Bố trí nhà ở công nhân là giải pháp hiệu quả giữ chân người lao động.

Bố trí nhà ở công nhân là giải pháp hiệu quả giữ chân người lao động.

Bộ Xây dựng kiến nghị gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bộ Xây dựng mới đây đã có văn bản đề nghị các địa phương đẩy mạnh đầu tư nhà ở cho công nhân lao động tại các khu công nghiệp.

Văn bản số 3822 /BXD-QLN ngày 17/10/2021 của Bộ Xây dựng cho biết, về lâu dài Bộ Xây dựng đang tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở 2014, trong đó chính sách nhà công nhân được nghiên cứu, quy định cụ thể hơn để khuyến khích đầu tư phát triển.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị các địa phương tập trung vào các nội dung chính như: bố trí quỹ đất phù hợp để xây nhà ở công nhân; tạo môi trường thuận lợi cho nhà đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; bố trí nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, nhà trẻ, cơ sở khám chữa bệnh, sinh hoạt cộng đồng, văn hóa, thể dục, thể thao... trong và ngoài các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là tại các khu vực có đông công nhân và người lao động.

Bộ Xây dựng cũng đưa ra giải pháp tổng thể để phát triển nhà ở cho công nhân lao động Khu công nghiệp - Khu chế xuất. Trong đó, chính sách dài hạn sẽ tập trung vào việc Quy hoạch quỹ đất: trong quy hoạch khu công nghiệp phải bố trí quỹ đất làm nhà lưu trú cho công nhân thuê; Lựa chọn chủ đầu tư: giao chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng Khu công nghiệp hoặc các doanh nghiệp khác hoặc phối hợp với Tổng Liên đoàn đầu tư dự án nhà lưu trú công nhân; Các cơ chế ưu đãi và những quy định về đối tượng được thuê nhà công nhân, tiêu chuẩn thiết kế.

Về chính sách ngắn hạn, Bộ Xây dựng đề nghị UBND cấp tỉnh rà soát, yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, nghiên cứu dành một phần quỹ đất dịch vụ trong khu công nghiệp làm nhà lưu trú công nhân.

Đối với các khu công nghiệp, nếu chưa sử dụng hết diện tích đất công nghiệp thì đề nghị cho điều chỉnh quy hoạch để dành phần diện tích đất đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân.

Đối với các dự án nhà ở xã hội gần khu công nghiệp, đề nghị có các cơ chế, giải pháp, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính, hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp tích cực tham gia để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, ưu tiên hỗ trợ bán, cho thuê, cho thuê mua đối với công nhân khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Đặc biệt, để bố trí nguồn vốn phát triển nhà công nhân, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa danh mục phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân khu công nghiệp vào danh mục đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Bộ Xây dựng kiến nghị bổ sung gói tín dụng khoảng 30.000 tỷ đồng theo hình thức tái cấp vốn cho chủ đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân Khu công nghiệp, Khu chế xuất vay để đầu tư phát triển nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở công nhân, góp phần đảm bảo “mục tiêu kép”: bảo đảm an sinh xã hội - nhà ở cho các đối tượng yếu thế (người thu nhập thấp, công nhân).

Trước đó, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 2472/BXD-QLN ngày 30/6/2021, báo cáo tổng thể với Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển nhà ở dành cho công nhân tại khu công nghiệp.

Theo báo cáo, đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 266 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 142.000 căn, với tổng diện tích hơn 7.100.000 m2; đang tiếp tục triển khai 278 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 276.000 căn, với tổng diện tích khoảng 13.800.000 m2.

Trong đó, đối với nhà ở xã hội ở dành cho công nhân khu công nghiệp, đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 121 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 54.000 căn hộ, với tổng diện tích 2.700.000 m2; đang tiếp tục triển khai 100 dự án với quy mô xây dựng khoảng 134.000 căn hộ, tổng diện tích 6.700.000 m2.

Trong giai đoạn từ đầu năm 2021 đến nay, chưa có dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân được hoàn thành bàn giao do ảnh hưởng chung của dịch Covid-19.

Tin bài liên quan