Chứng khoán Âu Việt quyết bỏ môi giới

Chứng khoán Âu Việt quyết bỏ môi giới

(ĐTCK) CTCK Âu Việt (AVS) vừa công bố Nghị quyết HĐQT về việc triệu tập ĐHCĐ bất thường bàn thảo về nội dung xin hủy tư cách thành viên tại hai Sở GDCK. Nếu được ĐHCĐ thông qua, AVS sẽ là cái tên CTCK mới nhất rút khỏi nghiệp vụ môi giới.

Thông tin trên không gây bất ngờ với nhiều người. Cách đây một năm rưỡi, khi CTCK Kim Long công khai ý định rút nghiệp vụ môi giới, thì ý định tương tự cũng xuất hiện với lãnh đạo AVS. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, dù môi giới chưa bao giờ là thế mạnh của AVS, nhưng Công ty vẫn có một lượng khách hàng quen thuộc nhất định. AVS tiếp tục duy trì mảng hoạt động kém hiệu quả này với phương châm “không phụ khách hàng”, dù vào năm 2011, có lúc trong một thời gian rất ngắn, Công ty âm thầm giảm đến 1/2 nhân sự.

“Ở thời điểm hiện tại nhìn về 2 - 3 năm tới, triển vọng phục hồi của thị trường khá mờ mịt. Tại AVS, giá trị giao dịch trung bình hàng ngày chỉ đạt trên dưới 2 tỷ đồng/phiên, nên doanh thu từ phí môi giới và dịch vụ quá khiêm tốn. Trong khi đó, chưa kể các chi phí bất thường, trung bình hàng tháng, chúng tôi phải bỏ ra tối thiểu 600 triệu đồng cho các chi phí cố định. AVS phải tái cấu trúc để ưu tiên nguồn lực còn lại cho các hoạt động khác trong dài hạn, hứa hẹn mang lại hiệu quả hơn”, ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch HĐQT AVS nói với ĐTCK.

Theo báo cáo tài chính soát xét bán niên, 6 tháng đầu năm nay, tình hình kinh doanh của AVS không đến nỗi quá bi bét khi vẫn lãi hơn 11 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật đến trung tuần tháng 9, từ ngày 1/7 tới ngày 16/9, AVS đã lỗ 4,7 tỷ đồng. Con số này kéo lùi kết quả kinh doanh từ đầu năm đến giữa tháng 9 xuống còn lãi 6,3 tỷ đồng. Lý do chính của sự sụt giảm kết quả kinh doanh bắt nguồn từ việc thị trường sụt giảm, doanh thu phí môi giới và các dịch vụ của Công ty chưa bằng phân nửa so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, thị trường chung giảm điểm khiến một số khoản đầu tư của AVS vào chứng khoán niêm yết và OTC đối diện với nguy cơ lớn phải trích lập dự phòng. Ông Vịnh không ngại chia sẻ rằng, chắc chắn trong quý III, AVS sẽ lỗ và nếu diễn biến thị trường tiếp tục trầm lắng từ nay đến cuối năm thì gần như thành quả kinh doanh trong 6 tháng đầu năm sẽ tan thành mây khói.

Về triển vọng sắp tới của AVS, ông Vịnh cho biết, điều này phụ thuộc vào kết quả bàn thảo và quyết định của ĐHCĐ. Về mặt định hướng, HĐQT AVS muốn phát triển theo mô hình công ty đầu tư. Tuy nhiên, mô hình này dù được đề cập trong các văn bản pháp lý nhưng thực tế khi triển khai có nhiều bất cập, nên không loại trừ khả năng AVS phải tính tới phương án giải thể. Xét về cơ cấu cổ đông, hiện nay 66% cổ phần của AVS được nắm giữ bởi 6 cổ đông lớn (xem biểu đồ), nên gần như chắc chắn ĐHCĐ sắp tới của AVS sẽ đạt được đồng thuận về ngã rẽ mới của Công ty.

Cần nhắc lại là trước AVS đã có một số CTCK bắt buộc phải rút nghiệp vụ môi giới vì các lỗi khác nhau. Chu kỳ đi xuống của TTCK kéo dài đã 5 năm, cộng với các dịch vụ tài chính sơ khai, nghèo nàn khiến đa phần các CTCK hiện chịu nhiều sức ép. Tuy nhiên, khác với quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, về định hướng, quá trình tái cấu trúc các CTCK chỉ mang tính tự nguyện từ dưới lên, nên sau sự chuyển hướng tự nguyện của AVS, thị trường cần nhiều sự dũng cảm tương tự để nguồn lực xã hội có thể được sử dụng một cách hiệu quả nhất.