Chứng khoán 2021: Xác định vị thế và chọn lọc kỹ cổ phiếu khi giải ngân

Chứng khoán 2021: Xác định vị thế và chọn lọc kỹ cổ phiếu khi giải ngân

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Dòng tiền chực chờ đầu tư vào thị trường chứng khoán là rất lớn và dự báo tăng mạnh thời gian tới, nhưng nhà đầu tư cần lựa chọn đầu tư khôn ngoan, xác định mình tham gia thị trường ở vị thế đầu cơ hay đầu tư. Các chuyên gia cũng gợi ý phân loại 5 nhóm với mức độ rủi ro tăng dần trước khi quyết định đầu tư.

5 lĩnh vực dự báo phát triển

Tại hội thảo “Thị trường chứng khoán Việt Nam 2021”, do CLB Các nhà Kinh tế, Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) và Tập đoàn Green+ phối hợp tổ chức, các chuyên gia cho rằng, tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ khởi sắc trong năm 2021 với con số ước đạt 6,8% đến 7%.

Dòng chuyển dịch khu vực FDI vào Việt Nam đang tạo động lực cho khối dịch vụ phát triển; ngành hàng xuất khẩu Việt Nam tăng trở lại bao gồm các ngành: Dệt may, da giày; thuỷ sản….

Báo cáo khảo sát các CEO toàn cầu năm 2021 do Công ty kiểm toán PricewaterhouseCoopers (PwC) cho thấy, họ đang lạc quan hơn về triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệph. Có 36% CEO được khảo sát cho biết rất tự tin về triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp trong 12 tháng tới, cao hơn tỷ lệ 27% vào năm 2020.

Lĩnh vực khách sạn và giải trí, vận tải và hậu cần có mức độ tự tin thấp nhất do chịu ảnh hưởng trực tiếp từ đại dịch Covid-19. Lĩnh vực công nghệ có mức độ tự cao hơn các ngành khác do được hưởng lợi từ việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong đại dịch.

TS. Lê Anh Tú - Cố vấn cấp cao PwC, 5 lĩnh vực sẽ tập trung phát triển trong năm tới là giao nhận, giáo dục, công nghệ, năng lượng tái tạo và y tế. Trong đó, quy mô thị trường giao vận dự kiến đạt 113 tỷ USD vào năm 2022, tương ứng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 16,6%.

Tăng trưởng được hậu thuẫn bởi các hiệp định thương mại tự do, thương mại điện tử và việc các nhà sản xuất lớn như Apple, LG, Panasonic coi Việt Nam là một mắt xích để đa dạng hoá chuỗi cung ứng.

Sự tăng trưởng đến từ tầng lớp trung lưu cùng việc chi tiêu cho giáo dục dự kiến tăng lên là động lực để ngành giáo dục tiếp tục thu hút đầu tư hơn. Tăng trưởng đầu tư ngành giáo dục cũng được thúc đẩy bởi các chính sách khuyến khích đối với dự án 100% sở hữu tư nhân và nước ngoài. Bên cạnh đó, ngành y tế thu hút đầu tư nhờ các yếu tố như tốc độ già hoá dân số với số lượng người trên 65 tuổi sẽ tăng từ 8% trong năm 2019 lên 16% vào năm 2020.

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong nhóm hồi phục nhanh nhất trên thế giới. Tuy mức P/E của VN Index cao hơn mức P/E bình quân 5 năm gần đây, nhưng vẫn thấp hơn các nước trong khu vực. Khả năng dịch chuyển vốn để đón đầu xu thế nâng hạng thị trường chứng khoán (hiện Việt Nam thoả mãn 7/9 điều kiện của FTSE Russell đưa ra). Bên cạnh đó, Chính phủ mới với sự kế thừa và phát triển năng động tạo tiền đề cho những chính sách mới cho sự phát triển của nền kinh tế.

Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung Tâm lưu ký Chứng khoán (VSD) cho biết, dòng tiền đang chờ đầu tư rất lớn và kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Cùng với đó, thị trường đã có sự gia tăng nhanh về số lượng tài khoản các nhà đầu tư, có đến hơn 3 triệu tài khoản tham gia, trong đó nhà đầu tư nước ngoài là hơn 36.000 tài khoản.

Quý 1/2021, thanh khoản bình quân 20.000 tỷ đồng/phiên. Đó là mức thanh khoản rất tốt, chưa nói là đưa vào vận hành hệ thống công nghệ mới để thay thế hệ thống hiện tại. Theo ông Sơn, dòng tiền đang chờ đầu tư rất lớn và kỳ vọng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Cùng với đó, thị trường đã có sự gia tăng nhanh về số lượng tài khoản các nhà đầu tư. Cụ thể, hiện đã có đến hơn 3 triệu tài khoản tham gia, trong đó nhà đầu tư nước ngoài là hơn 36.000 tài khoản.

Để thị trường phát triển và bền vững, ông Sơn nhấn mạnh cần tập trung xây dựng chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030; hoàn thành việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam; hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin toàn thị trường; nâng cao năng lực cho các định chế tài chính trung gian, trong đó có sự hình thành của thị trường giao dịch cho các sản phẩm start-up.

Cách phân loại cổ phiếu cho nhà đầu tư F0

Dù có rất nhiều cơ hội, nhưng theo các chuyên gia, nhà đầu tư cần đầu tư khôn ngoan. Ông Nguyễn Hoàng Phương, Giám đốc huấn luyện và hỗ trợ kinh doanh HSC cho rằng, phần đông nhà đầu tư mới tham gia thị trường có hai lỗi sai cơ bản. Cụ thể, họ thường đi theo tâm lý đám đông, không xác định phương pháp phù hợp với nhu cầu bản thân, theo đó không ý thức được đầu tư hay đầu cơ chứng khoán. Đặc điểm thứ 2 là chưa biết quản lý dòng tiền, quản lý tỷ trọng trong danh mục, sử dụng đòn bẩy không thích hợp nên rủi ro cao khi thị trường điều chỉnh.

Hiện nay, có rất nhiều báo cáo, bộ lọc cổ phiếu khác nhau từ các công ty chứng khoán hoặc đội nhóm phân tích. Nhà đầu tư có thể tham khảo, tự bản thân tìm hiểu thêm và xác định mình tham gia thị trường ở vị thế đầu cơ hay đầu tư. Trả lời câu hỏi về khả năng tài chính và khẩu vị rủi ro sẽ giúp nhà đầu tư lựa chọn được doanh nghiệp, thời điểm vào và ra thích hợp.

Theo ông Phương, thông thường sẽ có 5 nhóm cổ phiếu: cổ phiếu chu kỳ, cổ phiếu tăng trưởng, cổ phiếu của những doanh nghiệp có tài sản ngầm, cổ phiếu của những doanh nghiệp chia cổ tức cho chúng ta đều đặn và cuối cùng là cổ phiếu của những doanh nghiệp “chết đi sống lại”.

Trong đó, cổ phiếu tăng trưởng thuộc về những doanh nghiệp tăng trưởng bền vững trong nhiều năm và có thể duy trì ít nhất 2 năm tiếp theo từ mảng kinh doanh lõi, từ dự án mới. Và nhà đầu tư cần tìm những cổ phiếu đang rẻ, hoặc bị điều chỉnh mạnh.

Cổ phiếu chu kỳ là cổ phiếu tăng hoặc giảm mạnh trong một khoảng thời gian vì doanh thu, lợi nhuận của doanh nghiệp biến động mạnh theo giá cả hàng hoá, tiền tệ, chi phí... Để tìm kiếm những cổ phiếu này, nhà đầu tư cần quan sát giá cả, chính sách, dòng tiền trên thị trường chứng khoán và xác định độ dài một chu kỳ để quyết định thời gian nắm giữ.

Chẳng hạn, cổ phiếu họ dầu khí tăng nhanh vì giá dầu thô tăng từ 40 USD lên trên 60 USD một thùng. Cổ phiếu của các công ty chứng khoán lại có chu kỳ dài hơn (khoảng 2-3 năm) vì có nhiều động lực tăng như thanh khoản cải thiện giúp tăng phí môi giới, thị trường đi lên giúp tăng lợi nhuận tự doanh và sắp tới là khả năng nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Cổ phiếu có cổ tức ổn định là dạng cổ phiếu phòng thủ, thì tìm những DN có lịch sử trả cổ tức tốt, đi kèm với kết quả kinh doanh hiệu quả nhiều năm, tài chính lành mạnh – phù hợp cho nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp.

Cổ phiếu của doanh nghiệp có tài sản ngầm – là các tài sản chưa được đề cập nhiều trong công tác quan hệ đầu tư của doanh nghiệp, như bất động sản, trữ lượng quặng mỏ, tiền mặt và thậm chí là nợ xấu. Đặc điểm các cổ phiếu dạng này thường có thanh khoản thấp, giá thấp. Nhà đầu tư cần phân tích về thời điểm hiện thực hoá tài sản ngầm. Nhóm cổ phiếu này sẽ có biên lợi nhuận cao nếu tham gia đúng thời điểm, nhưng cũng dễ chôn vốn, thậm chí mất vốn nếu phân tích và tiếp cận thông tin sai.

Cổ phiếu “chết đi sống lại” – đặc điểm nhận dạng cổ phiếu này là doanh nghiệp tái cơ cấu cổ đông, có chiến lược kinh doanh mới, thường diễn biến sẽ vọt từ vùng giá thấp lên rất nhanh. Nhưng rủi ro nằm ở điểm không nắm bắt được mục đích thực sự của việc thay máu cổ đông, khả năng của cổ đông mới.

"Phân loại theo cách trên giúp nhà đầu tư biết mình mua cổ phiếu vì cái gì, từ đó loại bớt rủi ro mất tiền", ông Phương nói.

Nhưng, chọn cổ phiếu theo nhóm nào thì nhà đầu tư cũng cần kiểm tra nhiều nguồn tin. Một số thông tin cơ bản cần được trả lời trước mỗi quyết định đầu tư là xu hướng thị trường đang thế nào, vị thế cổ phiếu ra sao, doanh nghiệp có đợt phát hành nào trong ngắn hạn, giá mục tiêu mà các công ty chứng khoán khuyến nghị, nguồn cung T+3, thanh khoản, chất xúc tác... Và quan trọng nhất là cổ phiếu đó phải tốt, có thanh khoản tốt.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Trúc Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bến Tre, trao Giấy chứng nhận Đầu tư dự án “Nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng Green+” cho Tập đoàn Đầu Tư Tài Chính Green+.

Ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch Câu lạc bộ Các Nhà kinh tế, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Green+ nhận giấy chứng nhận
Ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch Câu lạc bộ Các Nhà kinh tế, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Green+ nhận giấy chứng nhận

Nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng Green + có công suất 17.000 sản phẩm/năm được xây dựng trên diện tích 9.300m3 tại KCN Giao Long, Bến Tre với tổng vốn đầu tư là 1.000.000USD.

Tập đoàn Đầu tư tài chính Green+ tiền thân là Công ty cổ Phần Đầu tư Thảo Dược Xanh (Green+) thành lập năm 2016 hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và phân phối các sản phẩm dược phẩm và thảo dược. Đầu năm 2021, Green+ mở rộng sang các lĩnh vực khác như kinh doanh nhà thuốc, bất động sản… chính thức chuyển đổi tên hoạt động dưới mô hình tập đoàn là Tập đoàn Đầu tư tài chính Green+.

Green+ định hướng phát triển thành một tập đoàn đầu tư tài chính lớn của Việt Nam trong lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bất động sản, dược phẩm và thực phẩm chức năng.

Tin bài liên quan