, Bộ xây dựng cần sớm phối hợp các bộ, ngành liên quan, nghiên cứu, sửa đổi Luật Nhà ở 2014 theo hướng ban hành cơ chế, chính sách riêng về đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất để khuyến khích, thúc đẩy phát triển loại nhà ở này trình quốc hội ban hành.

Trong đó, quy định các ưu đãi cho chủ đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội trong có nhà ở công nhân khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất (miễn tiền sử dụng đất; miễn, giảm thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp; được vay vốn tín dụng ưu đãi; được hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật..) mang tính thực chất để thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển nhà ở công nhân.

Theo ông Điệp, một khu công nghiệp, khu kinh tế cần phải có đầy đủ các các tiêu chí cả về đời sống, văn hóa, kết nối cho người lao động. Hiện nay, trong tư duy phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất mới chỉ chú ý đến hạ tầng kỹ thuật còn toàn bộ hạ tầng xã hội không được để ý đến.

Theo đó, cần sửa đổi đồng bộ quy định về việc dành quỹ đất cho phát triển nhà ở cho công nhân trong pháp luật đất đai, đầu tư, quy hoạch, nhà ở… theo hướng bố trí quỹ đất phát triển nhà ở cho cho công nhân ngay trong khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, coi nhà ở công nhân là một hạ tầng kỹ thuật của khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất.

"Khi đó sẽ rút ngắn được thủ tục đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, có sẵn quỹ đất để phát triển nhà ở cũng như chỉ định Công ty phát triển kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất là chủ đầu tư xây dựng nhà ở công nhân", ông Điệp nhấn mạnh.

Ông Điệp cho biết thêm, trước mắt, để quy hoạch quỹ đất làm nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất thuận tiện, phù hợp điều kiện thực tiễn, doanh nghiệp đề nghị Bộ Xây dựng sớm đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22/5/2018 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế theo hướng trong khu công nghiệp, khu chế xuất được bố trí nhà ở dành cho công nhân.

Tin bài liên quan