Ảnh minh họa: AFP

Ảnh minh họa: AFP

Chứng khoán, dầu giảm đồng loạt, vàng nhanh chóng phục hồi

(ĐTCK) Chứng khoán toàn cầu trong phiên cuối tuần đồng loạt giảm điểm, trong đó nhiều thị trường giảm mạnh, trong khi vàng lại nhanh chóng hồi phục sau phiên giảm trước đó.

Mỗi lo Hy Lạp, kết quả kinh doanh kém khả quan, cùng với rủi ro từ các quy định giao dịch mới tại Trung Quốc khiến giới đầu tư phố Wall ồ ạt bán ra, kéo chứng khoán Mỹ giảm mạnh trong phiên cuối tuần, trong đó chỉ số S&P 500 có ngày giảm mạnh nhất kể từ 25/3.

Đúng như dự đoán, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp lớn vừa công bố như GE, American Express, Honeywell International kém khả quan với lý do đồng USD mạnh, ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận của các hãng này.

Trong khi đó, các công ty chứng khoán Trung Quốc cảnh báo nhà đầu tư nên thận trọng khi cổ phiếu của Trung Quốc đạt mức cao nhất 5 năm. Trung Quốc cũng bắt đầu cho phép các quỹ đầu tư cho vay chứng khoán để bán khống trong ngắn hạn. Sau thông tin này, chỉ số China H-Share tương lai giảm 3,4%, và nó kích hoạt lệnh bán tháo ở các thị trường chứng khoán bên ngoài, sau đó lan rộng ra chứng khoán châu Âu và Mỹ.

Kết thúc phiên 17/4, chỉ số Dow Jones giảm 279,47 điểm (-1,54%), xuống 17.826,30 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 23,81 điểm (-1,13%), xuống 2.081,18 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 75,98 điểm (-1,52%), xuống 4.931,81 điểm.

Phiên giảm mạnh cuối tuần đã khiến phố Wall không còn duy trì được đà tăng điểm như 2 tuần trước. Trong tuần, chỉ số Dow Jones giảm 1,28%, chỉ số S&P 500 giảm 0,99% và Nasdaq cũng giảm 1,28%.

Tương tự phố Wall, những quy định giao dịch mới của thị trường tương lai Trung Quốc cũng khiến giới đầu tư châu Âu lo ngại và nhanh chân tháo chạy trong phiên cuối tuần, kéo các chỉ số của khu vực giảm mạnh, đặc biệt là chứng khoán Đức, mất tới 2,6%, mức giảm gấp đôi so với 4 phiên giao dịch trước đó.

Bên cạnh đó, mối lo Hy Lạp cạn tiền và có nguy cơ tách khỏi khu vực đồng euro cũng khiến giới đầu tư có lý do để bán mạnh ra trong phiên cuối tuần.

Kết thúc phiên 17/4, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 65,82 điểm (-0,93%), xuống 6.994,63 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 310,16 điểm (-2,58%), xuống 11.688,70 điểm. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 81,23 điểm (-1,55%), xuống 5.143,26 điểm.

Tương tự phố Wall, tuần qua, chứng khoán châu Âu cũng giảm điểm, chấm dứt chuỗi 2 tuần tăng liên tiếp với chỉ số FTSE 100 giảm 1,53%, chỉ số CAC 40 giảm 1,85% và mạnh nhất là DAX giảm tới 5,54%.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản cũng có phiên giảm mạnh, xuống mức thấp nhất hơn 1 tuần trong phiên cuối tuần sau dữ liệu nhà máy của Mỹ yếu kém được công bố. Chứng khoán Hồng Kông cũng đảo chiều giảm trở lại sau đợt tăng mạnh tuần trước và cả trong tuần này, trong khi chứng khoán Trung Quốc tiếp tục thăng hoa và lên mức cao mới trong 7 năm.

Kết thúc phiên 17/4, chỉ số Nikkei 225 giảm 232,89 điểm (-1,17%), xuống 19.652,88 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 86,59 điểm (-0,31%), xuống 27.653,12 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Trung Quốc tăng 92,47 điểm (+2,20%), lên 4.287,30 điểm.

Trong tuần, trong khi chỉ số Nikkei 225 giảm 1,28%, thì chỉ số Hang Seng tăng 1,4%, thậm chí chỉ số Shanghai Composite tăng tới 6,27%.

Sau phiên bất ngờ giảm giá do áp lực chốt lời thứ Năm, vàng đã phục hồi trở lại trong phiên cuối tuần khi dữ liệu kinh tế kém khả quan liên tiếp được công bố. Trong tuần giao dịch này, giá kim loại quý này chủ yếu dao động lình xình và dù tăng nhẹ trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng vàng đã chấm dứt chuỗi 4 tuần tăng liên tiếp của mình.

Kết thúc phiên 17/4, giá vàng giao ngay tăng 5,5 USD (+0,46%), lên 1.203,3 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 6 tăng 5,3 USD/ounce (+0,44%), lên 1.203,3 USD/ounce.

Trong tuần, vang giao ngay giảm nhẹ 0,33% và vàng giao tháng 6 cũng mất 0,37%.

Trong tuần tới, ít dữ liệu kinh tế có tác động tới giá vàng được công bố. Tuy nhiên, với sự thận trọng và kém hấp dẫn trên thị trường chứng khoán trong mùa thu nhập, nhiều nhà phân tích và đầu tư đánh giá tích cực về xu hướng của vàng trong tuần tới.

Theo cuộc thăm dò của Wall Street, trong số 31 chuyên gia thị trường được khảo sát, có 22 người trả lời trong tuần này. Theo kết quả, 13 chuyên gia, tương đương 59%, đánh giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, trong khi chỉ có 3 người, tương đương 14% cho rằng giá sẽ giảm và 6 người tương đương 27% giữ quan điểm trung lập hoặc cho rằng vàng sẽ đi ngang.

Trong khi đó, cuộc khảo sát trực tuyến của Main Street trên Kitco News, trong số 421 người tham gia trả lời, có 188 người, tương đương 45% lạc quan về vàng trong tuần tới, 140 người, tương đương 33% cho rằng vàng sẽ giảm giá và 93 người, tương đương 22% giữ quan điểm  trung lập.

Lo ngại về dư thừa nguồn cung khi OPEC thông báo tăng sản lượng trong tháng 3 đã khiến dầu đảo chiều giảm trở lại trong phiên cuối tuần sau 4 phiên tăng liên tiếp.

Kết thúc phiên 17/4, giá dầu thô Mỹ giảm 0,97 USD/thùng (-1,74%), xuống 55,74 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 0,53 USD (-0,84%), xuống 63,45 USD/thùng.

Dù giảm trở lại trong phiên cuối tuần, nhưng với 4 phiên tăng mạnh đầu tuần, giá dầu thô Mỹ kết thúc tuần với mức tăng 7,94% và dầu Brent tăng tới 9,64% so với cuối tuần trước đó.

Tin bài liên quan