Chứng khoán Fintech, cuộc cách mạng không sử dụng môi giới

Chứng khoán Fintech, cuộc cách mạng không sử dụng môi giới

(ĐTCK) Trên thị trường chứng khoán Việt Nam, trong khi các công ty lớn đang nỗ lực từng bước thay đổi bộ máy cồng kềnh của mình theo xu hướng của thời đại số thì đã xuất hiện một số công ty chọn cho mình một mô hình hoạt động hoàn toàn mới. Đó là không sử dụng môi giới chứng khoán truyền thống. 

Vai trò của môi giới chứng khoán trước khi Fintech bùng nổ

Trước khi Fintech cập bến, vai trò của môi giới là vô cùng quan trọng đối với các công ty chứng khoán.

Theo khoản 20, Ðiều 6 của Luật Chứng khoán sửa đổi năm 2010, “môi giới chứng khoán là việc làm trung gian thực hiện mua và bán chứng khoán cho khách hàng”.

Vậy môi giới chứng khoán có thể là cá nhân, công ty hay tổ chức có trách nhiệm đại diện, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng thông qua việc tư vấn và thực hiện giao dịch.

Công việc của một nhân viên môi giới truyền thống bao gồm từ chăm sóc khách hàng như mở tài khoản, hỗ trợ nộp rút tiền, cung cấp mã chứng khoán cho đến việc thu thập thông tin, dự đoán thị trường và đưa ra lời khuyên thích hợp cho khách hàng nên mua hay nên bán một cổ phiếu, trái phiếu của doanh nghiệp nào đó.

Tại các công ty chứng khoán hoạt động theo mô hình truyền thống, đội ngũ nhân viên môi giới hùng hậu đông đảo là lợi thế cạnh tranh rất lớn.

Ðây là bộ phận nòng cốt tìm kiếm khách hàng, mở tài khoản giao dịch và tư vấn mua bán, từ đó công ty chứng khoán có doanh thu từ phí giao dịch chứng khoán của khách hàng. 

Về phí giao dịch chứng khoán, theo Thông tư 128 của Bộ Tài chính, mức phí giao dịch được áp dụng tối đa 0,5% giá trị giao dịch và không có mức sàn quy định.

Có thể nói, trước khi Fintech bùng nổ, rất khó để một nhà đầu tư mới muốn tham gia thị trường mà không phải sử dụng dịch vụ của nhân viên môi giới chứng khoán.

Chứng khoán Fintech và cuộc cách mạng về mô hình hoạt động

Tại thị trường chứng khoán Việt Nam, Fintech đã ghi dấu ấn mạnh mẽ. Tại hầu hết các công ty chứng khoán hiện nay, khách hàng là những nhà đầu tư có thể đặt lệnh trực tuyến, mở tài khoản chứng khoán trực tuyến, nộp và rút tiền trực tuyến mà không cần phải biết một môi giới nào tại công ty chứng khoán đó cả.

Tuy nhiên, với những công ty chứng khoán truyền thống, Fintech mới chỉ thay đổi phương thức giao dịch từ đặt lệnh truyền thống sang giao dịch trực tuyến.

Bộ phận môi giới vẫn hoạt động hết sức tích cực trong việc tìm kiếm khách hàng, tư vấn giao dịch. Và tất nhiên, với mỗi giao dịch cả chiều mua và bán, khách hàng đều mất một khoản phí không nhỏ.

Nhìn sang những công ty chứng khoán Fintech, điểm khác biệt chính là mô hình hoạt động không sử dụng môi giới.

Ghé thăm trụ sở của AIS, một công ty chứng khoán Fintech điển hình trên thị trường, chúng ta sẽ không bắt gặp một nhân viên môi giới chứng khoán đúng nghĩa nào.

Cụ thể hơn, toàn bộ quy trình của việc đầu tư chứng khoán từ mở tài khoản giao dịch (và tài khoản ký quỹ), tra cứu mã chứng khoán và theo dõi thông tin thị trường cho đến thực hiện đặt lệnh giao dịch mua bán tại AIS đều được trực tuyến hóa

Các nhà đầu tư được khuyến khích tự thực hiện việc đầu tư của mình mà không qua sự tư vấn của môi giới chứng khoán và sẽ được hưởng chính sách ưu đãi, đó là miễn phí giao dịch cả chiều mua và bán cùng lãi suất vay ký quỹ cạnh tranh.

Các công ty chứng khoán Fintech với nền tảng công nghệ của mình đã tinh giản được bộ máy nhân sự, đặc biệt là nhóm môi giới chứng khoán, từ đó giúp khách hàng tiết kiệm chi phí khi tiến hành đầu tư.

Không sử dụng môi giới truyền thống, công ty chứng khoán Fintech đồng thời sử dụng chiến lược đẩy mạnh quảng bá trên các nền tảng trực tuyến phổ biến hiện nay như Facebook, Google, Youtube và báo điện tử nhằm tìm kiếm khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng trẻ ưa thích công nghệ.

“Quân bài” Robo Advisor

Nắm bắt tâm lý nhiều nhà đầu tư không hoàn toàn tự tin trong việc nghiên cứu thị trường, các công ty chứng khoán Fintech đã “tiếp sức” cho khách hàng bằng sản phẩm Robo Advisor hay có thể gọi là những trợ lý ảo thông minh.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với 2 trụ cột là công nghệ Big Data (dữ liệu lớn) và AI (trí tuệ nhân tạo) được các công ty chứng khoán Fintech tận dụng triệt để để tạo ra những sản phẩm độc quyền của riêng mình.

Quan sát trên thị trường thời gian gần đây, việc sử dụng Robo Advisor thay cho các nhân viên môi giới truyền thống cũng đã nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư.

Từ góc nhìn nhà đầu tư, ưu điểm lớn nhất khi sử dụng Robo Advisor đó là sự tuân thủ tuyệt đối tỷ lệ lợi nhuận mong muốn cũng như tỷ lệ rủi ro mà nhà đầu tư đặt ra.

Robo Advisor hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi cảm xúc như tư vấn viên truyền thống. Các khuyến nghị của “tư vấn viên Robot” dựa trên 100% logic theo thuật toán viết sẵn. Ðiều này giúp không tạo ra xung đột lợi ích như mô hình môi giới truyền thống.

Về phía công ty chứng khoán, hầu hết các sản phẩm Robo Advisor hiện nay đều đang miễn phí sử dụng cho khách hàng trải nghiệm.

Trong thời điểm này, các Robo Advisor mới chỉ dừng lại ở việc tư vấn khuyến nghị. Trong tương lai, Robo Advisor được cho là sẽ có thể trực tiếp đặt lệnh thay cho khách hàng.

Một cách tích cực, Robo Advisor có thể thay thế phần lớn công việc của các môi giới truyền thống và người hưởng lợi là nhà đầu tư.

Xu hướng sử dụng Robo Advisor đang lan rộng không chỉ tạo nên sự thay đổi trong phương thức đầu tư mà còn tạo ra thách thức lớn đối với các môi giới truyền thống.

Giờ đây, nếu chỉ cung cấp những dịch vụ đơn thuần với năng lực không vượt trội, các môi giới chứng khoán truyền thống sẽ bị thay thế bởi Robot tư vấn đầu tư.

Ngược lại, chỉ có những ai có khả năng liên tục nâng cao trình độ chuyên môn, kết hợp cùng công nghệ tự động hóa mới có khả năng giữ chân khách hàng lâu dài.

Cơ hội dành cho công ty chứng khoán Fintech tại Việt Nam

Trên thế giới, Robinhood và Revolut là hai trong số những công ty Fintech đã có được những thành công bước đầu, tạo ra một hiệu ứng lớn đến thị trường cũng như phương thức hoạt động của các công ty chứng khoán.

Ra đời từ năm 2013, công ty khởi nghiệp Robinhood giờ đây đã có hơn 10 triệu người dùng. Sự phát triển của Robinhood đã tạo nên cuộc cách mạng phí giao dịch bằng 0 trên thị trường chứng khoán Mỹ trong năm 2019.

Robinhood hiện đang tiếp tục phát triển sang những thị trường khác, cụ thể là Anh quốc trong năm nay.

Tại Việt Nam, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, hơn một nửa dân số Việt Nam có tài khoản ngân hàng, tương đương với hơn 45 triệu tài khoản ngân hàng. Một điểm đáng chú ý nữa là thiết bị di động ngày càng trở nên phổ biến, hệ thống hạ tầng thông tin được cải thiện.

Theo TS. Ðào Lê Minh và TS. Nguyễn Thanh Huyền, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, trong lĩnh vực tài chính nói chung hay thị trường chứng khoán nói riêng, việc áp dụng hàng loạt công nghệ tài chính hướng đến lợi ích tiềm năng sẽ làm giảm rủi ro và chi phí giao dịch cũng như tăng tính thanh khoản và tính minh bạch cho thị trường.

Ðây chính là cơ hội rộng mở cho những công ty chứng khoán Fintech.

Với mô hình sử dụng công nghệ thay cho môi giới truyền thống, các công ty chứng khoán Fintech đang mở ra cơ hội đầu tư cho tất cả mọi người.

Rào cản về kiến thức, chi phí và vốn đầu tư giờ đã thấp rất nhiều với sự xuất hiện của loại hình công ty chứng khoán Fintech.

Tuy nhiên, sẽ là quá sớm để nhận định rằng Robo Advisor sẽ thay thế môi giới chứng khoán truyền thống cũng như việc chứng khoán Fintech có thể “đánh chiếm” thị phần của các công ty chứng khoán truyền thống.

Các Robo Advisor cần thời gian để chứng minh hiệu quả hoạt động thực tế của mình để chiếm được lòng tin của nhiều hơn những nhà đầu tư lâu năm.

Cùng với năm tháng, điều mà chúng ta có thể nhận thấy là vai trò của môi giới chứng khoán đang ngày một giảm đi đối với khách hàng, đặc biệt là đối với những khách hàng trẻ, yêu thích công nghệ. 

Tin bài liên quan